Greenland và giấc mơ uranium

24/07/2013 04:21

Chuyện biến đổi khí hậu làm Bắc cực ấm lên đang khiến các nhà khoa học đau đầu. Tuy nhiên, đối với một số người, trong đó có các nhà lãnh đạo Greenland, đây lại là chuyện tốt (ít nhất trong lúc này) vì sẽ biến giấc mơ khai thác nguồn tài nguyên dầu khí và khoáng sản phong phú tại hòn đảo bán tự trị thuộc Đan Mạch này thành hiện thực.

Greenland và giấc mơ uranium

Chuyện biến đổi khí hậu làm Bắc cực ấm lên đang khiến các nhà khoa học Đau đầu. Tuy nhiên, đối với một số người, trong đó có các nhà lãnh đạo Greenland, đây lại là chuyện tốt (ít nhất trong lúc này) vì sẽ biến giấc mơ khai thác nguồn tài nguyên dầu khí và khoáng sản phong phú tại hòn đảo bán tự trị thuộc Đan Mạch này thành hiện thực.

Theo một tài liệu vừa được tiết lộ, nhóm nghiên cứu liên bộ của Chính phủ Đan Mạch đã kết luận việc Greenland khai thác và xuất khẩu uranium sẽ có ”những tác động rõ rệt lên chính sách an ninh của Đan Mạch” cũng như vai trò của vương quốc này (gồm Đan Mạch, đảo Greenland và quần đảo Faroe) ”trong hợp tác quốc tế về giải giới quân bị và đảm bảo việc sử dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích dân sự”.

Chuyện Greenland khai thác và xuất khẩu uranium đang gây tranh cãi kịch liệt trong Quốc hội Đan Mạch.Trong khi đó, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao, Søren Espersen, tuyên bố chắc nịch rằng “uranium cũng chỉ là một loại hàng hóa như phó mát và bơ”, nên sẽ chẳng có vấn đề gì lớn lao nếu như Greenland xuất khẩu uranium.

Greenland là thuộc địa của Đan Mạch từ năm 1814, đến tháng 6.2009 thì trở thành bán tự trị nhưng Chính phủ Đan Mạch vẫn phụ trách các vấn đề ngoại giao, quốc phòng và an ninh của hòn đảo này. Hằng năm, 57.000 người dân Greenland vẫn nhận được khoản trợ cấp 3,6 tỉ kroner (hơn 627 triệu USD), chưa kể các chi phí quốc phòng, an ninh trật tự, cứu hộ trên biển, khảo sát địa chất...

Theo Viện Nghiên cứu Địa chất Đan Mạch GEUS, Greenland là 1 trong 20 ”quốc gia mỏ” của thế giới vì có đủ sắt, đồng, chì, kẽm, vàng, bạch kim, kim cương, hồng ngọc cho đến thủy diên (molybdenum), đất hiếm và thuộc 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có nhiều uranium nhất. Chỉ riêng mỏ Kvanefjeld, phía Nam Greenland, đã chứa khoảng 600.000 tấn uranoxid, là mỏ uranium lớn thứ ba trong số những mỏ đã được phát hiện trên thế giới.

Hiện nay, uranium được khai thác từ 50 mỏ trên 20 quốc gia, nhiều nhất là Kazakhstan, Canada và Úc. Nhu cầu tiêu thụ uranium của thế giới đã tăng mạnh kể từ năm 1993, chủ yếu là để tạo năng lượng, thứ đến là chế tạo vũ khí hạt nhân. Năm 2012, thế giới đã sản xuất 69.000 tấn uranium so với chỉ 41.000 tấn của năm 2000.

Năm 1988, Đan Mạch và Greenland đã ký một thỏa thuận cấm khai thác uranium, có hiệu lực 20 năm. Nay thỏa thuận này đã hết hạn. Và sau cuộc bầu cử Quốc hội địa phương tổ chức vào tháng 3.2013, Chính phủ mới của bà Aleqa Hammond tại Greenland đã tuyên bố sẽ khai thác và xuất khẩu uranium.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Greenland, Jens-Erik Kirkegaard, nói rằng khoáng sản của đảo cũng chỉ là ”một loại hàng hóa” và chuyện khai thác, kinh doanh phải do người Greenland tự quyết định. Tuy nhiên, việc xuất khẩu uranium sẽ được kiểm soát cẩn thận hơn các khoáng sản khác, nên sẽ không có vấn đề gì về mặt quân sự lẫn an ninh.

Thủ tướng Đan mạch Helle Thorning-Schmidt cũng khẳng định “chuyện Greenland để họ tự lo”. Điều này cũng dễ hiểu vì từ hơn một thập kỷ qua, không có chính đảng nào của Đan Mạch dành được đa số phiếu trong các kỳ bầu cử Quốc hội nên rất cần sự ủng hộ của các đảng nhỏ và hai đại diện của Greenland và quần đảo Faroe để được quyền lập Chính phủ. Hơn nữa, một khi Greenland có thể tự lo về kinh tế, Chính phủ Đan Mạch sẽ giảm từ từ rồi tiến tới cắt bỏ trợ cấp.

Tuy vậy, không phải ai cũng lạc quan trước viễn cảnh Greenland trở thành một trung tâm sản xuất uranium của thế giới. Bà Gitte Lillelund Bech, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, gọi đây là ”sự chuyển đổi mô hình trong chính sách đối ngoại của Đan Mạch” và cảnh báo nguy cơ nguồn uranium của Greenland sẽ bị sử dụng cho việc sản xuất vũ khí hạt nhân.

Mads Flarup Christensen, Tổng Thư ký tổ chức Greenpeace, thì cho rằng: ”Chúng ta (tức Greenland) không đủ tầm cỡ, kinh nghiệm và sức mạnh để kiểm soát việc ai sẽ chạm vào nguồn nguyên liệu này“.

Một lý do khiến nhiều người lo ngại là vai trò ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc tại Greenland. Với sự hỗ trợ của ngân hàng lớn nhất nước - China Development Bank, các tập đoàn Trung Quốc đã liên doanh, liên kết hoặc mua lại cổ phần của những tập đoàn Canada, Anh, Úc đã được cấp phép khai thác khoáng sản tại Greenland, trong đó có đất hiếm và uranium.

Đó là chưa nói đến việc các nhà thầu Trung quốc đã giành được những hợp đồng xây dựng sân bay, cảng biển, đường xe lửa… tại phía Nam Greenland. Hồi giữa tháng 5.2013, Trung Quốc đã được kết nạp làm quan sát viên thường trực tại Hội đồng Bắc cực. Có thể nói, việc nước này trở thành một thế lực lớn tại Greenland và Bắc cực chỉ là vấn đề thời gian.

Đối với đa số người Greenland, chuyện khai thác uranium trên đảo đồng nghĩa với việc có thêm công ăn việc làm và một tương lai tươi sáng hơn. Tuy nhiên, sự phát triển nào cũng có giá của nó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Greenland và giấc mơ uranium
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO