Ra nước ngoài làm dịch vụ chứng khoán

30/12/2010 00:32

Việc hai thị trường chứng khoán Lào và Campuchia chuẩn bị hoạt động đang mở ra cơ hội mở rộng thị trường cho các công ty chứng khoán Việt Nam, cũng như cơ hội đầu tư ở nước ngoài cho các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam.

Ra nước ngoài làm dịch vụ chứng khoán

Việc hai thị trường chứng khoán Lào và Campuchia chuẩn bị hoạt động đang mở ra cơ hội mở rộng thị trường cho các công ty chứng khoán Việt Nam, cũng như cơ hội đầu tư ở nước ngoài cho các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam.

Thị trường chứng khoán sắp mở tại Lào và Campuchia sẽ tạo cơ hội cho cả công ty chứng khoán lẫn nhà đầu tư cá nhân Việt Nam. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Lê Quang Nhật

Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL), một trong những ngân hàng hàng đầu của Lào và cũng là đơn vị đầu tiên trên thị trường chứng khoán Lào vừa bán đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO).

Không khí đấu giá BCEL cũng sôi nổi, hào hứng và lạ lẫm như thị trường chứng khoán Việt Nam hơn mười năm về trước. Ông Nguyễn Hoàng Giang, giám đốc tư vấn SBS, người trực tiếp tham gia vào cuộc tư vấn IPO BCEL cho biết như vậy.

BCEL đã hoàn thành cuộc IPO với gần 20,5 triệu cổ phiếu, chiếm 15% vốn điều lệ với giá đấu thành công trung bình là 5.910 kip/cổ phiếu, tương đương 15.660 đồng tiền Việt Nam. Số lượng đăng ký mua nhiều hơn gấp rưỡi số lượng chào bán.

Xuất khẩu dịch vụ chứng khoán

BCEL là ngân hàng có thị phần chiếm khoảng 40%, giữ vai trò như Vietcombank ở Việt Nam. Có một số nhà đầu tư trúng thầu là Việt kiều Lào và không có đồng vốn nào từ nhà đầu tư Việt Nam đổ sang trong cuộc IPO này, nhưng nhiều nhà đầu tư cá nhân Việt Nam đang nuôi hy vọng ở những cuộc đầu tư sau, bởi tổ chức đứng đằng sau cuộc IPO đầu tiên của Lào là công ty chứng khoán Lanexang và ngân hàng Đầu tư và phát triển Lào.

Là đơn vị liên doanh giữa công ty chứng khoán Sacombank và ngân hàng Phát triển lào (LDP), trong đó SBS chiếm 51%, Lanexang là công ty chứng khoán đầu tiên của Lào.

Dự kiến ngày 11/1/2011 tới đây, thị trường chứng khoán Lào chính thức mở cửa với hai công ty niêm yết đầu tiên trên sàn là BCEL và công ty Điện lực Lào.

Đầu tháng 11 vừa qua, SBS cũng đã nhận giấy phép hoạt động công ty chứng khoán Sacombank – Campuchia ở Campuchia, nơi dự kiến sẽ mở cửa thị trường chứng khoán vào tháng 7/2011. Công ty chứng khoán Campuchia – Việt Nam của ngân hàng BIDC, chi nhánh của ngân hàng BIDV cũng là một trong 15 công ty chứng khoán đầu tiên của Campuchia.

Trong khi Sacombank – Campuchia chỉ mới đăng ký kinh doanh và môi giới chứng khoán thì Lanexang có đủ các dịch vụ tư vấn của một công ty chứng khoán, từ tư vấn chuyển đổi doanh nghiệp, tư vấn cổ phần hoá, tái cấu trúc doanh nghiệp, niêm yết cổ phiếu… đến hoạt động ngân hàng đầu tư với dịch vụ bảo lãnh phát hành, thu xếp vốn cho doanh nghiệp, bảo lãnh phát hành trái phiếu.

Nhà đầu tư Lào có thể giao dịch trực tuyến tại Lenaxang để mua bán cổ phiếu. Mức phí giao dịch, sau khi trừ các chi phí cho sở giao dịch chứng khoán và trung tâm lưu ký, thì vẫn còn cao hơn mức 0,2% phổ biến hiện nay tại Việt Nam, nhưng Lenaxang cho biết, đang xây dựng một biểu phí phù hợp với thị trường mới này.

Trong cạnh tranh giành hợp đồng ở Lào, công ty chứng khoán Việt Nam có lợi thế là nền kinh tế bên Lào tương đồng với Việt Nam, cũng đi lên từ kinh tế nhà nước là chủ đạo...

Cơ hội đầu tư cổ phiếu nước ngoài

Việc tư vấn IPO cho BCEL mất khoảng ba tháng, và toàn bộ do người Việt Nam do SBS đưa sang đảm nhiệm.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, cho rằng, trong cuộc đối đầu để có hợp đồng này với các công ty chứng khoán từ Thái Lan và Hàn Quốc, lợi thế của Lanexang là nền kinh tế bên Lào tương đồng với Việt Nam, cũng đi lên từ kinh tế nhà nước là chủ đạo và đến thời điểm cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Chính vì vậy, kinh nghiệm cổ phần hoá ở Lenaxang đã được BCEL đón nhận.

Uỷ ban Chứng khoán Lào đang xây dựng và hoàn thiện các văn bản và quy định về IPO, cổ phần hoá, về thị trường chứng khoán… Do vậy, trong quá trình tư vấn, Lanexang đã tham khảo cách làm từ Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế và phù hợp với thị trường Lào để có thể tư vấn cho BCEL.

Thí dụ như, ở Việt Nam, một số doanh nghiệp không cần xác định giá trị doanh nghiệp trước khi niêm yết như Vietcombank, Vietinbank thì Lenaxang cũng đem kinh nghiệm này sang Lào, và lấy kết quả của kiểm toán chứ không tổ chức định giá lại toàn bộ doanh nghiệp.

Ông Giang cho biết, Lanexang đã ký hợp đồng tư vấn IPO với một số công ty và tập đoàn lớn của Lào.

Bên cạnh đó, một số công ty chứng khoán từ Việt Nam đã có tiếp cận và khảo sát hai thị trường này. Theo phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán, công ty ông có kế hoạch mở công ty chứng khoán tại Lào và Campuchia trong sắp tới.

Trong khi hình thức đầu tư trực tiếp đã có quy định, thì việc đầu tư gián tiếp ở thị trường chứng khoán nước ngoài vẫn còn chưa có khung pháp lý đầy đủ.

Người đứng đầu một công ty trong ngành tài chính cho biết, công ty ông đang nghiên cứu các sản phẩm, dịch vụ sao cho đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư, vừa không “vượt rào”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ra nước ngoài làm dịch vụ chứng khoán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO