US Open 2015: Chuyện thần tiên ở New York

PHƯƠNG VY| 16/09/2015 00:25

Nếu như trận chung kết đơn nam là cuộc đối đầu được chờ đợi giữa Novak Djokovic và Roger Federer thì chẳng ai nghĩ rằng trận chung kết đơn nữ lại là màn so tài giữa hai cô gái người Italia, Flavia Pennetta và Roberta Vinci.

US Open 2015: Chuyện thần tiên ở New York

Nếu như trận chung kết đơn nam là cuộc đối đầu được chờ đợi giữa Novak Djokovic và Roger Federer thì chẳng ai nghĩ rằng trận chung kết đơn nữ lại là màn so tài giữa hai cô gái người Italia, Flavia Pennetta và Roberta Vinci.

Đọc E-paper

May mắn và bản lĩnh

New York luôn có những câu chuyện thần tiên như thế.

Đó là nơi Kim Clijsters từng đăng quang dù chỉ tham dự với suất đặc cách (2009), là nơi Samantha Stosur quật ngã tượng đài Serena Williams để lên ngôi (2011), và bây giờ là trận chiến nội bộ của hai cô gái người Italia, những người mà trước khi bước vào giải ít ai nghĩ họ có thể trụ lại đến... tuần thứ hai.

Sau khi niềm hy vọng lớn nhất của quần vợt nam Italia là Fabio Fognini (bạn trai của Pennetta) phải xách vali về nước ở vòng 4, thủ tướng nước này, Matteo Renzi, đã lại bay sang New York với tư cách một... cổ động viên.

Lý do nằm ở Pennetta và Roberta Vinci, những tay vợt đã tạo nên trận chung kết toàn Italia lần đầu tiên trong lịch sử US Open, và đó là một sự kiện cực kỳ đáng nhớ. Pennetta chỉ là hạt giống số 26 tại giải năm nay, trong khi Vinci còn không được xếp hạng hạt giống.

Tất nhiên, thành công nào cũng có ít nhiều yếu tố may mắn. Roberta Vinci đã lọt vào bán kết mà không phải chạm trán bất cứ hạt giống nào.

Ba vòng đầu, cô gặp Vania King, Denisa Allertova và Duque Marino. Đến vòng 4, đối thủ Eugenie Bouchard (hạt giống 25) bị chấn thương đầy xui xẻo do... trượt chân trong phòng thay đồ và phải bỏ cuộc.

Ở tứ kết, đáng lẽ cô phải gặp Marakova (13), nhưng đối thủ người Nga này bị Mladenovic loại sau 3 set đấu, và với thể lực tốt hơn hẳn do được nghỉ, Vinci đã giành chiến thắng. Tuy nhiên, kỳ tích quật ngã Serena Williams ở bán kết thì hoàn toàn không phải may mắn.

Ở trận đấu phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ phía những khán giả nhà, và bị dẫn trước trong set đầu tiên, Vinci mới là người mạnh mẽ hơn về tâm lý để tạo nên cuộc lội ngược dòng đầy ngoạn mục với tỷ số 2 - 6, 6 - 4, 6 - 4.

Pennetta không phải đối đầu với Serena ở bán kết, nhưng con đường của cô gập ghềnh hơn cô bạn đồng hương từ trước đó. Đầu tiên là cựu vô địch US Open Samantha Stosur (2011) ở vòng 4, tay vợt hai lần giành Wimbledon Petra Kvitova ở tứ kết và sau đó là sức trẻ trung từ hạt giống số 2 Simona Halep.

Nhưng Pennetta, tay vợt 33 tuổi 6 tháng, đã vượt qua tất cả trước khi thắng nốt Vinci, người vốn rất hiểu cô (họ là bạn thân từ năm 9 tuổi và nhiều lần đánh đôi cùng nhau).

Khôn đâu đến trẻ...

Serena Williams đã không thể hoàn thành giấc mơ giành Calendar Slam (cả 4 Grand Slam trong một năm). Và thật ra đó là một tín hiệu tích cực cho những người hâm mộ ưa thích sự bất ngờ và đã quá nhàm chán hình ảnh cô giương cúp trong nhiều năm qua.

Nhưng liệu có phải một sự tích cực thực sự khi trận chung kết đơn nữ có số tuổi tổng cộng là... 66, vượt sâu kỷ lục cũ của Virginia Wade và Betty Stove ở Wimbledon 1977 (63 tuổi 11 tháng).

Pennetta, người được đặt tỷ lệ cược vô địch là 1 ăn 150, thậm chí lập kỷ lục là tay vợt chơi nhiều trận ở Grand Slam nhất trước khi vô địch: 49 trận (kỷ lục cũ thuộc về Marion Bartoli, 47 trận).

Trận chung kết siêu già ấy rõ ràng không phải là điều người ta mong muốn cho tương lai, song có vẻ như các tay vợt trẻ vẫn chưa đủ năng lực và sự tự tin để hạ gục các đàn chị.

Thực thế, ba trong số bốn tay vợt lọt vào bán kết đều thuộc độ tuổi "8X đời đầu", trong khi đại diện duy nhất của thế hệ trẻ, Simona Halep (sinh năm 1991) thì đã bị loại rất chóng vánh: 1 - 6, 3 - 6 trước Flavia Pennetta.

Ở vòng tứ kết, tài năng trẻ được kỳ vọng rất nhiều là Mladenovic (sinh năm 1993) cũng không thể vượt qua được đàn chị Roberta Vinci, còn Kvitova (1990) thì thua ngược Pennetta.

Những niềm hy vọng trẻ khác thì sao? "Hingis mới" Benlinda Bencic (1997) được kỳ vọng rất nhiều nhưng đã bị "lão bà” 35 tuổi Venus Williams loại từ vòng ba.

Madison Keys (1995) dù rất cố gắng nhưng vẫn phải dừng bước trước đàn chị đồng hương Serena loại ở vòng bốn. Elina Svitolina (1994) cũng không thể tiến xa như kỳ vọng. Đúng là khôn đâu đến trẻ!

Các danh hiệu của giải

Vô địch đơn nam: Novak Djokovic (Serbia)

Vô địch đơn nữ: Flavia Pennetta (Italia)

Vô địch đôi nam: Nicolas Mahut
                        Pierre-Hugues Herbert (Pháp)

Vô địch đôi nữ: Martina Hingis (Thụy Sĩ)
                      Sania Mirza (Ấn Độ)

Vô địch đôi nam nữ: Martina Hingis (Thụy Sĩ)
                             Leander Paes (Ấn Độ)

Vô địch đơn nam trẻ: Taylor Harry Fritz (Mỹ, 17  tuổi)

Vô địch đơn nữ trẻ: Dalma Galfi (Hungary, 17 tuổi)

Vô địch đôi nam trẻ: Felix Auger-Aliasime
                             Denis Shapovalov (Canada)

Vô địch đôi nữ trẻ: Viktoria Kuzmova
                          Aleksandra Pospelova (Nga)

>Sharapova rút khỏi US Open 2015: Nỗi ám ảnh trở lại

>Roger Federer: Lời cảnh báo cho US Open

>US Open:100 lần chạm ngực!

>"Tiếp đuốc" ở US Open

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
US Open 2015: Chuyện thần tiên ở New York
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO