Hội nghị "Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về tình hình thuê đất và các vấn đề liên quan đến thuế" do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức hôm 12/7 tại Hà Nội được khởi đầu bởi các kiến nghị về vấn đề này từ các doanh nghiệp Hải Phòng. Tuy nhiên, hội nghị đã nhận được hàng chục bản tham luận, góp ý đến từ cộng đồng doanh nghiệp tại nhiều tỉnh thành.
Hầu hết các ý kiến tại hội nghị đều bất bình với việc thay đổi quá lớn trong vấn đề tiền thuê đất được áp dụng theo Nghị định số 121/2011/NĐ-CP ngày 30/12/2010, nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 142 về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Theo nghị định này, giá tính tiền thuê đất được xác định sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường trong điều kiện bình thường thay vì được UBND tỉnh, thành phố quyết định và công bố hàng năm. Tỷ lệ phần trăm tính tiền thuê đất được tính từ 1,5 – 3% giá đất, trong khi theo quy định trước đây chỉ là 0,5 – 2%.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Quảng Ninh, năm 2011 giá thuê đất đã tăng từ 1,5 - 5% so với năm 2006 và đây là cú sốc thật sự đối với các doanh nghiệp Quảng Ninh.
Đại diện của Công ty TNHH Hồng An có trụ sở tại Hải Phòng cho biết năm 2010 doanh nghiệp này chỉ phải nộp hơn 20 triệu đồng tiền thuê đất, nhưng năm nay nộp hơn 412 triệu đồng, tăng tới 18,5 lần. Cùng chung cảnh ngộ với Hồng An có thể kể tới trường hợp của Công ty cổ phần ôtô Hải Phòng, tiền thuế đất năm 2010 là 626 triệu đồng nhưng năm 2011 lên tới 3.185 triệu đồng (tăng 5 lần); Công ty đồ hộp Hạ Long từ năm 2008 - 2010 nộp 681 triệu đồng, năm 2011 tăng lên 6.978 triệu đồng, tăng 9,2 lần; Công ty cổ phần xây dựng số 9 năm 2010 nộp 55 triệu đồng, năm 2011 lên 555 triệu đồng (tăng hơn 10 lần)...
Trong các văn bản gửi tới VCCI chi nhánh Hải Phòng, các doanh nghiệp cho rằng, Nghị định số 121/NĐ- CP áp dụng được tính từ tháng 3/2011, nhưng thậm chí ngành thuế Hải Phòng tính ngay từ 1/1/2011.
Từ Thanh Hóa ra dự hội nghị, ông Trịnh Xuân Long, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thanh hóa cho biết hiện giá thuê đất tại tỉnh này cũng tăng cao, có trường hợp tăng tới hơn 7 lần so với năm 2010.
Hầu hết các ý kiến của doanh nghiệp đều cho rằng thực hiện nghị định 121 cần phải có lộ trình, vì tiền thuê đất là chi phí sản xuất quan trọng của doanh nghiệp, không thể tăng đột ngột với mức tăng lớn như vậy.
Hơn nữa, thời điểm triển khai nghị định 121 là không hợp lý vì đây là thời điểm các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ghi nhận các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết Bộ này và Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam sẽ có văn bản gửi các bộ ngành và Chính phủ để tìm ra giải pháp tháo gỡ.
Ông Tuấn cũng cho biết có thể kiến nghị giảm mức tiền thuê đất ở một mức nhất định trong năm 2011 để tháo gỡ khó khăn trước mắt.