Thị trường Việt Nam: Đích đến của thịt heo ngoại

HỒNG NGA| 09/10/2018 08:25

Sau thời gian dài thừa nguồn cung, thị trường thịt heo đã tăng trưởng và nguồn heo nhập khẩu từ các nước ngày càng nhiều, đặc biệt là từ Mỹ.

Thị trường Việt Nam: Đích đến của thịt heo ngoại

Thịt heo Mỹ tăng cường vào Việt Nam - Ảnh: X. Thảo

Ủy ban Tiếp thị toàn cầu thuộc Hiệp hội Chăn nuôi heo Mỹ và Liên đoàn Xuất khẩu thịt của Mỹ vừa có chuyến làm việc tại Việt Nam nhằm quảng bá và thúc đẩy xuất khẩu, tiêu thụ thịt heo Mỹ. Ông Gerald Smith - Trưởng Phòng Nông nghiệp đối ngoại (Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM) cho biết, Việt Nam tiêu thụ thịt heo nhiều hơn các loại thịt khác.

Năm 2017, cả nước tiêu thụ 1,8 triệu tấn thịt heo, chiếm 57% tổng lượng các loại thịt. Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng với ngành chăn nuôi heo của Mỹ vì đứng thứ 2 về sản lượng nhập khẩu tại Đông Nam Á, chỉ sau Philippines. Năm 2017, kim ngạch nhập khẩu thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo từ Mỹ lên tới 12 triệu USD, tăng 140% so với năm trước.

Trước Mỹ, thịt heo từ Ba Lan, Tây Ban Nha, Đức đã được nhập về Việt Nam khá nhiều. Kế hoạch thâm nhập thị trường Việt Nam của các nhà xuất khẩu thịt heo châu Âu đã được thực hiện cách đây nhiều năm với chiến dịch truyền thông mang tên "Truyền thống, chất lượng và hương vị châu Âu", trong đó, Việt Nam là một trong 3 thị trường trọng điểm.

Link bài viết

Chiến lược này nhằm giới thiệu về ngành công nghiệp chăn nuôi và chế biến thịt của châu Âu cũng như cơ hội hợp tác, đẩy mạnh xuất khẩu thịt vào Việt Nam. Theo Liên minh Các nhà sản xuất và sử dụng lao động ngành thịt ở châu Âu (UPEMI), trong 3 năm (2013 - 2015), sản lượng thịt từ châu Âu xuất vào Việt Nam đã tăng 7,5 lần.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2017, Việt Nam nhập 33.100 tấn thịt heo. 6 tháng đầu năm 2018, lượng thịt heo nhập khẩu đã tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước, đạt 19.600 tấn. Trong đó, Ba Lan là thị trường cung cấp lớn nhất với hơn 7.000 tấn, chủ yếu là thịt đông lạnh.

Ngành hàng các loại thịt ở Việt Nam ước tính trị giá 18 tỷ USD và nằm trong top 10 nước sản xuất và tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới. Mỗi người Việt hiện đang tiêu thụ 33,5kg thịt/năm nhưng đến năm 2020, dự kiến sẽ tăng lên 39kg. Sau hơn một năm khủng hoảng thừa nguồn cung, tổng đàn heo trong nước giảm khiến giá heo tăng cao.

Đây là điều kiện thuận lợi cho nguồn cung thịt heo từ Mỹ cũng như thịt từ các nước khác vào Việt Nam với số lượng lớn. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sắp được ký kết, và như vậy, hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ, thịt từ các nước châu Âu vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Mỹ, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc không phải là lý do của cuộc xúc tiến thương mại này. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu Trung Quốc đánh lên heo Mỹ tăng từ mức 12% lên 62% đã khiến sản lượng xuất khẩu thịt heo của nước này vào Trung Quốc năm 2018 giảm mạnh. Cụ thể, trong tháng 12/2017, giá trị kim ngạch xuất khẩu thịt heo Mỹ vào thị trường Trung Quốc đạt 663 triệu USD đã giảm xuống còn 381 triệu USD trong tháng 7 vừa qua.

Còn tại Việt Nam, ngay từ lúc Mỹ và Trung Quốc dọa sẽ áp thuế cao lên hàng ngàn mặt hàng nhập khẩu của nhau thì lượng thịt nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam đã bắt đầu tăng mạnh. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5/2018, nhập khẩu thịt từ Mỹ đã tăng 50% so với trước, chiếm tỷ lệ cao nhất với khoảng 37% về lượng và hơn 24% về giá trị. 

Ông Craig Morris - Phó chủ tịch Ủy ban Tiếp thị toàn cầu thuộc Hiệp hội Chăn nuôi heo Mỹ cho rằng, Việt Nam là thị trường rất thú vị. Trong khi người Mỹ sử dụng thịt đông lạnh thì người Việt Nam lại ưa chuộng thịt tươi sau khi giết mổ. Người Mỹ không ăn các loại nội tạng và mỗi năm một lượng nội tạng đỏ được xuất khẩu sang Việt Nam. Trong 12 triệu USD thịt heo xuất khẩu vào Việt Nam năm 2017, có 1 triệu USD là nội tạng.

Doanh nghiệp Mỹ sẽ nghiên cứu làm thế nào để đưa vào Việt Nam loại thịt heo tươi nhất có thể và hướng đến xuất khẩu nội tạng trắng do nhu cầu sử dụng loại này ở Việt Nam rất cao. "Người tiêu dùng Việt Nam và Singapore tăng tỷ trọng thịt heo trong bữa ăn và điều này tạo cơ hội cho chúng tôi nắm giữ thị phần lớn hơn nếu có những chiến lược đúng đắn", ông Craig Morris cho biết.

Theo ông Bill Luckey - Chủ tịch Hội đồng của Ủy ban Tiếp thị toàn cầu của Mỹ, Hiệp hội Chăn nuôi heo Mỹ có đến 60.000 hội viên, phần lớn là chủ trang trại chăn nuôi heo công nghiệp với quy mô lớn. Năm 2018, tổng lượng heo của Mỹ lên đến 120 triệu con, tăng 8% so với năm 2017.

Hiện Mỹ có thêm 5 nhà máy quy mô lớn chuẩn bị đi vào hoạt động, nâng số nhà máy giết mổ heo lên con số 27. Đó là chưa kể một lượng lớn các nhà máy nhỏ hơn đã hoạt động nhiều năm nay. Vì vậy, có khoảng 25 - 30% sản lượng heo trên toàn nước Mỹ được dùng để xuất khẩu. Những thị trường chính của Mỹ là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mexico.

Hiện thuế nhập khẩu thịt heo Mỹ vào Việt Nam ở mức 15% đối với thịt đông lạnh và 20 - 25% đối với thịt mát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường Việt Nam: Đích đến của thịt heo ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO