Bảo lưu cũng như gìn giữ không gian văn hóa có nhiều phương thức, nhiều cách làm. Trong đó, gìn giữ những không gian kiến trúc, bản sắc kiến trúc bản địa là việc thiết yếu.
Đẹp cùng tâm thức
Quy luật của phát triển là cái mới sinh ra để thay thế cái cũ, để cái lạ thành quen. Và nhìn lại sự phát triển trong kiến trúc hôm nay, dễ dàng nhận thấy cái mới được sinh ra chưa kịp tiêu hóa thì đã nhanh chóng đi vào quá khứ để nhường chỗ cho những cái mới khác.
Ví như phong cách Minimalism (tối giản) được du nhập vào Việt Nam cách đây hơn mười năm, từng được sinh viên kiến trúc cũng như kiến trúc sư đón nhận một cách nồng nhiệt và áp dụng vào hầu hết các đồ án, bản vẽ của mình, tạo nên một trào lưu và cũng sớm thoái trào khi chưa thực sự nắm bắt được cũng như chưa đủ nội lực để thể hiện cái chất “thiền” của thể loại này.
Phong cách tối giản chưa kịp định hình thì một loạt phong cách khác được du nhập và đón nhận một cách vô thức và nồng nhiệt thái quá, như: maximalism, S-Korea, Trung Quốc hiện đại, châu Âu cổ điển...
Đam mê chạy theo cái mới, cái lạ, mong muốn hội nhập với nền kiến trúc thế giới, đuổi kịp xu hướng hiện đại mà quên nhìn và tìm lại cái hay, cái đẹp của dân tộc mình thì ít nhiều đánh mất chính mình.
GS-TS-KTS. Hoàng Đạo Kính chia sẻ: “Sự tiếp nhận, chuyển hóa và “ta hóa" những cái mới lạ, tân tiến chính là bản chất của quá trình hiện đại hóa không gian và chất lượng cuộc sống. Hiện đại hóa môi trường ăn, ở cũng đặt ra vô số điều để ta cân nhắc, bởi cái tâm thức nghìn năm vẫn hiển hiện trong mỗi người. Và ngược lại, đắm đuối trong cái mới, chúng ta sẽ dễ đánh mất mình”.
“Ta hóa" không gian kiến trúc, nghe tưởng chừng như dễ dàng nhưng thực sự là vô cùng khó khăn. Khó bởi chúng ta lấy cái của người khác áp dụng và biến chuyển một cách khéo léo, uyển chuyển vào cái của mình, hay nói đơn giản đó chính là việc biến cái của người khác thành cái của mình, tiếp thu văn hóa, tiến bộ của người khác làm phong phú cho cái vốn sẵn có của mình.
Việc “ta hóa" không gian kiến trúc, hình thức đô thị không chỉ là trang trí một vài biểu tượng, hình ảnh như rồng thời Lý, thời Nguyễn hay bông sen, chữ thọ, chữ phúc theo lối cách điệu, hay các Hán tự theo lối chữ triện... vào các công trình hiện đại như bấy lâu nay chúng ta vẫn làm, mà đòi hỏi phải thấu hiểu và ngấm vào mình phong thái, bản chất của mỗi trường phái được tiếp nhận.
Tòa nhà Bitexco được xây dựng như một biểu tượng của thành phố với hình tượng một đóa sen, nhưng mấy ai cảm nhận được đó là một đóa sen in đậm trong tâm hồn người Việt.
Trong kiến trúc, việc biểu tượng hóa một hình ảnh không nhất thiết đòi hỏi phải giống đến 100%, nhưng ít ra nhìn vào người ta có thể liên tưởng, chứ không nên để khi đọc được tên công trình là “Lotus” lại liên tưởng đến một... trái bắp.
Trả lại những "gạch nối"
Xét cho cùng, không gian sống của người Việt ngàn đời vẫn là không gian của nền văn minh lúa nước, của văn hóa làng xã, kết nối cộng đồng. Sự liên kết chặt chẽ của những người dân cùng sống trong một đơn vị ở chính là cái tưởng như bình thường mà lại nổi bật nhất trong hệ văn hóa Việt. Ví như ta đâu có quy hoạch xóm, mà sớm muộn gì thì cộng đồng dân cư cũng hình thành xóm dân cư - một cấu trúc phi hành chính.
Nhìn vào các đô thị được quy hoạch một cách chỉn chu, sạch sẽ, không thiếu tiện nghi và có thừa đẳng cấp của lối sống hiện đại ngày nay, chúng ta vẫn thấy thiếu một điều gì đó vô hình, vô tướng nhưng làm cho mỗi người tìm kiếm quay quắt, đó chính là một không gian sinh hoạt văn hóa của người Việt.
Làm cho mỗi con người sống trong cái không gian lạnh lùng ấy ngày một xa cách rồi mất hút khỏi nhau, và mặc dù đang sống trên chính quê hương mình nhưng lúc nào cũng có cảm giác lưu vong thì trách nhiệm thuộc về ai? Nhà quy hoạch, kiến trúc sư, hay chính mỗi người đang cư ngụ trong không gian ấy?
Trả lại không gian văn hóa Việt, hay chính xác hơn là gạch một gạch nối giữa cũ - mới, xưa - nay, quá khứ - hiện tại, truyền thống - hiện đại nên chăng là việc làm cấp thiết, cấp bách của mỗi người làm quy hoạch, mỗi kiến trúc sư.
Vì thiết lập lại cấu trúc cộng đồng, không gian sinh hoạt chung là thiết lập lại và tiếp thêm sức sống cho văn hóa, làm động lực cho sự phát triển bền vững của dân tộc, của đất nước.