Ấn Độ: nguy cơ phá sản tín dụng vi mô

02/11/2010 00:05

Từng được ca ngợi là chiếc phao cứu giúp hàng triệu người nghèo khổ trên thế giới, hiện nay tín dụng vi mô có thể đang ở bờ vực phá sản tại Ấn Độ, một trong những thị trường lớn nhất của công nghiệp này.

Ấn Độ: nguy cơ phá sản tín dụng vi mô

Từng được ca ngợi là chiếc phao cứu giúp hàng triệu người nghèo khổ trên thế giới, hiện nay tín dụng vi mô có thể đang ở bờ vực phá sản tại Ấn Độ, một trong những thị trường lớn nhất của công nghiệp này.

Mô hình tín dụng vi mô có thời gian phát triển khá tốt ở Ấn Độ. Trong ảnh: cán bộ tín dụng giải thích cách tính lãi suất cho người dân. Ảnh: TL

Tăng vọt người tự tử

Bang Andhra Pradesh ở miền Nam Ấn Độ, trung tâm tài chính vi mô lớn nhất nước, buộc phải giới thiệu những biện pháp xử phạt nhằm ngăn cản việc quấy nhiễu hay ép buộc người đi vay. Cách đây hai tuần, bang phê duyệt các biện pháp ngăn cản hoàn nợ, gây chấn động khắp ngành này. Cơ quan chức năng hiện đồng ý cho hoàn nợ trở lại, nhưng đây là kết quả từ những phản ứng dữ dội trong khu vực, nhiều người đi vay bây giờ từ chối trả nợ.

Theo các viên chức địa phương, những biện pháp mới nhằm bảo vệ người nghèo trước mức lãi suất cắt cổ và những thủ tục nặng tay, vốn đã khiến xảy ra nhiều vụ tự tử trong bang. Tuy nhiên, nhiều nhà cho vay tín dụng nhỏ và những người trong ngành e ngại rằng những biện pháp mới có thể phá hoại nặng nề công nghiệp tín dụng vi mô trị giá 6,5 tỉ USD ở Ấn Độ.

Khởi đầu từ sáng kiến của Muhammad Yunus, chủ ngân hàng Grameen và là người đoạt giải Nobel Hoà bình, tài chính vi mô được đón chào như một mô hình cho phép hàng triệu người nghèo ở các quốc gia đang phát triển tiếp cận những khoản vay nhỏ thường không dành cho họ ở những cơ sở cho vay truyền thống như ngân hàng. Ấn Độ có khoảng 30 triệu khách hàng tín dụng vi mô với mức vay trung bình là 144 USD/năm.

Mặc dù cho đến nay các biện pháp sửa đổi được hạn chế ở Andhra Pradesh, bang này vẫn được xem là một đầu tàu của tín dụng vi mô Ấn Độ với một số nhà cho vay vi mô lớn nhất thế giới như là SKS Microfinance. Thủ phủ bang, Hyderabad, là một trung tâm công nghệ cao.

Trong khi giới chức chính phủ ở bang nói rằng những thủ tục quá đáng của tín dụng vi mô là nguyên nhân gây ra hơn 30 vụ tự tử thời gian gần đây ở Andhra Pradesh, viên chức trong ngành cho rằng những khoản vay này chỉ là một phần trong số nhiều vấn đề mà các nạn nhân phải đối mặt.

Trong một phỏng vấn của kênh France 24, Atul Takle của SKS Microfinance cho biết, 17 người tự tử trong số 7,3 triệu khách hàng trong vài tháng qua “không còn thiếu nợ và các đợt thanh toán của họ luôn đúng hạn. Tự tử là một vấn đề phức tạp và chúng tôi không cho rằng họ tự tử là do không có khả năng chi trả mỗi tuần 5 USD”.

Vấn đề thực sự, theo một số người trong ngành, nằm ở chỗ những nhà cho vay không đăng ký và không chính thức gây sức ép lên người đi vay bằng những biện pháp làm những nhà quan sát phải lo lắng.

Cho vay nóng hưởng lợi

Theo viên chức cấp cao MFIN (Hệ thống thể chế tín dụng vi mô), chính phủ bang Andhra Pradesh không tiến hành một cuộc điều tra độc lập nguyên nhân những vụ tự tử, cũng không xem xét vấn đề lãi suất cao.

Người ta phải đặt ra câu hỏi về sứ mạng xã hội đằng sau việc thành lập ngành công nghiệp này, khi những cơ sở tài chính vi mô tiêu biểu tính mức lãi suất trong khoảng từ 24 – 36%. Các báo cáo cũng nêu lên một số nhà cho vay không bị kiểm soát tính lãi suất đến 60%.

Ngày 27/10, SKS tình nguyện giảm lãi suất trong bang bị ảnh hưởng từ mức hiện tại 26,7% còn 24,55%.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tài chính cảnh báo rằng nếu hệ thống tín dụng vi mô bị sụp đổ, người được lợi là các nhà cho vay địa phương vốn đưa ra mức lãi suất cắt cổ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ấn Độ: nguy cơ phá sản tín dụng vi mô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO