Đột tử do thuyên tắc động mạch phổi

PGS-TS. NGUYỄN HOÀI NAM, Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP.HCM| 21/07/2011 04:32

Thỉnh thoảng có những trường hợp đột tử xảy ra trên các chuyến bay dài, không quá cảnh. Nạn nhân thường là người trung niên hoặc có tuổi, đột nhiên nấc lên vài cái, cảm thấy khó thở, sau đó đi vào hôn mê và tử vong...

Đột tử do thuyên tắc động mạch phổi

Thỉnh thoảng có những trường hợp đột tử xảy ra trên các chuyến bay dài, không quá cảnh. Nạn nhân thường là người trung niên hoặc có tuổi, đột nhiên nấc lên vài cái, cảm thấy khó thở, sau đó đi vào hôn mê và tử vong. Khi khám nghiệm tử thi, các nhà giải phẫu bệnh xác định bệnh nhân chết vì thuyên tắc động mạch phổi do cục máu đông xuất hiện ở các tĩnh mạch sâu trong cơ thể.

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới, đột tử có nghĩa là cái chết không được dự báo trước, xảy ra trong vòng một giờ khi khởi phát những triệu chứng nguy hiểm.

Tuy có khá nhiều nguyên nhân gây đột tử, như: nhồi máu phổi, thuyên tắc động mạch phổi, nhồi máu cơ tim cấp, vỡ các mạch máu lớn, tai biến mạch máu não nặng với tổn thương lan tỏa trên diện rộng..., nhưng theo các chuyên gia y học, bệnh về tim mạch vẫn là nguyên nhân hàng đầu.

Ở châu Âu và Mỹ, mặc dù đột tử xảy ra ở tất cả các trường hợp có bệnh về tim mạch, nhưng chiếm đa số là bệnh về động mạch vành.

Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, hoặc rối loạn nhịp tim trên cơ sở nhồi máu cơ tim cũ không được phát hiện hay không được điều trị đúng mức có nguy cơ cao bị đột tử.

Ở một số người trẻ, khỏe mắc các bệnh về động mạch vành, điều nguy hại là nhiều khi không thấy có biểu hiện gì bên ngoài. Bệnh nhân không hề thấy đau ngực, không mệt khi làm việc nặng, do đó dễ dẫn đến chủ quan, thiếu cảnh giác.

Một số nguyên nhân khác liên quan đến tim mạch cũng thường gặp ở những nạn nhân đột tử, như: bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim giãn nở vô căn, bệnh lý van tim; các rối loạn nhịp như: ngoại tâm thu, hội chứng Wolf-Parkinison - White, các rối loạn nhịp chậm…, hoặc các loạn nhịp do sử dụng tân dược cũng có thể gây ra đột tử.

Ở những bệnh nhân có tiền sử thuyên tắc tĩnh mạch sâu, suy tĩnh mạch hay viêm tĩnh mạch nông, những chuyến bay dài với tư thế ngồi lâu là một trong những nguyên nhân giúp hình thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch. K

hi máy bay lên cao hay hạ cánh, áp suất thay đổi đột ngột sẽ tạo điều kiện cho các cục máu đông này bung ra khỏi thành mạch và theo dòng máu về tim.

Từ tâm nhĩ phải, cục máu đông qua tâm thất phải và được tim bơm lên phổi theo động mạch phổi. Hàng rào mạch máu phổi sẽ chặn cục máu đông lại, gây ra tình trạng suy tim cấp do máu không thể lên phổi được và sự trao đổi oxygenne của máu tại đây không xảy ra được.

Trước đây ở Việt Nam và trên thế giới có quy định phải mổ tử thi cho tất cả các trường hợp đột tử nên thầy thuốc đã phát hiện khá nhiều trường hợp thuyên tắc động mạch phổi có nguyên nhân là thuyên tắc tĩnh mạch sâu.

Ở các nước châu Âu, thuyên tắc động mạch phổi do tắc tĩnh mạch sâu là biến chứng nguy hiểm nhất mà các bệnh nhân bị suy tĩnh mạch có thể gặp.

Ngày nay, do ở Việt Nam không còn quy định phải mổ tử thi nên đột tử do thuyên tắc động mạch phổi là nguyên nhân thường được nhắc đến.

Nếu bệnh nhân may mắn được đưa đến bệnh viện kịp thời thì những thầy thuốc có kinh nghiệm với sự trợ giúp của các phương pháp chẩn đoán hiện đại như chụp X quang vi tính đa lát cắt có dư sẽ có thể phát hiện dễ dàng bệnh này. Tuy nhiên, việc điều trị cũng khá khó khăn và kết quả cũng thất thường.

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học cho thấy, những người lớn tuổi, béo phì hay mắc bệnh nan y như ung thư, gãy xương đùi..., phải nằm bất động lâu ngày; có tiền sử mắc bệnh suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới; những người hay bị phù chân, vọp bẻ, mỏi chân... khi đứng lâu hay ngồi nhiều rất dễ bị thuyên tắc động mạch phổi.

Những trường hợp chấn thương nặng, gãy xương lớn và giập nát mô nhiều cũng dễ dẫn đến biến chứng thuyên tắc động mạch phổi.

Để phòng ngừa biến chứng thuyên tắc động mạch phổi, những bệnh nhân có bệnh thuyên tắc hay suy tĩnh mạch không nên di chuyển bằng máy bay hoặc ô tô liên tục trên 5 tiếng đồng hồ.

Nếu bắt buộc phải di chuyển như vậy thì cần phải khám và điều trị trước ở một thầy thuốc chuyên khoa về tĩnh mạch học, đồng thời nên sử dụng loại vớ y khoa chống hình thành cục máu đông kèm theo thuốc chống đông và thuốc điều trị bệnh tĩnh mạch.

Các thầy thuốc Ấn Độ đã có sáng kiến đặt một cái dù vào trong lòng tĩnh mạch chủ dưới để chặn các cục máu đông trôi về tim. Tuy nhiên, kỹ thuật này khá đắt tiền và không phải có thể thực hiện trên mọi bệnh nhân.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đột tử do thuyên tắc động mạch phổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO