Cách tiếp cận mới của Mỹ với ASEAN

Nguồn SGTT| 23/08/2009 08:45

Trong cuộc gặp với TT Nguyễn Tấn Dũng,TNS Mỹ Jim Webb đánh giá cao thiện chí hợp tác của VN trong vai trò cầu nối giữa các nước thành viên ASEAN với Mỹ

Cách tiếp cận mới của Mỹ với ASEAN

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb đánh giá cao thiện chí hợp tác của Việt Nam trong vai trò cầu nối giữa các nước thành viên ASEAN với Mỹ, khi Việt Nam đảm nhận cương vị chủ tịch ASEAN vào năm 2010.

Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb đánh giá cao thiện chí hợp tác của Việt Nam trong vai trò cầu nối giữa các nước thành viên ASEAN với Mỹ

Trong chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du hai tuần đến năm nước Đông Nam Á, vị chủ tịch tiểu ban Đông Á, thuộc uỷ ban Đối ngoại thượng viện Mỹ, đã phát biểu với báo giới tại Hà Nội rằng mục đích chính của chuyến đi lần này là khẳng định với lãnh đạo và nhân dân Đông Nam Á, cũng như muốn họ hiểu, về tầm quan trọng của khu vực này đối với nước Mỹ.

Ông nói rằng kết quả chuyến đi này cũng giúp nhân dân Mỹ hiểu rõ hơn điều này, bởi, như ông thú nhận, ở Mỹ người dân biết về Trung Quốc nhiều hơn. Thượng nghị sĩ Webb cũng không quên nhắc tới hai chuyến thăm Đông Nam Á của bà Hillary Clinton kể từ khi bà nhậm chức ngoại trưởng từ đầu năm nay, như một sự khẳng định cho lập trường này của Mỹ.

Mỹ đang ở trong quá trình hình thành lại chính sách đối ngoại kể từ khi chính quyền mới nhậm chức đầu năm nay, đặc biệt trong bối cảnh có sự nổi lên mạnh mẽ về ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, nhất là ở biển Đông, nơi đang có sự tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á.

“Ở góc độ này, chúng ta có nghĩa vụ phải làm việc đó nếu muốn duy trì cân bằng địa chiến lược trong khu vực nhằm bảo đảm sự công bằng cho tất cả quốc gia ở châu Á và bảo vệ tiếng nói của tất cả quốc gia muốn tìm kiếm giải pháp hoà bình cho các tranh chấp của họ”, thượng nghị sĩ Jim Webb nói tại phiên điều trần cách đây hơn một tháng tại uỷ ban Đối ngoại thượng viện khi nhắc tới sự bất cân bằng rõ ràng về quyền lực mà Trung Quốc tạo ra.

Lần này, tại Hà Nội, thượng nghị sĩ Webb giải thích: “Tôi không nhất thiết có ý làm việc đó bằng quân sự, mà ý của tôi là nói về quan điểm ngoại giao của chúng ta, lập trường quốc gia của chúng ta, và sự sẵn sàng của chúng ta trong việc trở thành một quyền lực cân bằng với Trung Quốc, chứ không phải chống lại Trung Quốc”.

Trong quan hệ với Trung Quốc, Mỹ vẫn e ngại sự phát triển của Trung Quốc làm thay đổi cán cân kinh tế khu vực và giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng chính trị trên toàn lục địa Đông Á. Nhưng, hai bên vẫn hợp tác, chia sẻ lợi ích kinh tế, tài chính và các vấn đề mang tính toàn cầu.

Chuyến công du Đông Nam Á của ông Webb cũng một lần nữa hé ra một cách tiếp cận mới của Mỹ với các vấn đề ở khu vực này. Việc ông Jim Webb được tiếp xúc cả với thống tướng Than Swe của Myanmar, lẫn người chống đối số một của ông ta là Aung San Suu Kyi, cho thấy dường như giới lãnh đạo Myanmar cũng không còn muốn chịu sự ảnh hưởng một chiều từ nước láng giềng phía Đông Bắc của mình, nếu như Mỹ có cách tiếp cận mềm dẻo hơn.

Thượng nghị sĩ Jim Webb, nhà chiến lược đối ngoại được coi là có ảnh hưởng lớn với chính quyền của Tổng thống Obama, khẳng định: “Mỗi nước Đông Nam Á có một lịch sử riêng, và họ cũng có một lịch sử riêng trong quan hệ với Mỹ. Mục đích của chuyến đi lần này của tôi cũng là lắng nghe quan điểm của lãnh đạo các nước Đông Nam Á”.

TNS Jim Webb: Mỹ đang xem xét lại chính sách đối với Myanmar

Mục đích chính thức của TNS Jim Webb trong chuyến đi hai tuần tới năm nước châu Á, theo như ông ta nói, có hai phần: một, đối với chính giới Mỹ, trong đó chủ yếu là Quốc hội, nhằm nhấn mạnh tới vai trò của Đông Nam Á đối với chính sách đối ngoại của Mỹ, vai trò trong 7 năm qua đã bị lãng quên vì các ưu tiên cho các điểm nóng như Afghanistan, Iraq hay Trung Đông. Mặt khác, cũng nhằm trấn an và tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với lãnh đạo các nước trong khu vực đang ngày càng cảm thấy bị Mỹ lãng quên, nếu không nói là bỏ rơi.

Tuy vậy, xét theo mức độ của các bình luận của ông ta sáng nay 20.8 trong bài phát biểu tại phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội thì Myanmar mới là mối quan tâm thực sự của TNS Webb (và của chính giới Mỹ) trong chuyến đi lần này. TNS Webb thừa nhận, chính phủ Mỹ “đang xem xét lại chính sách đối với Myanmar”, trong đó có việc xác định liệu chương trình cấm vận Myanmar có đem lại kết quả mà họ trông đợi hay không. Ông Webb, mặc dù không trả lời thẳng vào câu hỏi của một doanh nhân là “liệu bài học kinh nghiệm từ việc bỏ cấm vận Việt Nam có thể áp dụng gì cho trường hợp của Myanmar” nhưng cũng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế, chính trị hiện nay “rất khó có thể tiến hành cấm vận một cách toàn diện”. Và nếu cấm vận kinh tế không đi kèm các áp lực đủ mạnh về chính trị, xã hội và văn hóa thì việc cấm vận Myanmar chắc chắn không đem lại hiệu quả mong muốn.

Dù chính là người đã chống lại việc bỏ cấm vận với Việt Nam, ông Webb cũng thừa nhận rằng, việc mở cửa cho các doanh nghiệp Mỹ được phép vào làm ăn ở một quốc gia sẽ đi kèm với việc “nhập khẩu” các giá trị văn hóa, chính trị mới, những giá trị sẽ làm tiền đề cho những chuyển biến tích cực trong tương lai.

Những dấu hiệu của một chính sách đối ngoại mềm dẻo hơn đối với Myanmar cũng thể hiện trong nội dung các cuộc gặp gỡ của TNS Webb với các nhà lãnh đạo của liên minh Quốc gia vì Dân chủ và nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng Aung Sang Suu Kyi. TNS Webb nói, ông đã giải thích cho họ việc ông gặp Thống tướng Than Shwe không có nghĩa là ông “hợp pháp hóa” chế độ độc tài quân sự, mà bản thân việc giới cầm quyền quân sự Myanmar cho phép một chính trị gia ở một quốc gia bên ngoài tới nói về hình ảnh của họ trên thế giới đã là một sự tiến bộ, và sự cần thiết phải “nắm bắt những cơ hội tốt khi có thể” để tìm cách thay đổi Myanmar. Ông cũng nói, sau hơn bốn mươi phút gặp gỡ với bà Aung Sang Suu Kyi, ông có cảm nhận rằng bà “cũng không ủng hộ một cuộc cấm vận toàn diện” của thế giới đối với Myanmar.

Chính vì vậy, trong một động thái “giải cứu” ít tiếng tăm hơn cựu tổng thống Bill Clinton, việc đề nghị chính phủ quân sự Myanmar trao trả tự do cho John Yettow, công dân Mỹ - nguyên nhân chính cho những ồn ào xung quanh việc bà Aung Sang Suu Kyi vi phạm lệnh quản thúc tại gia - cũng được xem như “một phép thử” đối với chính phủ Myanmar về thiện chí và sự sẵn sàng “có đi có lại” của họ đối với những thay đổi có thể có trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Myanmar.

Lý do chính cho việc thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ đối với quốc gia này có lẽ bắt nguồn từ sự lo lắng của những nhà hoạch định chính sách của Mỹ đối với việc Trung Quốc đang có vẻ rất tích cực “thế chân” Mỹ trong những khu vực trọng tâm mà Mỹ không thể gánh vác. TNS Webb không giấu sự lo ngại của ông ta trước tin Trung Quốc đầu tư lớn để xây dựng đường ống dẫn dầu từ Myanmar tới Trung Quốc, một dự án mà khi ở Mỹ, người ta nói nó trị giá khoảng 1,2 tỷ USD, nhưng khi sang tới Myanmar, một công ty Mỹ ở đó cho ông biết trị giá của khoản đầu tư này lên tới gần 2,5 tỷ. Việc cấm vận Myanmar không chỉ làm mất đi các cơ hội đầu tư và kinh doanh của các công ty Mỹ, nguy hiểm hơn, nó khiến cho Myanmar càng xích lại gần hơn với Trung Quốc. Một Myanmar trở thành bàn đạp cho các tham vọng địa - chính trị của Trung Quốc có thể dẫn đến những thay đổi lớn, đe dọa sự ổn định của Đông Nam Á.

Hơn ai hết, TNS Webb là người hiểu rất rõ điều đó. Từ năm 2001, trong một bài báo của mình trên tạp chí Wall Street Journal, ông đã cảnh báo những nguy cơ có thể xẩy đến với một Đông Nam Á hòa bình và ổn định trong trường hợp Trung Quốc gia tăng hiện đại hóa quân sự. Tháng 7 vừa qua, ông cũng chủ trì cuộc điều trần về các hoạt động của hải quân Trung Quốc tại biển Đông. Ông nói ông cũng là người không đồng tình với chính sách “không có quan điểm” của bộ Ngoại giao Mỹ đối với những tranh chấp ở biển Đông, quan điểm mà theo ông, thể hiện tầm nhìn “chiến thuật” với những tranh chấp về lãnh thổ và lãnh hải của Trung Quốc với các quốc gia láng giềng như Nhật Bản, Việt Nam. Một quan điểm “chiến lược” hơn, xem xét những tranh chấp đó nằm trong một chiến lược đối ngoại nhất quán của Trung Quốc sẽ khiến Mỹ phải tích cực hơn trong nỗ lực đòi hỏi và tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp về lãnh thổ “theo luật pháp và thông lệ quốc tế”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cách tiếp cận mới của Mỹ với ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO