Phóng xạ phát hiện trong không khí tại Việt Nam có nguy hiểm?

29/03/2011 02:43

Trạm quan trắc của viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) đã phát hiện vị phóng xạ I-131 trong không khí, PGS.TS Nguyễn Nhị Điền, viện trưởng viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, cho biết: hàm lượng đồng vị này chưa ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Phóng xạ phát hiện trong không khí tại Việt Nam có nguy hiểm?

Trạm quan trắc của viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) đã phát hiện vị phóng xạ I-131 trong không khí, PGS.TS Nguyễn Nhị Điền, viện trưởng viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, cho biết: hàm lượng đồng vị này chưa ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

PGS.TS Nguyễn Nhị Điền, viện trưởng viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt.

Sau khi có tin phát hiện đồng vị phóng xạ I-131 trong không khí, nhiều người dân bày tỏ sự lo lắng về khả năng có thể mây và bụi phóng xạ từ Nhật Bản đã đến nước ta. Về khả năng này, PGS.TS Nguyễn Nhị Điền khẳng định: theo hướng gió, đám mây phóng xạ từ Nhật từ Philippines có thể sẽ tạt vào phía Nam nước ta trước, trong khi đồng vị I-131 lại vừa được phát hiện tại Hà Nội. 

PGS.TS Nguyễn Nhị Điền giải thích, I-131 thực chất là một iốt phóng xạ. Khi con người hít vào với hàm lượng cao sẽ gây ra một số bệnh liên quan đến tuyến giáp, nặng thì gây ra ung thư. Trường hợp mắc những bệnh hiểm nghèo này chỉ có thể xảy ra với những trường hợp tiếp xúc rất gần nhà máy điện Fukushima 1 ở Nhật Bản. Còn nếu ở mức thấp, iốt này không gây ra tác hại. Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt hiện vẫn sản xuất I-131 cho các bệnh viện chữa trị những bệnh liên quan đến tuyến giáp.

Trước thông tin cho rằng bình thường đã từng tồn tại I-131 trong không khí, PGS.TS Nguyễn Nhị Điền khẳng định hoàn toàn không có chuyện đó. Vì I-131 chỉ tồn tại trong thời gian ngắn rồi bị chôn lấp đi khi được nhập từ nước ngoài về hoặc viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt sản xuất phục vụ mục đích chữa bệnh.

Nhật Bản đang nỗ lực khắc phục hậu quả của rò rỉ phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Về kết quả đo từ trạm quan trắc của viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam), PGS.TS Điền cho rằng cần phải có thời gian theo dõi mới có kết luận chính thức về nguồn gốc xuất hiện của đồng vị phóng xạ này. “Tuy nhiên, có thể đó là do một cơ sở y dược gần đó đã dùng chất này để chữa bệnh”, ông Điền nói. 

Ông cũng loại bỏ ý kiến cho rằng nguồn phóng xạ này có từ những người Việt Nam vừa từ Nhật Bản trở về, vì nếu có, phóng xạ đã được phát hiện ngay khi họ được kiểm tra từ lúc mới về nước.

Ngoài ra, kết quả kiểm xạ môi trường tại Trạm quan trắc Đà Lạt tính đến chiều 28/3 cũng chưa phát hiện ra phóng xạ bất thường trong không khí. Cụ thể trong bụi khí chỉ quan trắc thấy các đồng vị phóng xạ tự nhiên là: Be-7 có nguồn gốc từ tia vũ trụ; K-40, Th-232 và U-238 có nguồn gốc từ bụi đất.

Trong khi đó, theo thông tin từ cục An toàn bức xạ và hạt nhân (bộ KH&CN), tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6866:2001 quy định giới hạn liều đối với công chúng do ảnh hưởng của một cơ sở bức xạ hoặc cơ sở hạt nhân trong điều kiện hoạt động bình thường là 1 mSv/năm lấy trung bình trong 5 năm liên tục, trong 1 năm đơn lẻ không vượt quá 5 mSv.

Tính toán nồng độ chất phóng xạ I-131 và Cs-137 trong không khí tương ứng với mức liều giới hạn trên được cho trong bảng sau:

Đồng vị

Liều giới hạn(mSv/năm)

Nồng độ phóng xạ trong không khí (Bq/m3)

I-131

1

10

Cs-137

1

2

Kết quả đo nồng độ chất phóng xạ I-131 trong không khí của Trạm quan trắc mẫu sol khí tại viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân công bố ngày 28./3/2011 là 24,2 x 10-6 Bq/m3. Như vậy mức nồng độ này nhỏ hơn khoảng 500 ngàn lần so với giá trị giới hạn quy định trong TCVN 6866:2001 và không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Các trạm quan trắc của Bộ KH& CN vẫn đang tiếp tục theo dõi diễn biến mức phóng xạ trong không khí.

Nồng độ chất phóng xạ I-131nhỏ hơn hàng trăm ngàn lần giới hạn quy định

Tổ công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 của bộ Khoa học và công nghệ chiều tối 29/3 cho biết, các trạm quan trắc phóng xạ môi trường do Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân ngày 29/3 đã phát hiện được một số đồng vị nhân tạo trong không khí. Theo đó, ngoài các đồng vị phóng xạ tự nhiên là: Be-7 có nguồn gốc từ tia vũ trụ; K-40; Th-232 và U-238 có nguồn gốc từ bụi đất; còn ghi nhận được đồng vị phóng xạ nhân tạo là I-131 với chu kỳ bán rã 8,02 ngày...

Căn cứ Tiêu chuẩn TCVN 6866:2001, các kết quả đo nồng độ chất phóng xạ I-131 trong không khí các ngày 28 và 29/3 của Trạm quan trắc mẫu sol khí tại viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân và viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đều nhỏ hơn hàng trăm ngàn lần so với giá trị giới hạn quy định và không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.

Theo tiến sĩ Ngô Đặng Nhân, cục trưởng cục An toàn bức xạ và hạt nhân (bộ Khoa học & công nghệ), hàm lượng chất phóng xạ các trạm quan trắc phát hiện được là rất nhỏ, chưa gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Ngoài ra, ông Nhân cũng cho rằng chưa thể khẳng định chất phóng xạ I-131 trên có nguồn gốc từ Nhật Bản.

Dựa trên hình ảnh mô phỏng hướng di chuyển của đám mây phóng xạ từ nhà máy Fukushima 1 thì trên vùng biển Thái Bình Dương, khối mây này đang di chuyển sâu xuống phía nam, tiến về Mỹ, Canada. Trên vùng biển Đại Tây Dương, khối mây đang tiến về phía Đông Âu. Các trạm quan trắc của tổ chức Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBTO) đặt tại Na Uy, Nga, Canada, Iceland…đều đã phát hiện thấy chất phóng xạ.

Tại Đông Nam Á, trạm quan trắc đặt tại Philippines cũng đã ghi nhận được sự có mặt của chất phóng xạ. Khối mây vẫn di chuyển theo hướng tiến về Indonesia và Malaysia, chưa vào lãnh thổ Việt Nam nhưng có xu hướng tiến gần nước ta theo hướng gió đông nam. Tới hết ngày 29/3, nhiều khả năng khối mây trên sẽ tiến sát đảo Hải Nam (Trung Quốc) và phía nam mũi Cà Mau, đảo Phú Quốc.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phóng xạ phát hiện trong không khí tại Việt Nam có nguy hiểm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO