Nhìn trung và dài hạn, chính sách tài chính, tài khóa được quan tâm như những yếu tố duy trì tăng trưởng bền vững. Chạy theo phục hồi ngắn hạn hay tập trung trăng sức cạnh tranh của nền kinh tế!
Ông Nguyễn Đình Tùng; "Sang năm, các NH nhỏ lẻ, yếu kém có thể bị sáp nhập và sự sáp nhập này có nhiều lợi ích". |
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Phó tổng giám đốc NH Hàng Hải (Maritime Bank), hiện nay, kinh tế VN đang hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm tới 150% GDP. Do đó, khó khăn trong năm 2009 của nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự hồi phục của nền kinh tế thế giới. Chính sách tiền tệ vẫn là công cụ mũi nhọn để thực hiện các mục tiêu kinh tế.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Minh, xét về nội dung, gói kích cầu thứ hai trong năm 2010 sẽ có những điểm khác biệt. Thứ nhất, sẽ gắn chặt với chương trình tái cơ cấu nền kinh tế trong trung và dài hạn để tạo dựng nền tảng giúp cho kinh tế quay về mức tăng trưởng tiềm năng. Thứ hai, sẽ đặt trọng tâm vào các khu vực dễ tổn thương hơn và tái cơ cấu nhanh chóng hơn của nền kinh tế như khu vực DN nhỏ và vừa và kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Do đó, hỗ trợ lãi suất cho vốn vay trung và dài hạn sẽ có thể được chú trọng đẩy mạnh hơn. Thứ ba, về hình thức vẫn sẽ tiếp tục cả kích thích về tài khóa (thuế và chi đầu tư) và tiền tệ (bù lãi suất)...
Ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng, lãi suất cho vay cao khiến càng ít DN vay vốn, làm cản trở kinh doanh của NH. Do lãi suất cao nên khả năng hoàn trả nợ giảm sút, việc thu hồi nợ khó khăn hơn, các khoản nợ xấu gia tăng, làm tăng khả năng rủi ro của các NH. Các NH trở nên dè dặt trong việc cho vay vốn, tiền không được mang ra lưu thông, trở thành những khoản tiền vô ích, làm tăng chi phí cho NH.
Động thái đầu tiên mà NH sẽ làm là giảm lãi suất cho vay, nới lỏng tiền tệ. Với động thái này, các DN sẽ dễ dàng tiếp cận vốn vay, nhưng bên cạnh đó, các khoản vay sẽ được giám sát kỹ hơn. Sang năm, các NH nhỏ lẻ, yếu kém có thể bị sáp nhập. Sự sáp nhập này có nhiều lợi ích: Củng cố hệ thống NH trong nước; quản lý vĩ mô của Chính phủ qua các NH sẽ dễ dàng hơn; tạo sức mạnh mới cho các NH sáp nhập, mở rộng về quy mô và tầm hoạt động. Các NH sẽ không dễ dãi cho vay, mà sẽ suy xét cẩn thận hơn. Chính điều này sẽ làm các NH thêm vững, đầu tư sẽ không dàn trải, do đó khả năng lợi nhuận cũng khả quan, tránh những rủi ro không cần thiết.
Ảnh Quý Hòa |
Theo ông Tùng, thị trường tài chính thế giới ổn định hơn sẽ có tác động tích cực đối với thị trường chứng khoán và hoạt động đầu tư, huy động vốn quốc tế của VN. Trước mắt, cần tận dụng hết cơ hội khi thị trường hồi phục, sau đó cần sớm và chủ động hội nhập tài chính quốc tế, nhưng cũng cần cảnh giác hơn trước rủi ro hệ thống trong nền tài chính toàn cầu, trong đó có bong bóng tài sản tài chính và nợ xấu từ các gói chính sách kích thích tăng trưởng quá mức.
Hiện chưa rõ gói kích cầu thứ hai sẽ dựa chủ yếu trên chính sách nào, nhưng các bước đi cụ thể với sự thận trọng là rất cần thiết, bởi nguy cơ lạm phát luôn hiện hữu. Chính sách tài khóa mở rộng nên đi kèm với chính sách tiền tệ thận trọng, chỉ ưu đãi có chọn lọc về tín dụng, sử dụng linh hoạt và có hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ theo nguyên tắc thị trường để ngăn ngừa tái lạm phát. Gói kích cầu thứ hai nên đặt trọng tâm vào chính sách tài khóa (bao gồm thuế, chi tiêu chính phủ) và cải cách hành chính.
Theo nhiều chuyên gia, xét về góc độ tăng trưởng tiền tệ, tín dụng, nên bù lãi suất một cách chọn lọc hơn với trọng tâm là khu vực DN nhỏ và vừa. Quá trình giải ngân cũng cần được kiểm soát chặt chẽ hơn. Trọng tâm tín dụng trung dài hạn của gói kích cầu thứ hai cũng sẽ khiến tăng trưởng tín dụng khó có thể đẩy cao, do sự thận trọng của các NH trong thẩm định tín dụng trung dài hạn.