Giới doanh nhân lên tiếng

Nguồn SGTT| 11/12/2009 04:06

Hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu - COP15: một diễn giả phát biểu: "...hành tinh này đã không còn cuộc sống cho con người mà thuộc về các tập đoàn kinh tế..."

Giới doanh nhân lên tiếng

Trong một chừng mực nào đó, tôi e rằng hành tinh này đã không còn dành cho cuộc sống thực sự của con người, mà thuộc về các thế lực kinh tế, các tập đoàn đa quốc gia và những người luôn luôn tìm kiếm cơ hội để tăng lợi nhuận kinh doanh bất chấp những giá trị nhân bản khác. Họ có đầy đủ quyền lực để “sử dụng” thế giới theo ý mình”.

Những người hoạt động bảo vệ môi trường tụ tập bên ngoài hội nghị COP 15, kêu gọi ủng hộ đề xuất của đảo quốc Tuvalu và bảo vệ ngay hòn đảo này vì đang bị xoá sổ bởi mực nước biển dâng cao. Ảnh: Reuters


Đó là phát biểu của một diễn giả thuộc tổ chức liên tôn giáo trong một cuộc họp tại hội nghị Biến đổi khí hậu toàn cầu (COP 15)(*). Câu nói này cho thấy, xưa nay, giới kinh doanh là “thế lực đối kháng” của môi trường.

Mời các bạn theo dõi bản video ngày làm việc thứ 2 tại hội nghị COP 15 (Nguồn HTV7)

Tuy nhiên, hiện nay doanh nhân không thể “sử dụng thế giới” theo ý mình vì nhận ra áp lực xanh của người tiêu dùng cũng là cơ hội hái ra tiền. Do đó họ có mặt tại COP 15. Trong số doanh nhân hiện diện ở đó, có doanh nhân đến từ Trung Quốc và Brazil, những quốc gia đang tăng trưởng với tốc độ cao cả thành tựu kinh tế lẫn những hệ quả cho môi trường.

Ngoài quan chức chính phủ, đoàn đại biểu Trung Quốc đến Copenhagen còn có 10 doanh nhân hàng đầu của nước này. Họ đến bằng chi phí tự túc, tổ chức một số chương trình gặp gỡ, chia sẻ và ra thông cáo chung khẳng định nỗ lực và cam kết hành động của doanh nhân Trung Quốc trong nỗ lực chung của toàn nhân loại chống lại vấn nạn biến đổi khí hậu.

Bên lề COP 15, bà Marjorie Yang, chủ tịch của tập đoàn Esquel, một thành viên của đoàn đại biểu doanh nhân Trung Quốc, phát biểu: “Chúng tôi thuộc nhiều ngành nghề và thành phần khác nhau, nhưng có cùng mối quan ngại cho các vấn đề nghiêm trọng của môi trường. Với sự hiện diện của mình, chúng tôi muốn thu hút sự lưu ý của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và cộng đồng xã hội tại Trung Quốc nói chung đối với chủ đề này. Chúng tôi có thế lực và vai trò để những việc làm của mình có tầm ảnh hưởng”.

Một đại biểu khác, ông Wang Shi, chủ tịch công ty China Vanke, đồng thời là nhà thám hiểm nổi tiếng của Trung Quốc, đọc tuyên thệ chung của 200 doanh nghiệp đã tham gia câu lạc bộ: “Chúng tôi cam kết xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với mục tiêu môi trường như định hướng dài hạn chung cho các doanh nghiệp, nỗ lực giảm thiểu khí thải trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, tích cực tham gia các chương trình vận động giảm khí thải trong nước và quốc tế...”

Các doanh nhân này cũng khẳng định hưởng ứng đối với vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu không chỉ là trách nhiệm, mà còn là cơ hội kinh doanh. Ông Feng Lun, chủ tịch tập đoàn bất động sản Vantone, giới thiệu tại Copenhagen một dự án rất lớn về một đô thị xanh, trong đó, ứng dụng các sáng chế về công nghệ và thiết kế để tạo nên một môi trường sống trong lành, không chỉ bảo tồn thiên nhiên mà còn tái tạo thiên nhiên.

Bên cạnh Trung Quốc, giới doanh nhân Brazil cũng đã và đang “tiếp thị” mình khá ngoạn mục tại COP 15 với những sự kiện giới thiệu các phát minh dành cho yêu cầu thích nghi và giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu. Tham vọng của họ thể hiện rất rõ trong lời giới thiệu: “Hãy đến và xem các doanh nghiệp Brazil dẫn dắt thế giới như thế nào trong nền kinh tế giảm thiểu khí carbon!”

Trong lịch sự kiện tại COP 15, còn có khá nhiều chương trình của doanh nghiệp và doanh nhân các nước hưởng ứng sự nghiệp “cứu lấy hành tinh”. Các nhà quan sát cho biết ngoài doanh nhân của các quốc gia phát triển, rất cần sự nhận thức và vào cuộc nhanh chóng, mạnh mẽ của doanh nhân các nước đang phát triển. “Dung hoà giữa lợi ích kinh tế và quyền sống của con người, của hành tinh chắc chắn là yêu cầu dành cho mọi nhà kinh doanh trong thời gian tới”, diễn giả thuộc tổ chức liên tôn giáo trong cuộc họp trên kết luận.

Lần đầu tiên xuất hiện rạn nứt giữa các nước đang phát triển

Ngày 9/12, tại COP 15, quốc đảo Tuvalu đề nghị sửa đổi Nghị định thư Kyoto đồng thời hối thúc những nước đang phát triển có dân số đông và kinh tế phát triển nhanh, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, đưa ra những cam kết mang tính ràng buộc về pháp lý để cắt giảm khí CO2, khi Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực.

Liên minh các quốc đảo nhỏ (AOSIS) và các nước kém phát triển nhất ủng hộ đề xuất của Tuvalu. Tuy nhiên, đề xuất của Tuvalu ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối của các nước đang phát triển.

Đề xuất của Tuvalu đã tạo ra hố ngăn cách đầu tiên trong nhóm G-77 và Trung Quốc gồm các quốc gia đang phát triển. Xưa nay, nhóm G-77 và Trung Quốc vẫn duy trì quan điểm chỉ những nước giàu phải chịu những ràng buộc pháp lý về cắt giảm khí thải theo tinh thần Nghị định thư Kyoto.

(*) COP 15 diễn ra tại Copenhagen (Đan Mạch) từ 7 – 18/12/2009 với sự tham dự của 15.000 đại biểu đến từ 193 quốc gia. Đây được xem là hội nghị thượng đỉnh lịch sử với những vấn đề quan trọng sẽ được thảo luận và quyết định nhằm khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu đang đe doạ sự sống của toàn hành tinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giới doanh nhân lên tiếng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO