Kết thúc hội nghị G7 ở Canada: Tiếp tục chi tiêu công

08/02/2010 09:22

Bộ trưởng tài chính các nước G7 đã kết thúc cuộc họp hai ngày ở Iqaluit, Canada, hôm 6/2 với cam kết tiếp tục các chương trình chi tiêu công nhằm củng cố đà hồi phục của kinh tế toàn cầu

Kết thúc hội nghị G7 ở Canada: Tiếp tục chi tiêu công

Bộ trưởng tài chính các nước G7 đã kết thúc cuộc họp hai ngày ở Iqaluit, Canada, hôm 6/2 với cam kết tiếp tục các chương trình chi tiêu công nhằm củng cố đà hồi phục của kinh tế toàn cầu.

Mời các bạn theo dõi bản tin video về sự kiện trên.

Các bộ trưởng tài chính G7 đồng ý sẽ tiếp tục những cuộc gặp của nhóm các nước công nghiệp phát triển. Trong ảnh (từ trái sang): Bộ trưởng Tài chính Canada Jim Flaherty, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Tim Geithner, Bộ trưởng Tài chính Anh Alistair Darling, Bộ trưởng Tài chính Nhật Naoto Kan tại buổi họp báo - Ảnh: Reuters

G7 cũng thống nhất sẽ đưa ra luật để buộc các ngân hàng trả phần tổn thất do cuộc khủng hoảng tài chính dù vẫn chưa thống nhất được cách thức. “Có sự đồng thuận lớn là các ngân hàng phải chịu trách nhiệm” - một quan chức Đức nói.

Theo Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD), các tập đoàn tài chính đã nhận được khoảng 1.560 tỉ USD tiền cứu trợ, 5.210 tỉ USD cho các chi phí mua bán tài sản và 4.640 tỉ USD bảo lãnh nợ.

Hiện các quan chức vẫn tranh cãi liệu có nên áp thuế đối với các giao dịch tài chính trên thị trường, tiền thưởng hay là trên cổ tức. Tổng thống Obama đã đề xuất mức thuế 0,15% trên các khoản vay của các ngân hàng có tài sản trên 50 tỉ USD.

Cuộc khủng hoảng tài chính đã đẩy nợ công lên mức kỷ lục ở nhiều nước sau khi nhiều chính phủ phải tung tiền cho các gói kích thích và vực dậy nền kinh tế. Kết quả là đồng euro đã chịu nhiều áp lực và thị trường trái phiếu trong khu vực này vài ngày gần đây liên tục chịu tác động.

Vẫn giữ G7

G7 sẽ tiếp tục hoạt động như diễn đàn để các nước giàu thảo luận các vấn đề toàn cầu giữa lúc có những tiếng nói cho rằng G7 chẳng còn ích lợi gì và nên kết thúc để nhường lại diễn đàn cho G20 - cơ cấu được coi là có tính đại diện toàn cầu cao hơn, khi mà Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới.

Tổ chức hội nghị G7 lần này, Canada mong muốn đây là một cuộc gặp gỡ nhỏ hơn, ít hình thức hơn và nhấn mạnh đến “một cuộc thảo luận chân thành“. Canada mong muốn làm một cuộc về nguồn của G7 theo thiết kế ban đầu của tổng thống Pháp Valery Giscard d’Estaing vào năm 1975 như “những cuộc trò chuyện bên bếp lửa” trong rừng Rambouillet ở ngoại ô Paris, chứ không như hiện nay G7 qua thời gian đã trở thành một cỗ máy ngoại giao nặng hình thức

Các nước G7 đều đồng ý tiếp tục chi tiêu công là quan trọng để tránh tình trạng đình trệ của đà phục hồi.

Lo lắng về tình trạng nợ công tăng - điều gây lo ngại cho đà hồi phục và khiến thị trường lao đao hồi tuần trước - ban đầu được coi là trọng tâm nhưng sau đó ít được bàn tới.

Nợ tổng cộng của G7 hiện đã lên tới con số khổng lồ 30.000 tỉ USD sau các khoản chi tiêu ồ ạt hồi năm ngoái nhằm cứu các nền kinh tế.

Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là các nước mới nhất đang có dấu hiệu nguy hiểm về ngân sách khiến các nhà đầu tư lo ngại một nguy cơ khủng hoảng tương tự như tại Hi Lạp - nơi thâm hụt ngân sách đã lên tới 12,7% trong khi nợ công cũng lên tới mức kỷ lục.

Giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu Jean - Claude Trichet nói thâm hụt sâu và nợ công nhiều đang tạo thêm gánh nặng cho chính sách tiền tệ, ảnh hưởng tới sự ổn định và tăng trưởng của EU.

Ngoài ra, các nước G7 cũng đồng ý xóa nợ cho Haiti trong nỗ lực giúp nước này tái thiết sau vụ động đất hôm 12-1 làm hơn 200.000 người thiệt mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kết thúc hội nghị G7 ở Canada: Tiếp tục chi tiêu công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO