Thời cơ để “lọc” ngân hàng

18/10/2011 06:54

Việc áp dụng “kỷ luật thép” với ngân hàng (NH) vượt trần lãi suất; nâng thêm 2% các lãi suất chủ chốt trên thị trường liên NH... cho thấy NH Nhà nước đang bước đầu thực hiện thanh lọc các NH yếu kém

Thời cơ để “lọc” ngân hàng

Việc áp dụng “kỷ luật thép” với ngân hàng (NH) vượt trần lãi suất; nâng thêm 2% các lãi suất chủ chốt trên thị trường liên NH... cho thấy NH Nhà nước đang bước đầu thực hiện thanh lọc các NH yếu kém.

TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cho biết sau khi quyết liệt thực hiện trần lãi suất 14%/năm, nhiều NH nhỏ lập tức bị giảm nguồn huy động. Có NH đã bị rút vốn đến 8.000 tỉ đồng. Tính chung trong hệ thống, các NH nhỏ đã bị rút vốn nhiều chục ngàn tỉ đồng.

Nhiều ngân hàng nhỏ gặp khó khăn do huy động vốn giảm sút.

Áp lực nợ xấu

Đây là thời điểm rất khó khăn của các NH nhỏ, họ buộc phải vay của NH Nhà nước qua kênh tái cấp vốn, vay trên thị trường liên NH hoặc tái diễn tình trạng “đi đêm” lãi suất. Tuy nhiên, với quy định trần lãi suất 6% cho các kỳ hạn dưới một tháng kể từ ngày 1-10, cửa hẹp cho lách trần lãi suất cũng đã đóng lại khiến thanh khoản của NH nhỏ càng thêm khó khăn...

Ông Nghĩa cho biết khó khăn về thanh khoản của các NH thương mại nhỏ còn tiếp tục kéo dài vì Chính phủ đã thống nhất chủ trương tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô trong một vài năm tới. Tăng trưởng tín dụng sẽ chỉ duy trì ở mức 20%, tổng phương tiện thanh toán cũng được khống chế quanh mức 16%-17%/năm.

Dự báo từ đầu năm 2012, lãi suất cho vay chỉ còn khoảng 14%-15% và giảm còn khoảng 11% vào năm 2013.

Với mặt bằng lãi suất như vậy, người gửi tiền sẽ lựa chọn các NH lớn để bảo đảm an toàn. NH nhỏ không có cách nào khác là phải xây dựng lại chiến lược kinh doanh mới, xem xét lại việc mở rộng quy mô tài sản, tăng cường quản lý chặt chẽ bảng cân đối tài sản, bảo đảm dòng tiền dương và thanh khoản tích cực, đặc biệt là phải xem xét lại các khoản đầu tư lớn vào bất động sản. NH nhỏ nên quay trở lại dịch vụ NH bán lẻ dành cho người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, phải xây dựng được các thể chế về quản trị rủi ro đáng tin cậy mới có thể tồn tại.

Công cụ thanh lọc: Tăng vốn điều lệ

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), cần có biện pháp mạnh để giảm một nửa trong tổng số 40 NH thương mại cổ phần tư nhân hiện có. Lộ trình thực hiện là buộc các NH phải tăng vốn điều lệ lên lần lượt theo các mức: 5.000 tỉ đồng, 10.000 tỉ đồng và 15.000 tỉ đồng trong 2 năm tiếp theo. NH nào không đạt được các yêu cầu tăng vốn sẽ bị Nhà nước mua lại, sáp nhập với các NH lớn.

Trước mắt, Nhà nước cần mua lại các NH thuộc tốp cuối đang bộc lộ nhiều khó khăn, đủ điều kiện giải thể để sáp nhập vào các NH thương mại Nhà nước. Bên cạnh đó, nên tách quyền điều hành của tổng công ty Nhà nước tại các NH thương mại do các tổng công ty Nhà nước nắm quyền chi phối.

Cảnh báo đặc biệt của ông Lê Xuân Nghĩa được đưa ra trước thực trạng nợ trong lĩnh vực bất động sản tăng rất cao. Ở một số NH đã vượt mức 40% tổng dư nợ, trong đó tỉ lệ nợ xấu không nhỏ, có nguy cơ dẫn đến rủi ro hệ thống. Theo ông Nghĩa, nợ nhóm 5 (nợ mất vốn) trong hệ thống NH đã lên tới xấp xỉ mức trích lập dự phòng rủi ro của các NH thương mại; nợ xấu trong toàn hệ thống đang ở mức cao, gần như chưa có cách nào giảm được.

Mạnh dạn cho phá sản, giải thể

Yêu cầu tái cấu trúc NH đã từng được thực hiện trong giai đoạn 2001-2006 và một lần nữa được đặt ra trong bối cảnh kinh tế biến động năm 2008. Khi đó, đã có yêu cầu tăng vốn pháp định của NH tối thiểu lên mức 3.000 tỉ đồng nhưng cơ hội lại bỏ lỡ.

Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng bên cạnh việc lập nhóm G12+1 (gồm 12 NH lớn, chiếm 85% thị phần) để nhóm họp, trao đổi hoạt động nghiệp vụ, NH Nhà nước cần làm việc trực tiếp với các NH thương mại nhỏ để giúp các NH này xử lý khó khăn thanh khoản tạm thời bằng các biện pháp tái cấp vốn. Đồng thời tuyên bố rõ chủ trương sẽ yêu cầu NH yếu kém buộc phải sáp nhập hoặc mua lại, giải quyết dứt điểm tình trạng dây dưa như hiện nay.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, sáp nhập NH không phải việc dễ làm. Muốn sáp nhập NH, cần “khám sức khỏe” tổng thể để phân loại các NH, nếu có khả năng quản lý rủi ro thì có thể được hỗ trợ tiếp tục phát triển, cho sáp nhập nhiều NH nhỏ với nhau để thành NH lớn hơn hoặc cho sáp nhập vào NH lớn. Đối với các NH quá yếu, không cứu chữa được, có thể mạnh dạn cho phá sản, giải thể theo luật, không nên né tránh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thời cơ để “lọc” ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO