Một lần nữa, những ngày đầu Xuân của người Việt lại nhốn nháo bởi những dòng tin tức không mấy hay ho:
Tiền lẻ dán la liệt trên tượng Phật ở chốn chùa chiền; những mâm cúng ê hề phẩm vật, vàng mã nơi đền, phủ tạo nên một bức tranh mê tín dị đoan đáng xấu hổ; hình ảnh những chiếc xe tốc hành xuyên Việt nhồi nhét hành khách tựa như nhát dao chém vào nỗi đau đói nghèo bắt con người phải tha phương cầu thực; hàng trăm người đã phải vĩnh biệt cuộc đời vì tai nạn giao thông; rồi những câu chuyện bực mình vì du Xuân bị "chặt chém"...
Mùa Xuân với vẻ đẹp của hoa cúc vàng thanh bình và tiết trời ấm áp dường như đã biến mất, nhường chỗ cho âu lo đời thường mà bao nỗ lực phấn đấu cho Tết, người Việt vẫn không xóa bỏ được khỏi cuộc sống của mình.
Những sáng kiến, biện pháp chế tài vẫn được áp dụng đó đây để chống lại cái xấu chỉ là nửa vời nên chẳng mấy hiệu quả, do vậy đừng hỏi tại sao cái xấu không bị xóa bỏ, mà ngày càng sinh sôi.
Trong những lần đến các điểm nóng chứng kiến cảnh người dân dán tiền lẻ lên tượng Phật, nhiều người tự hỏi tại sao ban quản lý ở các nơi này không có cách để ngăn chặn việc làm đáng phê phán đó.
Tại Thái Lan, ban quản lý các di tích có những lý do về tín ngưỡng và bảo vệ hiện vật đã làm được việc cấm du khách chụp ảnh trong một số ngôi chùa, dù những nơi này mỗi ngày đón hàng ngàn khách du lịch khắp thế giới. Một bảng cấm, có mức phạt và những nhân viên bảo vệ làm việc cần mẫn đủ để đạt hiệu quả như mong muốn.
Vậy ở ta, tại sao ban quản lý các di tích, đền chùa không học tập và áp dụng hình thức đó. Hoặc dùng biện pháp nhẹ nhàng hơn là đặt hòm công đức ở chỗ người dân thường đặt tiền với bảng thông báo những nội dung mang tính khuyến khích làm điều tốt, như gây quỹ giúp đỡ trại trẻ mồ côi, xây chùa, đúc tượng, làm đường giao thông trong khu vực.
Đồng tiền vào hòm công đức, hay bay la đà trong gió có gì khác nhau về mặt tâm linh? Những bảng cấm xả tiền lẻ bừa bãi, nếu vi phạm sẽ bị nhà chức trách phạt tiền đủ làm các tín đồ mê tín chùn tay, vì không ai muốn xui xẻo nộp phạt (hao tài) và gặp những chuyện phiền hà khác trong chuyến du Xuân cầu tài lộc, bình an!
Bao năm qua, cơ quan chức năng ở các địa phương không muốn mạnh tay với du khách vì họ coi đây là loại hình du lịch tâm linh, đem lại công ăn việc làm cho lao động địa phương, tăng thu nhập ngân sách.
Tuy nhiên, rồi cũng đến lúc những chốn du lịch tâm linh sẽ trở thành nơi thể hiện óc mê tín dị đoan, bày ra những trò lố lăng, làm mất ý nghĩa linh thiêng. Hệ quả tất yếu là dòng khách du Xuân với mục đích thưởng ngoạn cảnh đẹp cũng mất đi, lúc ấy thiệt hại về kinh tế của địa phương đó sẽ lớn hơn rất nhiều.
Người Việt đã đến lúc sống phải tuân thủ luật pháp, dù có những lúc luật bó buộc, làm họ thấy khó khăn vì quy định chặt chẽ. Ai cũng hiểu nhà xe nhồi nhét hành khách trong dịp Tết thường xuyên đóng "hụi chết" nên mới thoát được mạng lưới kiểm soát dày đặc ở các tỉnh, thành.
Hàng ngàn lượt xe nhồi nhét, nhưng thỉnh thoảng mới có một xe bị phát hiện, bị đưa lên mặt báo như "điển hình", làm dư luận bất bình. Đây là năm đầu tiên các đơn vị quản lý về giao thông có đường dây nóng để người dân gọi báo xe nhồi nhét, nhưng thông tin này rất ít người biết.
Ai quan tâm chuyện này thì phải... tìm trên Google mới có được. Đó là con số dài dằng dặc, khó nhớ, không phải kiểu như 113 hay 115. Những số điện thoại "nóng" đáng ra phải bắt buộc nhà xe dán, sơn trên mỗi chiếc xe làm dịch vụ vận tải công cộng, khơi gợi ý thức được bảo vệ của người dân, đồng thời cảnh cáo trực tiếp tài xế có ý định vi phạm.
Ai đó đến Đà Nẵng dịp Tết này sẽ thấy một chuyện lạ: nhiều quán cà phê, nhà hàng, dịch vụ trên bãi biển không tăng giá. Nơi nào tăng, sẽ công khai bảng giá Tết ngay trước cửa để khách lựa chọn, quyết định chi tiêu. Không phải tự nhiên có được kết quả đó, mà do sự kiểm soát chặt chẽ từ chính quyền các phường.
Có một quán cà phê bỗng nhiên tăng giá gấp đôi, chính quyền chưa biết, nhưng bị lan truyền tiếng xấu trên Facebook. Mới tăng giá được ngày mùng 1 và mùng 2 Tết, đến mùng 3, nơi này đã bị các bạn trẻ tẩy chay!
Nỗ lực xây dựng một xã hội với những hành vi chuẩn mực, đời sống bình thường của mỗi con người được bảo vệ bằng các quy định chặt chẽ đòi hỏi các "công bộc" hành chính tận tụy và nhiều sáng kiến.