Châu Âu nín thở chờ kết quả bỏ phiếu Brexit

GIANG LANG| 21/06/2016 02:24

Cơn ác mộng về việc nước Anh quyết định rời Liên minh châu Âu (EU) đang hiển hiện khi mà tỷ lệ người ủng hộ cho việc "ra đi" đã tăng lên đáng kể.

Châu Âu nín thở chờ kết quả bỏ phiếu Brexit

Cơn ác mộng về việc nước Anh quyết định rời Liên minh châu Âu (EU) đang hiển hiện khi mà tỷ lệ người ủng hộ cho việc "ra đi" đã tăng lên đáng kể.

Đọc E-paper

Ngày 23/6 tới là thời điểm người dân Vương quốc Anh bỏ phiếu về việc đi hay ở đối với EU (Britain Exit, tức "Brexit" theo cách chơi chữ của truyền thông). Cuộc giằng co này đã kéo dài nhiều năm và sắp bước vào hồi quyết định.

Tại sao nhiều người Anh đòi rời EU?

Không phải người Anh nào cũng quan tâm tới mối quan hệ giữa họ và EU, truyền thông nước này - một nền truyền thông cực mạnh - cũng vì thế đã vô tình làm "rối loạn" ý nghĩa cuộc bỏ phiếu với vô số bài viết khác nhau, trong đó không ít bài là ý kiến chủ quan của cá nhân và những con số mơ hồ.

Thành viên nổi bật nhất của phe ủng hộ Brexit là cựu thị trưởng London - ông Boris Johnson, người đang nuôi hy vọng tranh cử chức thủ tướng Anh. Phe ủng hộ Brexit đã xoáy vào những vấn đề chính mà tư cách thành viên EU mang lại cho nước Anh: kinh tế, các khoản đóng góp và vấn đề người tỵ nạn, người nhập cư.

Tại EU, nước Anh không hoàn toàn là "anh cả”, nhưng họ là một trong ba trụ cột của khối này. Đi liền vị thế ấy là một khoản tiền khổng lồ đóng vào quỹ EU hằng năm, như trong năm 2015, nước Anh phải trả 17,8 tỷ bảng "phí thành viên", chỉ đứng sau nước Đức. Một con tính rất đơn giản của phe Brexit đưa ra cho thấy nếu chia ra 52 tuần, thì cứ mỗi tuần nước Anh phải nộp cho EU gần 350 triệu bảng. Lẽ tất nhiên con số thực tế thấp hơn, vì EU vẫn có những khoản tài trợ, chia lại cho từng thành viên.

Thứ hai, đã là trụ cột, nước Anh cũng phải gánh trách nhiệm người nhập cư đông đảo nhất châu Âu. Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho biết, tính đến hết năm 2015, Vương quốc Anh đón nhận 330.000 người nhập cư, trong đó 50% là người ngoài EU. Cách phân bổ trách nhiệm đón nhận người nhập cư này của EU từng bị phía Anh chỉ trích là thiếu công bằng, và phe ủng hộ Brexit nói đó chính là gánh nặng cho cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội và kinh tế trong nước.

Trong một phát biểu trên tờ Sunday Telegraph hồi tháng 5 vừa qua, Boris Johnson tố cáo EU "hành xử như Hitler" vì cố tạo ra một "siêu nhà nước châu Âu", trong đó nước Đức nắm giữ quá nhiều quyền lực. Ông Johnson cũng tố EU thâu tóm nền kinh tế Ý và hủy hoại Hy Lạp.

Đôi bên đều tổn thương

Với vai trò và trách nhiệm quan trọng của Vương quốc Anh, lẽ dĩ nhiên EU và 27 nước thành viên còn lại không muốn thấy Brexit diễn ra. Họ được cho là đang thực hiện những nỗ lực cuối cùng trước ngày 23/6, và sẽ nhóm họp năm ngày sau đó bất kể kết quả trưng cầu dân ý ở Anh ra sao. Họ hy vọng rằng Anh sẽ quyết định ở lại như năm 1975, tức hai năm sau khi Anh gia nhập EU.

Nếu rời EU, Anh dĩ nhiên sẽ không còn hưởng các chính sách ưu đãi xuất nhập khẩu, lượng tiền xây dựng cơ sở hạ tầng và nhiều vấn đề khác. Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne hôm 15/6 cảnh báo rằng ông sẽ tăng thuế (15 tỷ bảng) và giảm (15 tỷ bảng) các khoản chi chính phủ cho y tế, giáo dục và quốc phòng để bù đắp cho khoảng trống 30 tỷ bảng Anh một khi nước này rời EU.

Các nguy cơ về thuế cao, thâm hụt ngân sách và vấn đề việc làm đã được dự báo. Lấy ví dụ Hãng Rolls-Royce - thương hiệu siêu xe của Anh chắc chắn phải ủng hộ Anh ở lại EU. Rolls-Royce là một trong những doanh nghiệp nhận được sự tài trợ để phát triển công nghệ từ EU, đã ban hành cảnh báo trực tiếp tới nhân viên về việc cắt giảm việc làm và một vị trí không chắc chắn của Hãng ở châu Âu.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cũng cảnh báo nước Anh phải đối mặt với từ 7 - 10 năm "đóng băng" nếu họ quyết tách khỏi EU. Theo quy định của EU, mỗi nước thành viên muốn rời khối đều cần sự đồng thuận của cả 27 thành viên còn lại, kéo dài các cuộc thương lượng ít nhất hai năm xung quanh rất nhiều vấn đề chung về hợp tác và thỏa thuận tự do đã đồng thuận trước đó khi gia nhập. Quá trình này có thể kéo dài thêm năm năm hoặc hơn nữa, trước khi một nước tách hẳn khỏi khối.

Đây sẽ là thời điểm cân não cho EU, vì khối này đã từng làm hết cách để cứu Hy Lạp khỏi vỡ nợ chỉ vì không muốn Hy Lạp rời đi. Việc một thành viên ra khỏi EU, đặc biệt nếu là nước Anh, sẽ dẫn tới nguy cơ tan rã khối.

Theo khảo sát từ các nguồn do Bloomberg hay tờ Evening Standard  dẫn hôm 16/6, lần đầu tiên tỷ lệ người ủng hộ Brexit đã vượt mốc 51%  so với 49% người muốn ở lại. Dẫu chênh lệch không nhiều, nhưng đó là dấu hiệu cho thấy cơn ác mộng có thể đang đến rất gần.

>Anh sẽ mất nửa triệu việc làm nếu rời EU

>Vì sao Trung Quốc muốn Anh ở lại EU?

> Tỷ phú Richard Branson mở chiến dịch ủng hộ Anh ở lại EU

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Châu Âu nín thở chờ kết quả bỏ phiếu Brexit
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO