Ấn Độ biến khủng hoảng thành cơ hội

29/07/2009 01:07

Nhiều hãng gia công phần mềm của Ấn Độ coi suy thoái là cơ hội củng cố và tái cơ cấu kinh doanh để sẵn sàng nhảy vọt khi kinh tế hồi phục.

Ấn Độ biến khủng hoảng thành cơ hội

Nhiều hãng gia công phần mềm của Ấn Độ coi suy thoái là cơ hội củng cố và tái cơ cấu kinh doanh để sẵn sàng nhảy vọt khi kinh tế hồi phục. Cường quốc gia công phần mềm Ấn Độ đang phải gánh chịu những tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhưng nhiều hãng gia công của đất nước này lại coi thời kỳ khủng hoảng là cơ hội để họ củng cố và tái tổ chức lại công việc kinh doanh của mình và sẵn sàng cho những bước nhảy vọt mạnh mẽ hơn khi kinh tế hồi phục.

Chỉ trong một năm, Infosys (Ấn Độ) đã tuyển dụng thêm 18.000 sinh viên mới tốt nghiệp để chuẩn bị cho thời kỳ hậu khủng hoảng.

Ăn xổi, ở thì

Bangalore, thủ đô CNTT của Ấn Độ vẫn đang phải nhận thêm nhiều tin tức không mấy tốt lành. Giá trị của các hợp đồng gia công mới trong nửa đầu năm 2009 đã giảm tới 22% xuống mức khoảng 19 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2001. Triển vọng của nửa cuối năm nay cũng không mấy sáng sủa hơn. Theo TPI, hãng chuyên theo dõi các hợp đồng gia công toàn cầu, tình trạng này có thể sẽ khiến hơn 2.000 hãng công nghệ nhỏ của Ấn Độ buộc phải phá sản vào cuối năm nay.

Nhưng đối với một số hãng gia công CNTT của Ấn Độ, họ chấp nhận đây là bước thử thách và cũng chính là cơ hội “hiếm có” để chuyển dịch cơ cấu hoạt động của mình nhằm “kiếm được miếng to hơn và ngon hơn” trong chiếc bánh trị giá 800 tỷ USD của lĩnh vực gia công thế giới. Trong khi hàng loạt hãng nhỏ đứng trước nguy cơ phá sản, một số “đại gia” như Tata Consultancy Services, Infosys, Wipro và HCL Technologies vẫn may mắn tiếp tục có lợi nhuận. Tính trong nửa đầu năm nay, Infosys vẫn kiếm được tới 2,2 tỷ USD còn các hãng khác cũng dao động quanh mức 1 tỷ USD.

Đó cũng chính là lý do vì sao 5 hãng công nghệ hàng đầu Ấn Độ vẫn tiếp tục tuyển dụng thêm tới 80.000 nhân công trong vòng 12 tháng qua, mặc dù số lượng này chỉ bằng 2/3 so với một năm trước đó.

Số lượng hợp đồng mới giảm, giá trị hợp đồng giảm nhưng tại sao các hãng này vẫn tuyển dụng thêm nhân công? Đó được coi là bước đi táo bạo và “khác người” của ngành công nghiệp gia công Ấn Độ. Trong thời kỳ khủng hoảng, họ sẵn sàng tập trung chăm sóc khách hàng kỹ lưỡng hơn, tính toán lại các cơ chế định giá, phương thức bán dịch vụ, đầu tư thêm hàng triệu USD cho việc đào tạo nhân viên cao cấp, nghiên cứu chuyên môn để sẵn sàng đón nhận những bản hợp đồng “cao cấp” có mức độ công việc phức tạp hơn, chuyên môn hơn nhưng đồng thời cũng sẽ dài hạn hơn và có giá trị cao hơn.

Bấy lâu nay, trong con mắt các đối thủ phương Tây, ngành công nghiệp gia công Ấn Độ vẫn sống theo kiểu “ăn xổi ở thì” khi những bản hợp đồng ngắn hạn, không nặng tính chuyên môn vẫn chiếm đến 90% tổng doanh thu của ngành. “Chúng tôi sẽ đi theo mô hình kinh doanh gia công mà IBM hay Accenture đang làm tức chỉ nhận những hợp đồng dài hạn trong nhiều năm và có giá trị cao”, Natarajan Chandrasekaran, Giám đốc điều hành của Tata Consultancy tuyên bố.

Trong số khoảng 90.000 nhân sự đang làm việc tại Ấn Độ của IBM, số lượng nhân viên có bằng tiến sỹ hay có trình độ cao nhiều hơn bất kỳ hãng gia công nội địa nào. Đó cũng chính là lý do vì sao doanh thu bình quân trên mỗi nhân công của IBM cao gấp 3 lần so với Wipro hãng gia công hàng đầu Ấn Độ.

Trụ sở Infosys

Đầu tư mạo hiểm?

Khâu chăm sóc khách hàng đã bắt đầu được coi trọng hơn. HCL là một ví dụ điển hình khi họ sẵn sàng “buông” một số hợp đồng nhỏ để dồn lực củng cố mối quan hệ với các khách hàng hiện tại. Kết quả là trong vòng 9 tháng qua, HCL đã “câu” được không ít “cá sộp” trong đó có cả Reader’s Digest (nguyệt san có số lượng phát hành lớn nhất nước Mỹ), Nokia hay Viacom...

Wipro lại áp dụng một chiến thuật khác: xây dựng cho mỗi khách hàng trong tổng số 75 khách hàng lớn nhất của họ một chiến lược và một phương thức quản lý khác nhau. Mỗi khách hàng này sẽ do một “tiểu CEO” và một nhóm nhân viên lành nghề phụ trách độc lập. Các nhóm này tuy độc lập với nhau nhưng vẫn có trách nhiệm chia sẻ kinh nghiệm với nhau và từ đó Wipro lại có thêm nhiều ý tưởng mới. Hãng sẽ tùy biến các ý tưởng này thành một chiến lược kinh doanh mới và bán cho các khách hàng khác...

Hiệu quả đã xuất hiện, nếu như trong năm 2008, doanh thu bình quân trên mỗi nhân công của hãng chỉ đạt 38.000 USD/người thì đến nay con số này đã là 44.000 USD/ người.

Infosys lại có cách đầu tư “dài hơi và cơ bản hơn”. Chỉ tính trong năm ngoái, hãng này đã tuyển dụng thêm 18.000 sinh viên mới tốt nghiệp và đang có kế hoạch tuyển dụng thêm nữa trong năm nay. Tuyển dụng nhiều nhưng Infosys lại tăng gấp đôi thời gian đào tạo cho những nhân viên mới này từ mức 3 tháng như trước kia lên thành 6 tháng để giúp họ rèn rũa thật thành thạo chuyên môn của mình. Đó là một khoản đầu tư khổng lồ nhưng Infosys cho rằng đó là một khoản đầu tư xứng đáng.

Tuy vậy, tất cả vẫn đang nằm trong danh mục “đầu tư mạo hiểm” bởi nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định rằng nếu nền kinh tế thế giới không phục hồi trong vòng một năm nữa, Ấn Độ sẽ “gặp rắc rối to” với tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt và chi phí sản xuất kinh doanh phi mã.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ấn Độ biến khủng hoảng thành cơ hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO