Ngày Tim mạch thế giới (27/9)

Tổng hợp| 28/09/2009 08:34

Bệnh tim mạch là bệnh gây tử vong nhiều nhất trên thế giới, cướp đi sinh mạng của 17,5 triệu người mỗi năm.

Ngày Tim mạch thế giới (27/9)

Bệnh tim mạch là bệnh gây tử vong nhiều nhất trên thế giới, cướp đi sinh mạng của 17,5 triệu người mỗi năm. Các yếu tố nguy cơ của bệnh tim và đột quỵ bao gồm tăng huyết áp, cholesterol và đường huyết cao, hút thuốc lá, ăn ít rau và hoa quả, thừa cân, béo phì và ít hoạt động thể lực.

Là đối tác của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên đoàn Tim Thế giới tổ chức các sự kiện nâng cao nhận thức ở hơn 100 quốc gia - bao gồm khám sức khỏe, các buổi đi bộ, chạy và tập thể dục, những bài nói chuyện trước công chúng, các diễn đàn khoa học, triển lãm, hòa nhạc, ngày hội và thi đấu thể thao.

Nhiều doanh nghiệp trên toàn thế giới, cũng như những tổ chức hàng đầu như WHO và Diễn đàn Kinh tế thế giới đã thừa nhận tầm quan trọng của sức khỏe người lao động để đạt được những mục tiêu cốt lõi của doanh nghiệp. Nhiều tổ chức và doanh nghiệp đã cam kết đưa việc tăng cường sức khỏe vào chương trình nghị sự.

Phần lớn những tập đoàn lớn ở các nước phát triển đã đưa ra các chương trình sức khỏe nơi làm việc.

Nhu cầu mở rộng những lợi ích này cho toàn bộ người lao động thuộc mọi ngành nghề và ở mọi vùng trên thế giới là rất bức thiết. Đặc biệt, người lao động ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, nơi hiện chiếm hơn 80% số trường hợp tử vong do bệnh tim mạch, có thể được lợi rất lớn từ việc bổ sung các chương trình này.

Nằm trong cam kết với sáng kiến “Làm việc vì sức khỏe” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Ngày Tim mạch Thế giới 2009 được dành riêng cho chủ đề này. Gần một nửa số người chết do các bệnh mạn tính là trong độ tuổi lao động. Những hậu quả về kinh tế do giảm năng suất và tăng chi phí do bệnh mạn tính trong lực lượng lao động là rất nghiêm trọng.

WHO ước tính thu nhập giảm trong thời gian 2005-2015 có thể lên tới 558 tỷ đôla Mỹ ở Trung Quốc, 237 tỷ ở Ấn Độ, 303 tỷ ở Nga và 33 tỷ ở Anh.

Hiện nay các nước như Brazil, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ mất hơn 20 triệu năm sống làm việc mỗi năm do bệnh mạn tính, con số này dự kiến tăng 65% vào năm 2030. Giảm năng suất do bệnh, bao gồm tàn phế, nghỉ ốm đột xuất và tai nạn tăng nhiều hơn 400% so với chi phí điều trị.

Bệnh tim mạch là bệnh gây tử vong nhiều nhất trên thế giới, cướp đi sinh mạng của 17,5 triệu người mỗi năm.

Lợi ích đối với sức khỏe

Tăng cường sức khỏe tại nơi làm việc sẽ tập trung thúc đẩy sức khỏe người lao động thông qua giảm các hành vi nguy cơ cá nhân như hút thuốc lá, ít hoạt động thể chất và dinh dưỡng kém. Các chương trình này có thể bao quát phần lớn người lao động, tới 54% dân số thế giới.

Năm 2003, một nghiên cứu toàn diện tập trung vào lợi ích kinh tế của việc tăng cường sức khỏe tại nơi làm việc đã kết luận: các chương trình tại nơi làm việc có thể giảm 25-30% chi phí y tế và nghỉ ốm trong thời gian trung bình khoảng 3,6 năm. Nghiên cứu cho thấy:

• Giảm trung bình 27% số nghỉ ốm
• Giảm trung bình 26% chi phí điều trị
• Giảm trung bình 32% chi phí bồi thường và đền bù thương tật cho người lao động
• Tỷ lệ tiết kiệm/chi phí trung bình là 5,81/1 đôla Mỹ.

Bạn có biết yếu tố nguy cơ của mình?

Làm sao nhận biết các nguy cơ tim mạch để mỗi người tự đánh giá nguy cơ bản thân mình, từ đó biết cách phòng chống bệnh.
Bệnh tim mạch có liên quan đến 3 yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được. Tuổi càng cao, biến cố tim mạch càng tăng. Hơn nửa số người bị đột quỵ và khoảng 4/5 người bị chết vì đột quỵ có tuổi trên 65.

Giới tính, trong độ tuổi từ nhỏ đến trung niên, nam bị bệnh tim mạch nhiều hơn nữ, nhưng đến tuổi mãn kinh, tỷ lệ tim mạch xấp xỉ bằng nhau ở cả nam lẫn nữ. Nam giới thường có nhiều rủi ro bị đau tim hơn nữ giới và các cơn đau tim này thường xảy ra sớm.

Bên cạnh đó, bệnh tim mạch còn liên quan đến yếu tố di truyền. Bệnh tim mạch thường xảy ra cho người chung một gia đình. Quan sát cho thấy, bố mẹ hay anh chị bị bệnh tim thì tới 55 tuổi, con cái cũng có nguy cơ mắc bệnh đó.

Trong khi chỉ có 3 yếu tố bất di bất dịch thì có tới 8 yếu tố có thể thay đổi để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch: chế độ ăn uống, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, béo phì - thừa cân, ít hoặc không vận động thể lực, bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp và stress.
Ăn quá mặn có khả năng làm tăng huyết áp. Ăn nhiều mỡ động vật làm tăng mỡ trong máu, nên dễ bị xơ vữa động mạch sớm và nặng. Ăn uống dư thừa gây tăng cân, béo phì. Rượu bia có thể gây rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, tăng mỡ trong máu dẫn đến dễ bị nhồi máu cơ tim.

Trong khi đó, hút nhiều thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn... Viện Tim TP.HCM luôn tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân 40 - 45 tuổi bị nhồi máu cơ tim, do hút quá nhiều thuốc lá, từ 1 - 2 bao mỗi ngày.

Béo phì khiến tim phải làm việc nhiều hơn để nuôi khối tế bào to lớn của cơ thể. Lâu ngày, tim sẽ bị suy yếu. Trong khi đó, bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp có sự tác động lẫn nhau vô cùng nguy hiểm. Đái tháo đường là một yếu tố nguy cơ lớn của bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não, rối loạn mỡ máu. Người bị tăng huyết áp dễ mắc bệnh mạch vành, đột quỵ, suy tim...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngày Tim mạch thế giới (27/9)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO