Thiết bị phát sóng mạng không dây (wifi) đã trở nên phổ biến vì được nhà cung cấp dịch vụ internet tặng kèm thiết bị khi đăng ký lắp đặt.
Đọc E-paper
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM... kiến trúc nhà phố đa phần là nhà ống từ 1 - 3 tầng, hoặc căn hộ chung cư với diện tích sử dụng từ 50 - 100m2, chia làm nhiều phòng. Do vậy, thiết bị phát sóng mạng wifi "tặng kèm" thường có tình trạng chập chờn, sóng yếu. Để khắc phục tình trạng này, nhiều gia đình phải kéo thêm một đường dây mạng lên tầng cao hơn và đặt thêm một thiết bị phát sóng wifi nối với đường dây mạng này. Tuy nhiên, giải pháp này đòi hỏi người dùng phải am hiểu kỹ thuật, như gắn đầu nối dây mạng, khoan tường kéo dây mạng xuyên qua... để không ảnh hưởng đến mỹ quan chung của ngôi nhà.
Giải pháp "mẹ bồng con"
Các hãng chuyên về thiết bị wifi tại thị trường Việt Nam như D-Link, TP-Link, Toto Link, Tenda... đã bắt đầu chuyển sang giải pháp mạng wifi theo kiểu "mẹ bồng con" dành cho người dùng phổ thông không cần am hiểu về kỹ thuật. Cụ thể, các hãng này đều đã giới thiệu các bộ sản phẩm bao gồm thiết bị phát sóng "mẹ” D-Link DIR-619L đặt ở tầng trệt, làm nhiệm vụ phát sóng wifi ra xa, và thiết bị "con" là D-Link DAP-1320 đặt ở lầu 2, làm nhiệm vụ thu sóng của "mẹ” và phủ sóng wifi cho những góc chết không có sóng trong nhà như gầm cầu thang, nhà vệ sinh...
Tương tự, hãng TP-Link có bộ đôi "mẹ” là TP-Link TL-WR841N và "con" là TL-WA860RE, Hãng Totolink có bộ đôi "mẹ” là N300RH và "con" là EX300, và Hãng Tenda có bộ đôi "mẹ” là F3 và "con" là A301. Giá cả tùy theo hãng, dao động từ 1 - 2 triệu đồng/bộ.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Giám đốc kênh phân phối của D-Link Vietnam cho biết, đa số gia đình thường cho rằng chỉ cần lắp đặt gói đường truyền mạng internet cáp quang từ 12Mbps trở lên là đủ sức sử dụng giải trí qua mạng dành cho các thành viên trong gia đình, bao gồm xem phim, gọi điện bằng hình ảnh (video call) thông qua các ứng dụng quen thuộc như Facebook, Skype, Viber... Tuy nhiên, chỉ bao nhiêu đó là chưa đủ dùng vì nhà cung cấp dịch vụ mạng internet thường "tặng kèm" thiết bị phát sóng wifi có công suất thấp, đa phần sử dụng tần số không dây 2.4Ghz nên dễ gặp hiện tượng nhiễu sóng của lò vi sóng, loa không dây, Bluetooth, hệ thống giám sát hoặc thiết bị phát wifi của nhà hàng xóm, quán cà phê gần đó... Ở nhiều khu vực như sân vườn, tầng trên cao, các khu vực cách xa vị trí mạng không dây thường gặp hiện tượng "điểm chết wifi", tức sóng wifi không phủ đến được khiến người dùng gặp gián đoạn khi đang xem phim hoặc giải trí trên mạng (thường gọi là mạng chập chờn).
Do vậy, thiết bị phát wifi theo kiểu "mẹ bồng con" là giải pháp được các hãng quan tâm và hiện được thị trường Việt Nam chú ý. Bởi vì giải pháp này hạn chế được tình trạng nhiễu sóng giữa các thiết bị và giảm thiểu các "góc chết" trong mỗi gia đình.
Hoạt động dễ dàng
Để thuận tiện trong việc sử dụng, các hãng sản xuất đều đưa ra cách thiết lập đơn giản nhất dành cho người dùng phổ thông.
Cụ thể là bộ đôi "mẹ” và "con" đều là những sản phẩm khá thông minh vì trên thiết bị có một nút bấm ký hiệu WPS (Wifi Protected Setup). Đây là tiêu chuẩn riêng cho việc thiết lập kết nối nhanh chóng dành cho thiết bị phát sóng (mẹ) và thu sóng (con) tự động nhận diện nhau mà không cần mật khẩu. Do vậy, người dùng khi mua sản phẩm về chỉ cần cắm điện cho "mẹ” ở tầng 1 và "con" ở tầng 3 rồi nhấn nút WPS trên thiết bị "con", sản phẩm sẽ tự động dò tìm thiết bị "mẹ” và kết nối sau khoảng 30 giây mà không cần làm thêm thao tác kỹ thuật nào nữa. Từ đây, dù người dùng sử dụng các thiết bị di động như điện thoại, máy tính bảng, laptop và đã kết nối wifi sẵn thì khi di chuyển từ tầng 1 - 3 tín hiệu mạng vẫn tốt, hạn chế được tình trạng chập chờn vì đã ở trong vùng giao thoa của sóng wifi.
Hướng dẫn về bộ đôi sản phẩm mạng wifi kiểu "mẹ bồng con" của Hãng Edimax - Ảnh của Edimax.com |
Những gia đình đã có sẵn thiết bị phát sóng mạng wifi "mẹ” do nhà cung cấp dịch vụ mạng "tặng kèm" vẫn có thể sắm thiết bị "con" riêng biệt để kết nối với nhau nhằm mở rộng vùng phủ sóng mạng wifi. Tuy nhiên, cần lưu ý thiết bị "mẹ” phải có nút bấm ký hiệu WPS thì "con" mới kết nối thành công. Trường hợp thiết bị wifi không hỗ trợ WPS thì không sử dụng hiệu quả.
Ông Quỳnh cho biết thêm, bộ giải pháp phát wifi theo kiểu "mẹ bồng con" đòi hỏi thiết bị "mẹ" phải là loại có công suất phát sóng wifi lớn. Trên sản phẩm thường sẽ có thêm ký hiệu "High Power" hoặc đặc điểm dễ nhận biết là ăng-ten phát sóng wifi sẽ dài hơn, tương tự đôi đũa cái.
Còn thiết bị "con" sẽ có hình dáng như một adapter với thiết kế cắm trực tiếp vào ổ cắm điện và có chữ "Range Extender", nghĩa là mở rộng vùng phủ sóng. Để tránh mua lầm hoặc nhiều người dùng thường nghĩ rằng thiết bị nào cũng như nhau nên có thể dùng chung thì sẽ không tăng được hiệu quả mở rộng vùng phủ sóng mà còn khiến hệ thống mạng wifi bị nhiễu sóng.
Nhìn chung, giải pháp "mẹ bồng con" là xu hướng mạng không dây mới cho mỗi gia đình trong tương lai vì khắc phục được tình trạng mạng chập chờn với nhà ống, hạn chế được tình trạng nhiễu sóng do có quá nhiều thiết bị phát sóng lân cận và thiết bị dễ dàng lắp đặt, kết nối do thiết kế cắm trực tiếp vào ổ cắm điện.
>Wifi miễn phí "rất quan trọng" đối với giới siêu giàu
>Wifi sẽ bị thay thế bởi Lifi?