Châu Á: Chớp cơ hội đầu tư vào Silicon

22/01/2010 09:37

Các sản phẩm mới tại hội chợ triển lãm Hàng điện tử tiêu dùng (CES) đầu năm 2010 ở Las Vegas (Mỹ) là kết quả của làn sóng đầu tư ngược, từ châu Á qua Mỹ, đặc biệt là thung lũng Silicon.

Châu Á: Chớp cơ hội đầu tư vào Silicon

Tại hội chợ triển lãm Hàng điện tử tiêu dùng (CES) đầu năm 2010 ở Las Vegas (Mỹ), khách tham quan được chiêm ngưỡng dòng máy tính xách tay khởi động trong nháy mắt cũng như dòng tivi không cần bộ điều khiển từ xa nhờ tivi có “mắt thấy” cử chỉ người xem. Những sản phẩm đó là kết quả của làn sóng đầu tư ngược, từ châu Á qua Mỹ, đặc biệt là thung lũng Silicon.

Ông Robert Norden, chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành Recom Group, đeo bảng tên video khi tham dự hội chợ triển lãm Hàng điện tử tiêu dùng quốc tế 2010 ở Las Vegas (Mỹ). Tại hội chợ này, có nhiều sản phẩm công nghệ là kết quả của dòng đầu tư ngược từ châu Á qua Mỹ. Ảnh: Reuters

Lâu nay, các nhà sản xuất máy tính nổi tiếng thế giới như Hewlett-Packard hay Apple đều duy trì phòng nghiên cứu, thiết kế tại quê nhà cùng đội ngũ chuyên viên hùng hậu luôn tìm tòi, cho ra đời các sản phẩm mới nhất. Sau đó, họ ký hợp đồng gia công ở Trung Quốc hay Đài Loan để hạ thấp giá thành sản xuất tối đa. Song gần đây, quy trình này bị ngưng lại, một phần do tác động của khủng hoảng tài chính.

Đó là cơ hội để một số nhà sản xuất tại Đài Loan hay Trung Quốc hình thành danh mục đầu tư ở thung lũng Silicon, bơm tiền vào hàng loạt công ty sản xuất vi mạch, phần mềm và dịch vụ để tiến tới thu tóm công nghệ mới. Thậm chí, họ sẵn sàng đầu tư rủi ro cho các dự án công nghệ.

Ông K. Bobby Chao, nhà quản lý quỹ DFJ Dragon Fund China, chuyên đầu tư công nghệ ở Trung Quốc và Mỹ cho hay trước kia, giới làm ăn còn thận trọng thăm dò, chỉ đầu tư vào những gì sinh lợi chắc chắn nhưng bây giờ, họ ra mặt nhiều hơn, nhúng tay vào mọi công đoạn và không hề ngại những vụ làm ăn phức tạp. Chính ông Patrick Moorhead, phó chủ tịch hãng vi mạch Advance Micro Devices cũng thừa nhận cuộc cạnh tranh giành quyền đầu tư công nghệ ngày càng gay gắt.

Quanta, một hãng Đài Loan chuyên gia công máy tính xách tay và máy tính để bàn cho các thương hiệu lớn như A.M.D, Acer hay Dell cũng không bỏ lỡ cơ hội. Muốn giữ chân khách hàng, cạnh tranh với đối thủ thì phải có thiết kế và công nghệ độc đáo. Tháng 10 năm ngoái, Quanta đã đầu tư 10 triệu USD vào Tilera, một công ty vi mạch mới toanh ở San Jose, California. Với số vốn hậu hĩnh rót vào này, Tilera mạnh miệng tuyên bố họ đủ khả năng cạnh tranh với các ông lớn sừng sỏ như Intel và A.M.D.

Ngoài ra, Quanta còn tham gia một nhóm đầu tư khác bỏ 16 triệu USD vào Canesta, một doanh nghiệp sản xuất vi mạch khác ở thung lũng Silicon. Một khi được kết hợp với camera kỹ thuật số, các sản phẩm của Canesta sẽ cho phép máy tính, tivi cũng như các thiết bị khác chiếu hình ảnh trong không gian ba chiều. Nghĩa là người ta có thể di chuyển ảnh, văn bản quanh màn hình máy tính hay chuyển kênh tivi chỉ bằng một cái vẫy tay.

Ông Elton Yang, phó chủ tịch Quanta khẳng định công nghệ mới sẽ được đưa vào laptop năm 2010. Trong vòng mười năm qua, Canesta có hơn 100 thương vụ liên doanh ở thung lũng Silicon. Ông James Spare, giám đốc điều hành Canesta, ca ngợi các công ty như Quanta có thiện chí hậu thuẫn các doanh nghiệp nhỏ mới ra đời dù phải mất nhiều thời gian họ mới biến ý tưởng thành hiện thực được.

Foxconn, một ông lớn ngành hàng điện tử cũng nhảy vào đầu tư công nghệ. Họ hậu thuẫn Innovation Works, một doanh nghiệp non trẻ do cựu chủ tịch của Google tại Trung Quốc, Kai-fu Lee, điều hành. Nhận số tiền 115 triệu USD, Innovation Works cam kết sẽ “xây dựng một đội ngũ tuyệt vời như mơ, chuyên thu thập, phân tích, dành ưu tiên và thực thi các ý tưởng hứa hẹn nhất” trong lĩnh vực internet và thị trường máy tính.

Các nhà sản xuất Đài Loan đầy tham vọng đang đàm phán với những tên tuổi lớn như Intel và A.M.D để góp phần định hình công nghệ ổ đĩa cứng và vi mạch trong tương lai. Acer và Asustek là những nhãn hiệu máy tính lớn của Đài Loan nhưng từng gia công hàng cho Mỹ. Một số người nắm giữ cương vị lãnh đạo hai hãng giờ cũng tham gia đầu tư.

Chẳng hạn, công ty DeviceVM ở thung lũng Silicon vừa phát triển phần mềm cho phép máy tính khởi động trong năm giây. Thông qua kênh đầu tư có tên iD Innovation, cả Asustek và Acer đều đổ tiền vào DeviceVM và hiện nay, phần mềm này đã có mặt trên các máy tính của nhiều hãng kể cả HP.

Các công ty châu Á thường hỗ trợ các dự án mà các tay trùm tài chính ở thung lũng Silicon chê bai vì phải đợi một thời gian dài mới thấy hiệu quả. Đối với các doanh nghiệp, đặc biệt các công ty nhỏ mới ra đời ở thung lũng Silicon, dòng tiền từ châu Á đổ vào trong lúc này chẳng khác gì “buồn ngủ gặp chiếu manh”.

Thập niên 1980, lúc kinh tế Mỹ gặp khủng hoảng là cơ hội để các công ty xe hơi của Nhật Bản thâm nhập thị trường. Cơ hội đầu tư vào Silicon đang mở ra với các nhà đầu tư Đài Loan và Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Châu Á: Chớp cơ hội đầu tư vào Silicon
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO