Chính phủ vừa ban hành Nghị định 81/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 25/2011/NĐ-CP ngày 6/4/2011 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông, trong đó bổ sung quy định cấp mới giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông.
Cụ thể, doanh nghiệp đã được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông muốn tiếp tục kinh doanh dịch vụ viễn thông theo nội dung giấy phép đã được cấp phải gửi hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép tới Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông ít nhất 60 ngày làm việc trước ngày giấy phép hết hạn.
Hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông công cộng bao gồm các tài liệu quy định tại Điều 23 Nghị định 25/2011/NĐ-CP và báo cáo tình hình thực hiện giấy phép kể từ ngày được cấp tới ngày đề nghị cấp mới giấy phép.
Việc xét cấp mới giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông được thực hiện theo quy định về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông ngoại trừ quy định "doanh nghiệp không đang trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản theo quyết định đã được ban hành", có xem xét việc tuân thủ quy định trong giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông đề nghị được cấp mới và quyền lợi hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông.
Giấy phép cấp mới có giá trị hiệu lực kể từ ngày hết hạn của giấy phép đề nghị được cấp mới. Thời hạn của giấy phép cấp mới được xét theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật viễn thông (Giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông bao gồm: Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng, có thời hạn không quá 15 năm được cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng; Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông, có thời hạn không quá 10 năm được cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng).
>Globaltrans Air nhận giấy phép kinh doanh hàng không
>Loại bỏ giấy phép không cần thiết cho DN nông nghiệp
>Quy hoạch treo: Giải cứu bằng giấy phép xây dựng tạm?