![]() |
Hai bộ truyện tranh cổ tích do Công ty Truyện tranh Art Sign kết hợp với NXB Giáo dục cùng Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam xuất bản với nhiều "hạt sạn" về ngôn ngữ, cốt truyện đã gây nên sự băn khoăn, lo lắng trong dư luận trong thời gian vừa qua.
![]() |
![]() |
Lướt qua những tập truyện cổ tích được "hiện đại hóa" trên, người xem không khỏi ngỡ ngàng. Trong truyện tranh Tấm Cám, nhân vật dì ghẻ đã chửi bới Tấm bằng thứ ngôn ngữ rất "teen": "Tấm! Tao cấm mày xào nấm với dấm rồi cơ mà. Đầu mày có bị ấm không? Cẩn thận tao cho vài đấm", hay "Tấm, mày hâm à, mày câm à, sao mày đâm thủng cái mâm". Ngôn ngữ phá cách loạn xà ngầu đã vậy, tình tiết trong các câu chuyện cổ tích còn bị bóp méo đến mức ngạc nhiên.
Chẳng hạn, tác giả sửa lại Bánh chưng, bánh dày với hoàng tử Lang Liêu nằm mơ lạc vào cuộc thi Vào bếp với người nổi tiếng, hay vợ Mai An Tiêm dùng sắc đẹp của mình để dẫn dụ đàn cá về.
Một số hình ảnh gây choáng lẫn sốc nữa là bà dì ghẻ của Tấm gọi hai con về bằng cách nói qua... micro, vua Hùng đeo kiếng mát!
Những "sáng tạo" nói trên, như lời nói đầu của hai bộ truyện tranh, được biện minh là để "hiện đại hóa" truyện cổ tích nhằm giúp độc giả có lối cảm thụ mới.
Tuy nhiên, việc "chế biến", "xào nấu" những câu truyện cổ tích thành những câu truyện dở kim dở cổ là điều khó có thể thể chấp nhận. Bởi việc làm này dù vô tình hay hữu ý đều đã làm méo mó thời đại và tinh thần sản sinh ra những câu truyện cổ tích.
Đơn vị xuất bản đã sai, cơ quan kiểm duyệt cũng nhắm mắt cho qua để những sản phẩm văn hóa quá "sáng tạo" này có mặt trên thị trường. Phải chăng đã đến lúc cơ quan chức năng phải thận trọng hơn để sự sáng tạo không được dịp đi quá đà?