Đơn giản là vì tiền

PHƯƠNG VY| 17/07/2013 01:14

Báo giới phát sốt vì chuyến du đấu của Arsenal tới Việt Nam, người hâm mộ cũng khấp khởi chờ đợi lần đầu tiên được gặp mặt những thần tượng bằng xương bằng thịt. Còn Pháo thủ, tất nhiên, sẽ bỏ túi một khoản tiền không hề nhỏ.

Đơn giản là vì tiền

Báo giới phát sốt vì chuyến du đấu của Arsenal tới Việt Nam, người hâm mộ cũng khấp khởi chờ đợi lần đầu tiên được gặp mặt những thần tượng bằng xương bằng thịt. Còn Pháo thủ, tất nhiên, sẽ bỏ túi một khoản tiền không hề nhỏ.

Trong điều khoản hợp đồng đã ký kết với Arsenal, có kèm điều khoản không được phép tiết lộ về mức chi phí. Đây là điều tương đối hợp lý bởi Pháo thủ muốn giữ bí mật thông tin để không gây ảnh hưởng đến việc đàm phán với các thị trường khác. Tuy nhiên, theo thông tin rò rỉ từ một số thành viên trong Ban tổ chức, đội bóng thành London sẽ nhận được không dưới 2 triệu bảng, tương đương 60 tỷ đồng, cho chuyến viếng thăm và thi đấu giao hữu với đội tuyển Việt Nam tại sân Mỹ Đình.

Khi Wenger thay đổi

So với các đại gia Premier League, Arsenal là đội bóng tiếp cận thị trường châu Á muộn hơn nhiều. Trước đây, thầy trò Wenger không có thói quen du đấu xa. Trong mùa Hè, họ thường chỉ quanh quẩn giao hữu với các câu lạc bộ ở châu Âu trước khi trở về Anh để chuẩn bị cho mùa giải mới. Wenger cho rằng, việc sa đà vào những chuyến đi xa chỉ khiến các học trò của ông mất sức và hụt hơi ở đầu mùa giải. Nhưng cuối cùng, sức hấp dẫn từ Viễn Đông đã khiến họ phải thay đổi tư duy, dù hơi muộn. Cơ hội quảng bá hình ảnh cũng như kiếm tiền là rõ ràng, nhất là ở những quốc gia vùng trũng thực sự như Việt Nam, Malaysia hay Indonesia.

Mãi đến mùa giải 2011 - 2012, Arsenal mới du đấu mùa Hè tại châu Á, với hai trận giao hữu gặp Malaysia XI và Hàng Châu Greentown. Đầu mùa giải trước, ngoài hai trận gặp Malaysia và Kitchee (Hồng Kông), họ còn đá thêm trận giao hữu với Man City tại sân Tổ Chim (Bắc Kinh). Mùa Hè này, số đối tác châu Á của Arsenal tiếp tục tăng lên và đều rất mới. Đó là Indonesia, Việt Nam, Nagoya Grampus Eight và Urawa Reds. Thật ra trong số này, Việt Nam không hẳn đã là đối tác mới, bởi trong vài năm gần đây, Arsenal đã có mối quan hệ khá mật thiết với ông bầu Đoàn Nguyên Đức, và thậm chí biển quảng cáo của HAGL đã được đặt ở sân Emirates và Học viện Bóng đá HAGL Arsenal JMG là một minh chứng. Tương tự, Wenger nhắm Nagoya Grampus Eight bởi đây chính là đội bóng mà ông từng dẫn dắt trước khi tới Highbury năm 1996.

Nhà nhà du đấu

Theo một thống kê của Daily Mail, trong mùa Hè này, Arsenal đã và đang phải di chuyển gần 2 vạn dặm (chính xác là 19.626 dặm, tức 31.441km). Con số này ở mùa giải trước chỉ là 17.019 dặm. Nhưng thật ra, so với các đại gia Premier League khác, quãng đường di chuyển của Arsenal chẳng là gì. Nên nhớ M.U mới là ông vua về du đấu khi trong một tháng ngắn ngủi, họ đã vượt 24.994 dặm (xấp xỉ 40.000 km) qua Thái Lan, Úc, Nhật Bản, Hồng Kông, Thụy Điển trước khi trở về Anh.

Những đội còn lại là Chelsea (23.465), Man City (22.224)và Liverpool (22.834) đều phải di chuyển nhiều hơn Arsenal. Chelsea không chỉ "càn quét" qua ba nước Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Indonesia) mà còn tấn công cả thị trường Mỹ (Indianapolis, New York, Miami). Man City coi Hồng Kông là điểm đến chiến lược, trong khi Liverpool vẫn tập trung vào thị trường Thái Lan, Indonesia, và ngoài ra còn chuyển hướng sang Úc.

Tại các giải bóng đá khác, thông thường chỉ có một số đội bóng lớn du đấu, đằng này, Premier League thì gần như tất cả. Đến những câu lạc bộ tầm trung như Norwich, Fulham, Stoke... cũng không ngần ngại tới "xâm chiếm" thị trường mới (đối với câu lạc bộ này) như Mỹ để cải thiện thu nhập. Trung bình, mỗi âu lạc bộ này đều phải di chuyển hơn 11.000 dặm trong mùa Hè. Tổng cộng 20 CLB Premier League (thực chất là 19 vì Cardiff chưa ấn định lịch giao hữu) di chuyển khoảng 200.000 dặm (321.968km), gần bằng khoảng cách từ... tâm Trái đất đến Mặt trăng.

Những trận giao hữu ở thế giới thứ ba của bóng đá quả thực chẳng thu được bài học gì nhiều. Chiến thắng 7-0 của Arsenal trước Indonesia là một minh chứng khi đối thủ Đông Nam Á yếu về mọi mặt, từ thể lực cho đến tư duy chiến thuật. Nếu không vì tính chất giao hữu, có khi đội bóng xứ vạn đảo còn thua đến 0-10.

Thực chất, đây cũng chẳng phải đội tuyển Indonesia xịn vì ngoài Boaz Salossa, những người còn lại đều mới toanh, với số lần khoác áo đội tuyển quốc gia đếm trên đầu ngón tay. Đội tuyển Việt Nam, dù quy tụ những cầu thủ tốt nhất, cũng không phải thuốc thử thích hợp đối với thầy trò Wenger.

Những đội bóng châu Âu từng đến Việt Nam
1995: Việt Nam - Estonia1-0
1996: Việt Nam - Juventus 1-2
1998: Việt Nam - Guingamp1-2
2004: Việt Nam - Porto B1-2
2005: Việt Nam - Barcelona B1-0
2007: Việt Nam - Phần Lan 1-2
2009: Việt Nam - Olympiakos 1-0
2012: Eintracht Frankfurt - Việt Nam 2-0
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đơn giản là vì tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO