Giới đầu tư lo ngại triển vọng đồng USD

LÊ PHAN| 01/08/2017 01:41

Trong khi chính sách của FED chưa hỗ trợ gì nhiều cho đồng USD thì những kết quả điều hành của chính quyền Trump thời gian qua khiến giới đầu tư càng thêm lo ngại về triển vọng và vị thế của Mỹ trong giai đoạn tới.

Giới đầu tư lo ngại triển vọng đồng USD

Trong khi chính sách của FED chưa hỗ trợ gì nhiều cho đồng USD thì những kết quả điều hành của chính quyền Trump thời gian qua khiến giới đầu tư càng thêm lo ngại về triển vọng và vị thế của Mỹ trong giai đoạn tới. Do đó, đồng USD có lẽ sẽ khó có thể sớm tăng trưởng trở lại. 

Đọc E-paper

Đồng USD tiếp tục đà đi xuống. Cụ thể chỉ số USD Index đã rớt vào vùng 93, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2016 đến nay. So với đầu năm nay, chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh đã giảm gần 9% và xóa nhòa sự tăng trưởng ấn tượng sau thời điểm Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ.

Trong cuộc họp kết thúc hôm 27/7, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản USD ở mức 1 - 1,25%, đúng như dự báo của thị trường. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết sẽ sớm bắt đầu tháo gỡ các chương trình kích thích khổng lồ mà FED đã thực hiện trong giai đoạn trước đây để hỗ trợ nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng.

Thu hẹp việc bơm tiền

Bảng cân đối kế toán của FED hiện đã mở rộng đến 4.500 tỷ USD, chủ yếu là các trái phiếu được mua vào thông qua các chương trình nới lỏng định lượng trước đây. Cụ thể, bắt đầu từ cuối năm 2008, FED đã tung ra ba gói nới lỏng tiền tệ QE1, QE2 và QE3 nhằm khôi phục nền kinh tế, khi mà cơ quan này đã cắt giảm mức lãi suất về gần 0% và không thể tiếp tục giảm thêm nữa.

Theo đó, các trái phiếu chính phủ và các chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS) từ các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính được FED mua vào, tức một lượng tiền mới được bơm vào nền kinh tế, giúp lãi suất dài hạn giảm xuống để kích thích cho vay, đầu tư và tiêu dùng nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế.

Thống kê cho thấy ở gói QE1 FED đã mua vào 1.650 tỷ USD các loại trái phiếu và MBS, qói QE2 FED bơm thêm 600 tỷ USD và ở gói QE3 FED duy trì mua số lượng MBS trị giá 85 tỷ USD/tháng và sau đó giảm xuống còn 40 tỷ USD/ tháng. Cuối cùng việc mua tài sản theo gói QE3 đã kết thúc vào tháng 10/2014. Như vậy, sau gần 3 năm thì FED đã quyết định sẽ thu hẹp dần bảng cân đối kế toán của mình bằng cách thoái vốn theo một mức giới hạn trong tháng.

Cụ thể, chương trình sẽ bắt đầu ở mức thoái vốn là 10 tỷ USD/tháng, bao gồm 6 tỷ USD tiền gốc trái phiếu và 4 tỷ USD tiền gốc MBS đáo hạn thu về nhưng không tái đầu tư và sau mỗi 3 tháng sẽ tăng thêm 10 tỷ USD cho đến khi đạt mức 50 tỷ USD, bao gồm 30 tỷ USD tiền gốc trái phiếu và 20 tỷ USD tiền gốc MBS. Các quan chức FED ước tính một khi chương trình này được thực hiện theo lộ trình của họ, số dư trên bảng cân đối sẽ đạt trạng thái bình thường từ 2.000 - 2.500 tỷ USD.

>>FED tăng lãi suất: Ai mừng, ai lo?

Không hỗ trợ nhiều cho đồng USD

Với chính sách thu hẹp quy mô tài sản bằng cách ngừng tái đầu tư như thế, về cơ bản sẽ giảm lượng cung tiền vào nền kinh tế và lẽ ra có thể hỗ trợ cho đồng USD. Tuy nhiên diễn biến cho thấy ngược lại khi đồng bạc xanh tiếp tục rớt giá so với các đồng tiền khác. Ngược lại, giá vàng thế giới đang tiếp tục leo cao trong những ngày qua. Hiện tại giá vàng đang giao dịch quanh 1.270 USD/oz, phục hồi 5,4% kể từ sau khi giảm về mức thấp ở 1.205 USD/oz trong thời điểm đầu tháng 7, trong khi giá dầu cũng đang tiến dần về mốc 50 USD/ thùng.

Các chính sách cam kết của Tổng thống Trump chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng của giới quan sát, trong khi các chính sách ngoại giao gây nhiều tranh cãi gần đây của chính quyền Trump đang gây nên những nghi ngờ về tính hiệu quả của các chính sách tiếp theo. Cam kết lôi kéo các doanh nghiệp quay trở lại Mỹ của ông Trump cũng chưa đạt được kết quả như đã đề ra. Do đó, đồng USD không có nhiều động lực tăng giá trong thời gian qua và những tài sản được định giá theo đồng USD như vàng và dầu được lợi trong bối cảnh đồng USD yếu đi.

Trong diễn biến mới nhất, thượng viện Mỹ hôm 27/7 đã thông qua dự luật áp dụng các biện pháp trừng phạt mới với Nga, khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump rơi vào thế khó khi ông đang cố gắng cải thiện mối quan hệ với Nga. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Trump vẫn đang bị truy vấn trong các cuộc điều tra nghi án Moscow can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.

Trong tình hình quan hệ giữa Mỹ và Nga tiếp tục căng thẳng, trong khi với Trung Quốc không có nhiều cải thiện trước những vấn đề như Triều Tiên hay Biển Đông chưa được giải quyết, thì chính sách ngoại giao của Mỹ sẽ còn gặp nhiều thách thức trong thời gian tới.

Trong khi đó, phe Cộng hòa tại Thượng viện tiếp tục thất bại trong việc thông qua dự luật xóa bỏ một phần Đạo luật Chăm sóc sức khỏe Obamacare. Đáng chú ý, một kết quả khảo sát gần đây của Reuters/Ipsos, thực hiện trên 1.136 người trong hai ngày 28 và 29/7, cho thấy 64% số người tham gia muốn giữ lại Obamacare "nguyên vẹn" hoặc sau khi sửa "những phần có vấn đề”. Chỉ 29% cho biết phe Cộng hòa "tiếp tục đưa ra một dư luật chăm sóc sức khỏe mới".

>>FED tăng lãi suất, thị trường ngoại tệ phản ứng ra sao?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giới đầu tư lo ngại triển vọng đồng USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO