Tám Sài Gòn 72

TÁM SÀI GÒN| 18/11/2012 05:29

Trong xã hội ta hiện nay, lương được xem là hàn thử biểu đánh giá độ “hot” của mỗi ngành. Chỉ có nghề giáo là dường như “đừng ngoài cuộc”.

Tám Sài Gòn 72

Trong xã hội ta hiện nay, lương được xem là hàn thử biểu đánh giá độ “hot” của mỗi ngành. Chỉ có nghề giáo là dường như “đừng ngoài cuộc”. Giáo dục không được may mắn sử dụng hàn thử biểu ấy vì quan niệm đây là nghề thanh cao, cần tâm huyết.

Giáo viên thường hay ngại nói nhiều về lương, bởi đặc thù nghề nghiệp, bởi đặc thù… hoàn cảnh của giáo dục. Với một ngành “phi thương” (ắt phải “bất phú”) nhưng lại nắm vai trò đào tạo những “phôi” tri thức cho mọi lĩnh vực, thì quả thật việc phải nói đến lương càng cần tế nhị.

Hễ cứ định lên tiếng về giá cả, tiền nong, nhà giáo lại bị “mắc quai” bởi chữ “thầy”. Một môi trường thanh sạch phi thị trường toàn chữ nghĩa thì đâu có chỗ cho tri thức về… tiền.

Nhưng, lặng lẽ để ý sẽ thấy, từ những nét chữ phải uốn cho học sinh, đến dáng ngồi, lời thưa gửi, đến cao hơn là câu văn, con toán, và bao nhiêu việc không tên khác đều khiến người giáo viên phải đầu tư thời gian cả trên lớp lẫn khi về nhà.

Có anh bạn từ giáo viên chuyển sang làm nghề khác bỗng thấy nhàn hạ và thảnh thơi trồng hoa, chơi chim nuôi cá cảnh. Anh bảo chơi ngần ấy thứ cũng chả bận bằng ngày xưa đi dạy - ngồi lỳ cả ngày soạn bài, chấm bài.

Thế mới biết “công phu” mà thầy cô đầu tư cho mấy cậu học trò ra đời còn ngờ nghệch kia còn nhiều hơn người ta đầu tư cho những “nghề chơi” mà thiên hạ vẫn đồn thổi. Công phu là thế, nhưng giáo dục vẫn là nghề “được” xã hội soi xét kỹ lưỡng nhất, qua các nhân viên mới - chính là những học trò, sinh viên vừa rời ghế nhà trường.

Sự đánh giá ấy đa phần là chính xác, là một sự phản tỉnh đáng quý với những người đứng trên bục giảng. Nhưng trước khi đưa ra kết luận, đánh giá, ít ai xem xét đến “hoàn cảnh” của giáo dục hiện nay, khi những người thầy hằng ngày đang phải ngồi trên chiếc ghế rất “nóng”.

Nóng vì trăm thứ lai căng, tinh quái xâm nhậm vào mái trường mà thầy cô với những phương thức giáo dục xưa cũ khó lòng ngăn chặn. Tuy nhiên, sức “nóng” ấy còn vì một nguyên nhân cơ bản hơn: Lấy gì trang trải cuộc sống để giữ cái tâm tĩnh tại mà làm nghề.

Ngồi nhẩm tính cách dạy cho học sinh giải một bài toán, cảm một câu thơ mà trong đầu chưa tính đâu ra tiền điện, tiền nước, tiền gas, tiền con đóng học… thì sao có thể không phân tâm cho được. Chưa kể đến chuyện muốn mua một quyển sách để nâng cao tri thức, một bộ quần áo mới để lịch lãm hơn trong mắt học trò…

Nói đi nói lại cũng là người làm nghề giáo đang bị phân tâm vì lương nhất và do vậy cũng đang cần lương nhất. Họ cần được bao cấp để giữ cho môi trường giáo dục thanh sạch, để không phải nghĩ đến dạy thêm, đến phong bì.

Họ cần lương đủ sống để yên tĩnh đầu tư cho trang giáo án. Họ cần lương để nâng cao tri thức. Và ngành giáo dục cần lương để những em học sinh giỏi khi chọn trường đại học, cao đẳng sẽ không sợ phận nghèo mà quay lưng lại với nghề giáo.

Giáo dục là nghề “máy cái”, nghề tạo “phôi” tri thức cho các nghề khác. Giáo dục là nghề làm ra những sản phẩm miễn phí nhưng không rẻ rúng, là con người. Bởi thế, với các thầy cô, lương là chuyện đáng bàn lắm chứ.

Tám Sài Gòn cảm vậy. Bạn nghĩ sao?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tám Sài Gòn 72
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO