Sự nguy hiểm của các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng CDS

GIA LÊ| 24/04/2018 09:22

CDS (Credit Default Swap) là hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng - một công cụ phái sinh cung cấp cho người mua được bảo hiểm khả năng vỡ nợ của những tài sản cơ sở mà người mua đầu tư.

Sự nguy hiểm của các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng CDS

Nói một cách đơn giản, khi một tổ chức hay cá nhân mua trái phiếu do chính phủ hay doanh nghiệp phát hành và lo ngại chính phủ hay doanh nghiệp ấy phá sản, không thanh toán được nợ vay, thì có thể mua hợp đồng CDS để chuyển rủi ro vỡ nợ sang người bán, đồng thời trả cho người bán một khoản phí (gọi là CDS spread) được tính theo điểm cơ bản (tỷ lệ %) hằng năm trên mỗi đơn vị mệnh giá của hợp đồng.

Về cơ bản, thị trường giao dịch CDS dựa trên những gói quy chuẩn là 10 triệu USD cho một hợp đồng. Phí CDS được chia theo các chuẩn một năm, 2 năm, 5 năm và 10 năm, tương ứng với mỗi mức thời hạn sẽ có  mức phí bảo hiểm khác nhau và phổ biến nhất là phí CDS cho 5 năm. Phí CDS sẽ tăng khi uy tín trả nợ giảm và giảm xuống khi uy tín trả nợ tăng.

Một cách cơ bản nhất để đánh giá uy tín trả nợ là dựa vào định mức xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức lớn như Mooodys. S&P và Fitch. Nếu khoản vay hay trái phiếu bị xếp hạng quá thấp thì bên bán CDS phải đặt trước một khoản tiền thế chấp.

Link bài viết

CDS do Blythe Sally Jess Masters - một nhà kinh tế học và là chuyên gia giao dịch hàng hóa của Ngân hàng JP Morgan phát minh năm 1997. Ban đầu CDS thuần túy là hợp đồng bảo hiểm những tài sản mang tính rủi ro, tuy nhiên đặc điểm của CDS là không bị bất kỳ cơ quan chức năng nào quản lý nên ai cũng có thể bán sản phẩm này.

Thêm vào đó, ai cũng có thể mua CDS mà không cần thiết phải sở hữu tài sản cần bảo hiểm, điều này giúp cho các bên tham gia thị trường CDS có thể vay lên đến vô hạn và vì vậy CDS trở thành một trong những công cụ phái sinh đầu cơ nguy hiểm nhất và có khả năng tàn phá các chính phủ vay nợ nhiều với tín nhiệm thấp.

Một nhà đầu tư khi mua trái phiếu của chính phủ hay doanh nghiệp phát hành thường sẽ mua kèm hợp đồng CDS để ngăn ngừa rủi ro khi chính phủ hay doanh nghiệp đó mất khả năng thanh toán. Do đó, lợi suất mà nhà đầu tư yêu cầu sẽ bằng lợi suất mong muốn cộng thêm tỷ lệ phí phải đóng cho người bán CDS. Vì vậy, CDS càng cao thì chính phủ hay doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu thành công buộc phải đẩy lãi suất trái phiếu lên cao hơn, ít nhất phải bằng với lãi suất mong muốn của nhà đầu tư cộng với tỷ lệ % phí CDS.

Tuy nhiên, khi một chính phủ hay doanh nghiệp bị hạ xếp hạng tín nhiệm và bị đánh giá rủi ro tăng cao, giới đầu cơ cũng có thể tham gia mua CDS mặc dù không thật sự nắm giữ trái phiếu những tổ chức này phát hành. Với nhu cầu mua CDS tăng cao sẽ đẩy tỷ lệ phí tăng cao, đến lượt CDS buộc các tổ chức muốn vay nợ thêm phải tăng lãi suất. Khi lãi suất trái phiếu tiếp tục tăng, khả năng trả nợ sẽ khó khăn hơn càng khiến giới đầu cơ tin rằng chính phủ sẽ sớm vỡ nợ và lại càng tăng mua CDS.

Vòng xoáy đó cứ lặp lại và nếu không sớm có biện pháp phù hợp để can thiệp thì tất yếu chính phủ sẽ vỡ nợ, mặc dù ban đầu khả năng vỡ nợ là không cao. Có thể nói các hợp đồng CDS mà giới đầu cơ mua ồ ạt đã góp phần đẩy chính phủ hay doanh nghiệp chìm trong nợ nần.

Như trường hợp của Hy Lạp vào giai đoạn 2010 - 2012, thời điểm nước này rơi vào khủng hoảng nợ và xếp hạng tín nhiệm liên tiếp bị hạ thấp, giới đầu cơ đã cược rằng Hy Lạp sẽ vỡ nợ nên ồ ạt mua các hợp đồng CDS. Với giá CDS bị đẩy lên cao khiến lãi suất trái phiếu nước này phát hành cũng phải tăng cao tương ứng, và mức cao nhất là khi vay nợ, Chính phủ Hy Lạp phải trả lãi đến 48,6% với trái phiếu kỳ hạn 10 năm vào tháng 3/2012 - đỉnh điểm trong giai đoạn rủi ro vỡ nợ của nước này lên mức cao nhất.

Sau đó Chính phủ Hy Lạp buộc phải thắt lưng buộc bụng, điều đình gia hạn các khoản vay nợ nước ngoài, nhận vốn hỗ trợ có điều kiện từ IMF thì tình hình mới ổn định trở lại.

Gần đây, lãi suất trái phiếu 10 năm của Hy Lạp chỉ xoay quanh 4%. Và với định mức xếp hạng tín nhiệm gần nhất ở mức B theo Fitch và S&P, mức B3 theo Moodys thì phí CDS 5 năm của Hy Lạp hiện ở mức 327,4 điểm cơ bản, tức hơn 3,27%.

CDS của Việt Nam cập nhật đến 12/4 là 133,4 điểm cơ bản. Nếu so với mức 393,18 điểm cơ bản hồi năm 2012 - mức cao thứ 17 trên thế giới vào lúc đó, thì có thể thấy trong 6 năm qua, mức phí CDS của Việt Nam đã giảm đáng kể. Điều này đã phần nào giúp cho lãi suất trái phiếu chính phủ của Việt Nam từ mức trên 12% hiện chỉ còn 3 - 4%, nhưng các nhà đầu tư tổ chức vẫn chấp nhận mua.

Tuy nhiên, CDS của Việt Nam gần đây có dấu hiệu tăng trở lại, so với cách nay một tháng đã tăng thêm 7,9 điểm cơ bản, trong khi định mức tín nhiệm của Việt Nam vẫn nằm tại mức BB - theo xếp hạng của Fitch và S&P, và ở mức B1 theo xếp hạng của Mooodys. Việc CDS tăng, thông thường giới đầu tư đánh giá rủi ro của khoản nợ tăng lên nếu nợ nước ngoài ngày càng tăng, thâm hụt ngân sách không được cải thiện. Nếu CDS tiếp tục tăng thì việc phát hành trái phiếu của Việt Nam có thể gặp khó khăn hơn. Ngày 12/4 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức tọa đàm lấy ý kiến về đề xuất phát hành trái phiếu quốc tế gắn với tiền đồng trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sự nguy hiểm của các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng CDS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO