Chấm dứt biếu không bản quyền truyền hình

PHẠM TẤN| 18/12/2009 09:38

SEA Games vẫn là hội nhưng đã không còn miễn phí. Lần đầu tiên tổ chức tại CHDCND Lào, SEA games 25 được cả khu vực chung tay trong công tác hậu cần...

Chấm dứt biếu không bản quyền truyền hình

SEA Games vẫn là hội nhưng đã không còn miễn phí. Lần đầu tiên tổ chức tại CHDCND Lào, SEA games 25 được cả khu vực chung tay trong công tác hậu cần...

Truyền hình Việt Nam trả 290.000USD để mua quyền phát sóng SEA Games, rồi bán lại cho truyền hình kỹ thuật số VTC 70.000USD. Không chỉ có truyền hình Việt, 12 kênh truyền hình ở 5 quốc gia khác trong khu vực cũng phải bỏ tiền ra mua quyền phát sóng (Lào, Brunei, Myanmar, Thái Lan và Singapore).

Cơ sở vật chất phục vụ SEA Games 25 tại Lào đếu do các nước bạn giúp đỡ

Nếu lấy con số trung bình 200.000USD cho một kênh truyền hình, Ban tổ chức SEA Games đã thu về 2,8 triệu USD. Để phục vụ công việc sản xuất các chương trình truyền hình, có tới 13 “xe màu” (xe sản xuất, phát hình ảnh lên vệ tinh) đến từ Việt Nam, 3 chiếc đến từ Thái Lan và một chiếc đến từ Singapore. Tất thảy đều giúp với tinh thần hỗ trợ bạn là chính. Chủ nhà Lào góp 2 “xe màu”.

Đơn vị duy nhất mà Ban tổ chức SEA Games 25 thỏa thuận hợp tác “ăn chia” sòng phẳng là CAT Telecom Public Company Ltd., (Thái Lan), khi các khoản lợi nhuận sẽ được rạch ròi tỷ lệ 50 - 50.

Người Lào ra luật

Hội nghị Truyền hình SEA Games tổ chức ngay trước thềm khai mạc Đại hội có tới 40 kênh truyền hình từ các quốc gia trong khu vực tham gia. Nhưng không phải quốc gia nào, đài nào cũng sẵn sàng mua bản quyền. Trên thực tế, có 5 quốc gia “không cần” SEA Games, hoặc chỉ cần với điều kiện nó vẫn miễn phí như hồi trước.

Người Malaysia không mua. Họ chấp nhận thực tế là hàng triệu người Malaysia không được xem các vận động viên của họ tranh tài ở đại hội khu vực. Indonesia rồi Philippines cũng có những đại diện ở Hội nghị Truyền hình SEA Games, nhưng giống như Malaysia, họ không chấp nhận sự thay đổi khởi xướng bởi Lào. Cũng dễ hiểu, bởi cái gì trước nay được cho, được phát, được miễn phí, giờ lại trở thành hàng hóa và phải trả tiền mới có quyền sở hữu, thì rất dễ gây nên những phản ứng.

Malaysia đã đấu tranh dữ dội khi Ban tổ chức SEA Games đặt lên bàn con số tròn trịa 1 triệu Ringit (gần 300.000USD) để đổi lấy quyền truyền hình. Họ bảo, một xu cũng không trả, vì xưa nay SEA Games luôn miễn phí. Các khách hàng khác cũng lên tiếng, chỉ ra một khía cạnh, rằng bản chất SEA Games là ngày hội thể hiện tình đoàn kết giữa các quốc gia trong khu vực, chứ không giống như những đại hội thể thao tầm cỡ khác là để kinh doanh.

Nhưng người Lào không làm trái luật. Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á cho phép, Chính phủ Lào bật đèn xanh. Và hầu hết các Ủy ban Olympic của 11 quốc gia trong khu vực cũng tán đồng. Điểm mấu chốt là nước chủ nhà Lào cho thấy, họ cũng rất vì phong trào của thể thao khu vực: quyết định 25% của mỗi thương vụ được chia cho Ủy ban Olympic của mỗi quốc gia. Như con số 290.000USD các đài truyền hình Việt Nam bỏ ra, 25% của nó lại chảy ngược lại Việt Nam và vào ngân sách của Ủy ban Olympic.

Có lẽ, SEA Games là một trong những đại hội thể thao cuối cùng trên thế giới chấm dứt tình trạng cho không, biếu không quyền truyền hình. Vì với Olympic hay các đại hội thể thao tầm châu lục, bản quyền truyền hình đã trở thành nguồn thu chính (bên cạnh quảng cáo) để bù đắp chi phí tổ chức.

Có lãi?

Có khá nhiều thành phố sau khi đăng cai các đại hội thể thao đã kiệt quệ vì gánh nặng kinh tế, những khoản vay và khoản thu đã không bù nổi chi. SEA Games xưa nay lại càng không có lãi. Nhưng cũng có thừa những đại hội đã trở thành một cơ hội kinh doanh và người dân ở đó đã phát tài. Vậy khi tổ chức SEA Games 25, người Lào có lãi về kinh tế?

Chi phí tổ chức SEA Games ở Lào khoảng 100 triệu USD, theo tiết lộ của Phó thủ tướng Somsavat Lengsavad. Đó là một khoản tiền rất lớn so với các kỳ đại hội gần đây. Các công trình cơ sở vật chất ngốn một số tiền khá lớn trong cả gói 100 triệu USD, như Làng Vận động viên lên tới 19 triệu USD, Sân vận động Quốc gia cũng có giá hàng triệu USD. Nhưng Lào có một may mắn khi ở vị thế của một quốc gia mà bất cứ người hàng xóm gần hay xa nào cũng muốn giúp. Làng vận động viên là do Việt Nam xây, sân vận động là do Trung Quốc xây. Thái Lan cũng có một gói chi phí giúp đỡ trị giá 2,9 triệu USD. Singapore cung cấp đội ngũ kỹ thuật, chuyên gia. Ngay cả Nhật Bản cũng góp 100.000USD để xây một trung tâm tập luyện Karatedo.

Ban tổ chức SEA Games sơ tính, chủ nhà chỉ phải chi khoảng 15 triệu USD, bởi các quốc gia khác đã hỗ trợ, viện trợ cho Lào tới 85 triệu USD. Du khách vẫn đang đổ về Vientiane từng ngày, họ là người Việt qua ngả đường biên giới ở miền Trung, là người Thái qua tỉnh Udo Thani, là người Myanmar qua tỉnh vùng biên Tachilek... Đó sẽ là một nguồn thu khác mà ngành du lịch, dịch vụ của đất nước Triệu Voi được hưởng lợi rất lớn (giá cả nhích lên, đôi chỗ, đôi ba loại dịch vụ gấp rưỡi, gấp đôi, nhưng vẫn “cháy”).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chấm dứt biếu không bản quyền truyền hình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO