Đó là con số tương đương nửa lượng hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, mức thuế 10% này sẽ chính thức có hiệu lực sau khoảng thời gian lấy ý kiến công chúng kết thúc vào ngày 30/8/2018. Trong tuyên bố gửi qua email, ông Robert Lighthizer tuyên bố: “Trong hơn 1 năm qua, chính quyền Tổng thống Trump đã kiên nhẫn hối thúc Trung Quốc ngừng các hành vi thương mại thiếu công bằng, mở cửa thị trường và thực sự tham gia vào sự cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên Trung Quốc đã không thay đổi hành vi của mình, những hành vi đó đặt kinh tế Mỹ vào rủi ro, thay cho việc giải quyết những lo lắng từ phía Mỹ, Trung Quốc lại bắt đầu trả đũa đối với sản phẩm của Mỹ. Sẽ không thể có lời biện minh nào cho hành động như vậy”.
Nhóm bị áp thuế bao gồm nhiều mặt hàng tiêu dùng như quần áo, linh kiện tivi, tủ lạnh và nhiều sản phẩm công nghệ, tuy nhiên điện thoại di động không được tính vào danh sách này. Hiện, giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng này từ Trung Quốc vào Mỹ lên đến 70,4 tỷ USD. Các công ty Mỹ nhận được nhiều ích lợi từ sản phẩm của Apple. Đó là lý do giới chức Mỹ không đưa mặt hàng điện thoại di động vào danh sách bị áp thuế 10%.
Trước đó, vào ngày 6/7, Mỹ đã tuyên bố áp thuế 25% lên 800 mặt hàng có tổng kim ngạch 34 tỷ USD từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ mỗi năm. Phần 16 tỷ USD còn lại trong kế hoạch đánh thuế 50 tỷ USD hàng hóa này sẽ được triển khai sau 2 tuần.
Ngay sau đó, Bắc Kinh tuyên bố áp thuế tương tự lên 545 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm nông sản, xe cộ và hải sản. Tổng giá trị nhập khẩu các mặt hàng này từ Mỹ vào Trung Quốc hàng năm khoảng 34 tỷ USD.
Phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh đã không "nổ phát súng đầu tiên", nhưng buộc phải đáp trả vì Mỹ "đã châm ngòi cuộc chiến tranh thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế". Bộ Thương mại Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ báo cáo lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cáo buộc Mỹ vi phạm luật thương mại quốc tế.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, Bắc Kinh vừa công bố các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của chiến tranh thương mại tới kinh tế trong nước, bao gồm: liên tục đánh giá tác động tới các ngành nghề khác nhau trong nước; sử dụng các khoản thu được từ thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu của Mỹ; khuyến khích các công ty tăng cường nhập khẩu các mặt hàng, như đậu nành và xe cộ từ những thị trường khác; và đẩy mạnh việc sử dụng hiệu quả đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng xem xét khả năng thay thế của các mặt hàng nhập khẩu, cũng như tác động tổng thể đến thương mại và đầu tư, khi lên danh sách các sản phẩm của Mỹ chịu các mức thuế tiếp theo.
Các cuộc đối thoại giữa chính phủ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu vào tháng 5/2018 nhưng không có bất kỳ bước đột phá nào nhằm ngăn rủi ro chiến tranh thương mại. Hiện cũng không có dấu hiệu cho thấy hai bên sẽ tiếp tục đàm phán. Cuộc đối đầu giữa hai cường quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục sa lầy hơn vào đối đầu thương mại, sẽ không chỉ gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế của cả hai nước mà còn ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.