Thổ cẩm khác

LÊ THIẾT CƯƠNG| 28/03/2009 06:40

Có những điều có thể và luôn thay đổi nhưng đó chỉ là phần nổi, phần vỏ còn cái gốc thì không đổi, không bao giờ đổi. Lịch sử nghệ thuật là lịch sử của những biến đổi.

Thổ cẩm khác

Có những điều có thể và luôn thay đổi nhưng đó chỉ là phần nổi, phần vỏ còn cái gốc thì không đổi, không bao giờ đổi. Lịch sử nghệ thuật là lịch sử của những biến đổi.

Ấy thế nhưng ai ai đã ngồi trước tấm toan (xưa nay, đông tây đều vậy), từ tấm toan đầu tiên đến khi buông bút thì đều hiểu rằng làm nghệ thuật là làm con đường để tìm mình. Viết dăm ba chữ, hát một bài hát, vẽ vài bức tranh v.v.. cũng là vậy cả.

Khởi hành từ một đề tài nào đó, cây cối hay nhà cửa, người hay hoa lá, miền xuôi hay miền ngược. Rồi tìm xem mình là hình gì, mình là mầu gì trong đó, mình là con sông, cái cây gì, bầu trời gì. Hay nói cách khác đi, con sông của mình, cái cây của mình, bầu trời của mình là gì.

Và bao giờ thì đề tài được chọn cũng là cái khoảng hiện thực mà mình thích nhất, hiểu nhất, gần gũi nhất.

Họa sỹ Đoàn Xuân Tặng đi thật xa để chọn cái “gần gũi” cho mình. Tặng thích đề tài miền núi, anh ấy vẽ về những người thiểu số, từng ấy năm chỉ vẽ một đề tài đó. Cứ đi, đi mãi chắc là cũng thấy gần. Đã có nhiều họa sỹ đi đường này nhưng ai chả muốn mình là thiểu số. Mỗi người mỗi cách đi.

Cách đi của Tặng là cách đi tìm vẻ đẹp của những người thiểu số ở vùng núi, chính xác là trang phục của họ. Tranh của Tặng thường ít nhân vật, để Tặng có thể vẽ được nhiều hơn, kỹ hơn phục trang của họ.

Cách vẽ kỹ của Tặng là tháo ra, những khăn khăn áo áo, những quần những váy đó đều được tháo ra, tháo chỉ ra rồi Tặng khâu lại, ghép lại, chắp nối lại theo một trật tự khác, một trật tự đẹp khác mà chả cần thêm bớt gì. Đôi chỗ người xem cảm thấy Tặng đã làm phai đi hoặc nhuộm lại, nhuộm những miếng chàm thành đỏ, xanh lá mạ thành cam.

Xanh không còn xanh, đỏ không còn đỏ nữa, người chẳng ra người nữa, quần áo cũng không còn. Tất cả đều nhoè nhoè, tan chẩy trong nhau, xôn xao trong nhau. Các miếng mầu xô đẩy nhau, va đập với nhau. Loang, vang cùng nhau.

Họa sỹ Đoàn Xuân Tặng sinh năm 1977 tại Nam Định. Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật năm 2001. Triển lãm cá nhân "Thổ cẩm khác" diễn ra vào tháng 4 năm 2009 tại phòng tranh Thăng Long - 13 Tô Tịch, Hà Nội. Triển lãm trưng bày khoảng 20 tác phẩm trên chất liệu sơn dầu trên vải.

Tặng tháo ra, để sắp lại, cởi ra để khâu lại, thêu lại, đan cài lại, chắp lại, vá lại, kỷ hà lại, zích zắc lại. Xoắn xuýt và rối bời hoặc quây quần, quấn quít mà cũng có khi chỉ là để được bơ vơ hơn, lẻ loi hơn. Xé lẻ ra để đẹp hơn, riêng hơn. Những thổ cẩm hoàn mỹ đó, truyền thống đó được làm lại để làm gì?

Cho dù hoàn mỹ thì nó vẫn là đã xong, một truyền thống đã xong. Nghệ thuật cần điều khác, cần một logic khác. Ngay cả có tả thực thì nó cũng phải là một thực khác. Thế là ai cũng vậy, cứ phải cởi ra rồi lại buộc vào như chơi, buộc vào rồi lại gỡ ra. Có rồi lại… không như chơi.

Những bộ quần áo, váy của người Mông, người Thái, người Mông Hoa trong tranh Tặng là một sặc sỡ khác, một tươi khác, trầm ấm khác, một mới khác, một hơi thở khác, một thổ cẩm khác. Và đó cũng là thành công nho nhỏ trong những bước đi ban đầu của Đoàn Xuân Tặng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thổ cẩm khác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO