EU gần đạt được thỏa thuận với Hy Lạp

23/02/2015 09:15

Bất chấp những khác biệt về quan điểm giữa Đức - quốc gia trụ cột của EU và Hy Lạp về các điều kiện kéo dài thời hạn cứu trợ tài chính, cuối cùng các bên cũng đi đến một thỏa thuận trước khi gói cứu trợ hết hạn vào cuối tháng này.

EU gần đạt được thỏa thuận với Hy Lạp

Bất chấp những khác biệt về quan điểm giữa Đức - quốc gia trụ cột của EU và Hy Lạp về các điều kiện kéo dài thời hạn cứu trợ tài chính, cuối cùng các bên cũng đi đến một thỏa thuận trước khi gói cứu trợ hết hạn vào cuối tháng này.

Cuộc họp khẩn lần thứ ba liên tiếp tại thủ đô Brussels (Bỉ) của 19 bộ trưởng tài chính các nước Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) cuối tuần qua đã đi đến quyết định quan trọng: Đồng ý gia hạn thêm 4 tháng đối với khoản cứu trợ tài chính dành cho Hy Lạp.

Trái với những tuyên bố cũng như thái độ cứng rắn của tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đối với các chủ nợ khi mới lên nắm quyền rằng, nước này sẽ loại bỏ chương trình cứu trợ, giảm bớt chính sách khắc khổ và chấm dứt hợp tác với bộ ba chủ nợ quốc tế gồm Ủy ban Châu Âu (EC), Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Cuộc họp khẩn cấp lần thứ ba vừa qua đã cho thấy sự thỏa hiệp đáng kể của Chính phủ Hy Lạp để có thể đạt được thỏa thuận vào những phút cuối. Thế nhưng, sự nhượng bộ của Athens không dễ dàng nhận được sự chấp thuận của các bộ trưởng tài chính Eurozone.

Thay vì 6 tháng như đề nghị trước đó của Hy Lạp, các lãnh đạo tài chính khu vực chỉ gia hạn các khoản vay cho "xứ sở các vị thần" thêm 4 tháng nữa. Kèm theo đó, để nhận được trợ giúp, trong ngày hôm nay (23-2) chính phủ của tân Thủ tướng Alexis Tsipras còn phải đưa ra các cam kết cơ bản về cải cách.

Nước Đức - đầu tàu kinh tế của Liên minh Châu Âu (EU) và cũng là chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp đã yêu cầu phải có "những cải thiện đáng kể" trong chính sách của Athens. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh hiện nay cải cách là sự lựa chọn duy nhất của Hy Lạp nếu không muốn rơi vào cảnh vỡ nợ.

Theo đó một loạt trọng tâm ưu tiên được chính phủ của tân Thủ tướng A.Tsipras hướng đến là giải quyết nạn trốn thuế, tham nhũng, tái cấu trúc hành chính công và giải quyết được vấn đề khủng hoảng nhân đạo…

Bộ trưởng Tài chính Ireland, Michael Noonan lưu ý rằng, kể cả khi bộ ba chủ nợ hài lòng, thỏa thuận vừa đạt được còn phải được Quốc hội các nước Eurozone thông qua.

Sau đó, các chủ nợ sẽ quyết định có thúc đẩy thỏa thuận này hay không sau khi xem xét những cam kết cải cách của Hy Lạp vào ngày 24-2. Điều này đang tạo ra sức ép lớn với Chính phủ Hy Lạp trong việc đưa những giải pháp thuyết phục nhất.

Việc đạt được thỏa thuận trên diễn ra vào thời điểm quan trọng khi Athens không nhận được hỗ trợ cho vay trực tiếp. Giới phân tích nhận định, nếu Hy Lạp và các chủ nợ Châu Âu không đạt được một sự đồng thuận trước khi chương trình cho vay cứu trợ hết hạn vào ngày 28-2 tới, ECB sẽ phải đối mặt với sức ép gia tăng từ chính phủ các nước trong Eurozone - yêu cầu tổ chức này phải cắt các khoản tài chính cung cấp cho các ngân hàng của Hy Lạp.

Điều này sẽ gây khó khăn nghiêm trọng cho hệ thống tài chính của xứ sở Thần thoại, có thể khiến chính phủ nước này buộc phải phát hành đồng tiền riêng và phải rời khỏi Eurozone. Hiện Hy Lạp cần ít nhất 11,9 tỷ euro (13,5 tỷ USD) để trả nợ IMF và ECB.

Cho rằng thỏa thuận gia hạn cứu trợ tài chính sẽ giúp nước này chấm dứt các biện pháp khắc khổ, trong bài phát biểu mới nhất tân Thủ tướng A. Tsipras thừa nhận Hy Lạp đã phải trả giá bằng "những nhân nhượng".

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo theo đường lối dân tộc này tin tưởng vào việc đề nghị mới của Hy Lạp sẽ được chấp thuận, đồng thời nhấn mạnh rằng chính phủ sẽ làm tất cả những gì có thể để đạt được một giải pháp có lợi cho cả hai bên, dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ các quy định của EU cũng như xem xét nguyện vọng của cử tri.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
EU gần đạt được thỏa thuận với Hy Lạp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO