Hết chăn nuôi

LÊ LÀNH theo nbcNews, Le Figaro, The Local| 06/03/2012 09:52

Hết chăn nuôi; Mất tiêu; Cắt điện.

Hết chăn nuôi

Hết chăn nuôi

Người khai sinh thịt từ tế bào gốc - Mark Post

Đến mùa thu năm nay, bánh mì kẹp thịt bò được phát triển từ tế bào gốc sẽ ra khỏi phòng thí nghiệm. Ngành chăn nuôi, thực phẩm và bảo vệ môi trường sẽ bước sang một trang mới.

Trong cuộc họp báo sau hội nghị thường niên Hiệp hội tiến bộ khoa học Mỹ AAAS ở Vancouver (Canada), tiến sĩ Mark Post, chủ nhiệm khoa Lý - Sinh Đại học Maastricht, Hà Lan, cam đoan rằng tháng 10 năm nay sẽ trình làng bánh mì kẹp thịt bò nuôi cấy.

Giá cả sẽ cực đắt: 250.000 euro/suất, do phải dày công nuôi cấy tế bào gốc mô cơ xương bò phát triển trong huyết thanh thai bê. Giá của cái bánh mì kẹp thịt bò thứ hai sẽ giảm xuống chỉ còn 200 ngàn euro.

Phải 10-15 năm nữa, thịt và sản phẩm sữa nuôi cấy từ tế bào gốc mới trở nên phổ biến, giá cả bình dân hơn.

Dự án này được tài trợ bởi một người giàu có giấu tên, với ý đồ nhằm giảm hẳn số gia súc hằng ngày vào lò mổ. Khí thải sinh ra từ việc chăn nuôi sẽ giảm theo, lại khống chế được chất lượng thịt - tăng hàm lượng acide béo omega 3 có lợi cho sức khỏe.

Công nghệ sản xuất thịt đã có từ hàng ngàn năm trước đến nay vẫn không thay đổi - trồng cây nuôi gia súc thịt, thải khí méthane gây hại môi trường gấp 20 lần so với khí CO2.

Phải cách mạng triệt để, nhất là khi sản lượng thịt năm 2050 sẽ tăng gấp đôi hiện nay, phải huy động tới 70% đất canh tác cho riêng chăn nuôi. Nuôi cấy thịt từ tế bào gốc là giải pháp tích cực không thể chậm trễ.

Mất tiêu

Tranh Mademoiselle Grimprel cài đầu ruy băng đỏ của danh họa Auguste Renoir

Ngôn từ xã giao mademoiselle - quý cô, chính thức từ nay không tồn tại trên các giấy tờ hành chính, dân sự ở Pháp. Thay vào đó là “madame - quý bà”, tương đương “monsieur - quý ông”, bình đẳng với đàn ông có gia đình cũng như chưa vợ.

Đó là nghị định do điện Matignon, phủ thủ tướng Pháp, ban hành ngày 21-2-2012. Theo đó, các ngôn từ “tên thời con gái nom de jeune fi lle”, “tên theo chồng nom d’épouse”… cũng bãi bỏ, thay bằng “tên khai sinh”, “tên thường dùng”.

Tháng 9 năm ngoái, các tổ chức đấu tranh đòi bình đẳng giới… dấy lên phong trào mạnh mẽ đòi hủy bỏ sự phân biệt nam nữ, kỳ thị nữ giới.

Hai tháng sau đấy, bà bộ trưởng Bộ Đoàn kết - củng cố xã hội Roselyne Bachelot chính thức yêu cầu Thủ tướng François Fillon chỉ thị công sở các bộ, các cơ quan hành chính địa phương bãi bỏ ngay ngôn từ “cô nương - mademoiselle”.

Trong từ mademoiselle có từ thành phần “oiselle” mà “oiselle” có nghĩa là “cô gái ngốc nghếch”.

Cắt điện

Trung tâm tiêu thụ NRW cho hay 600 ngàn hộ toàn nước Đức có nguy cơ bị cắt điện. Năm ngoái, thực tế 62 nghìn gia đình thực sự bị cắt điện sinh hoạt, vì không trả tiền điện đã sử dụng.

Ba phần tư trong tổng số 52 công ty bán điện cộng tác với NRW thừa nhận là các khách hàng của họ có vấn đề nghiêm trọng về thanh toán tiền điện.

Đứng đầu Trung tâm tiêu thụ NRW là Klaus Muller giải trình rằng trong hai năm 2010-2011, giá điện sinh hoạt tăng 15%, nhiều gia đình không còn đủ khả năng tài chính thanh toán tiền điện.

Tình hình thực sự nghiêm trọng ở bang Westphalia - bắc sông Rhine, nơi có 120 nghìn hộ tồn đọng hóa đơn tiền điện chưa thanh toán.

Trước khi cắt điện, các công ty bán điện phải thực hiện một loạt các biện pháp hợp pháp, như nhiều lần hối thúc thanh toán, nhiều lần cảnh báo cắt điện…

Ngoài ra, luật bảo vệ người tiêu dùng đặt ra nhiều thủ tục nhiêu khê, phức tạp buộc các công ty bán điện phải thực hiện đầy đủ, trước khi ngắt cầu dao điện đối với các gia đình khó khăn về tài chính. Nếu không, số hộ không có điện sinh hoạt sẽ đội lên không biết bao nhiêu mà kể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hết chăn nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO