Thời sự

Tăng, giảm giá điện 3 tháng/lần: EVN khó điều chỉnh giá bán điện theo hướng tăng

Tâm An 30/3/2024 8:00

Từ ngày 15/5, Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân của Chính phủ sẽ có hiệu lực.

Quyết định này thay thế Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, thời gian điều chỉnh giá điện được rút ngắn từ 6 xuống 3 tháng. Tức là, mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi giá.

Theo đó, giá bán điện bình quân được cập nhật hàng quý theo chi phí phát điện. Khi chi phí này giảm từ 1% trở lên so với hiện hành, giá điện sẽ giảm tương ứng. Giá bán lẻ tới người tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ tăng khi chi phí sản xuất biến động 3% trở lên.

Theo ông Nguyễn Sơn Tùng- Chủ tịch Công ty Luật Legal United Law , việc rút ngắn chu kỳ và thời gian trong điều chỉnh giá này nhằm làm tăng tính linh hoạt trong điều chỉnh giá bán lẻ của mặt hàng này, góp phần đưa giá điện thích ứng với sự biến động hay thay đổi của các thông số đầu vào, đầu ra của thị trường ngành điện.

giadien2.jpg
Trường hợp giá bán điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng (Ảnh minh họa, nguồn: internet).

Đồng thời, việc điều chỉnh chu kỳ bán lẻ này còn 3 tháng, sẽ giúp cho việc điều tiết tình hình kinh tế vi mô theo hướng linh hoạt, tăng tính thích ứng cao hơn và sát với diễn biến của thị trường hơn vì mặt hàng điện đương nhiên luôn gắn liền với sự điều tiết tình hình kinh tế vĩ mô và vi mô của Chính phủ ở từng giai đoạn.

“Đây đơn giản là việc làm mang tính kỹ thuật trong quản lý về giá của mặt hàng kinh doanh vốn nhiều nhạy cảm này hơn là các toán tính của EVN trong việc làm tăng giá điện. Việc điều chỉnh trong từng chu kỳ này sẽ có tăng hoặc giảm chứ không chỉ tăng như tâm lý nhiều người thường nghĩ', ông Tùng nhấn mạnh.

Cụ thể, khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng, và khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.

Ông Tùng cho biết thêm, để giám sát kiểm tra quản lý EVN, Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra rất sát chi phí sản xuất kinh doanh điện, với sự tham gia của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI), các cơ quan Nhà nước và các hiệp hội. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Công thương yêu cầu EVN thuê tư vấn độc lập để thẩm tra báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN và các đơn vị thành viên.

"Do đó, khả năng EVN thiếu minh bạch là rất khó, thậm chí việc thường xuyên điều chỉnh giá bán lẻ bình quân theo hướng điều chỉnh tăng cũng sẽ khó xảy ra. Ngoại trừ việc điều chỉnh tăng này là tuân thủ đúng quy luật thị trường trong sản xuất và cung ứng hàng hóa”, ông Tùng nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng, giảm giá điện 3 tháng/lần: EVN khó điều chỉnh giá bán điện theo hướng tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO