Rừng ơi...

PHƯƠNG HÀ| 25/04/2013 09:40

Đã 38 năm mà trước mắt tôi những chiếc xe con màu trắng xuất hiện trên những con đường giữa chiến khu Bắc Tây Ninh sáng ngày 2/5/1975 vẫn rõ nét như đang hiển hiện.

Rừng ơi...

Đã 38 năm mà trước mắt tôi những chiếc xe con màu trắng xuất hiện trên những con đường giữa chiến khu Bắc Tây Ninh sáng ngày 2/5/1975 vẫn rõ nét như đang hiển hiện.

Đọc E-paper

Di tích lịch sử Căn cứ Chiến khu Đ, nơi thành lập Trung ương Cục, năm 1961

1

Có lẽ thấy tôi mặc quân phục Quân Giải phóng, lại đạp xe ngược chiều, mấy chiếc ô tô vội vã dừng lại. Một tốp người ăn mặc sang trọng quây lấy tôi hỏi đường về "R". Họ là những người Sài Gòn đi tìm người thân là Việt Cộng ở "R".

Về R? Làm sao chỉ cho họ một cách chính xác được? Căn cứ của Trung ương Cục Miền Nam (TƯC) - đầu não của "R" - thì tôi chưa được phép tiết lộ, còn biết bao "B" và "C" - bí danh của cả bộ máy trực thuộc TƯC phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - đều gọi chung là "R".

Trong niềm vui ngây ngất của ngày đầu đất nước thu về một mối, tôi muốn dẫn họ đến từng cánh rừng, từng con suối, trải dài từ Vàm Trảng Trâu đến Tống Lê Chân, nơi các cơ quan của R đóng căn cứ, có thể kêu đúng tên người thân của họ và chứng kiến cảnh trùng phùng, nhưng chỉ ba ngày nữa,

Báo Giải Phóng ra số đầu tiên ở Sài Gòn, đang chờ tin tức nóng hổi của những phóng viên như tôi, nên không thể. Khi tôi ngoái nhìn lại, những chiếc xe con màu trắng vẫn nhắm hướng rừng mà chạy.

Ai trong số họ, ngoài nỗi mong gặp người thân còn là niềm háo hức được biết "R" ở đâu, "R" là gì?

2

Rất tiếc, cho đến lúc này, khi mà những người lính còn phơi phới sức xuân trong chiến tranh như tôi, nay tóc đã bạc phơ, huống hồ các vị lãnh đạo cao cấp, các tướng lĩnh, nhiều người đã mất, mà vẫn chưa ai công bố vì sao lại đặt bí danh cho chiến khu kháng chiến ở miền Nam là "R".

Riêng tôi, một người viết báo suốt 10 năm trận mạc, cũng chỉ biết, ai đó, có thể là vị đứng đầu TƯC, có thể là một anh lính bảo vệ bất chợt nghĩ ra bí danh TƯC là "R", đơn giản nó "rừng". Sau này có người cho rằng bí danh "R" là lấy chữ đầu của từ Révolution, nghĩa là "cách mạng", trong tiếng Pháp.

Ngay trong chiến tranh chống thực dân Pháp, Trung ương Đảng đã cho thành lập TƯC (sau năm 1954 gọi là Xứ ủy Nam Bộ). Sau phong trào "đồng khởi" 1960, Trung ương Đảng quyết định thành lập lại TƯC, ngày 23/1/1961.

TƯC, tổ chức thành lập long trọng tại suối Nhum - Mã Đà thuộc chiến khu Đ (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai bây giờ). Đầu năm 1962, căn cứ TƯC chuyển về Bắc Tây Ninh, vùng Chàng Riệc, hay còn gọi là Rùm Đuôn - Đất Đỏ (bây giờ thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) cho đến 30/4/1975.

TƯC là một bộ phận của Trung ương Đảng, chỉ đạo trực tiếp cách mạng miền Nam, sau đó thu hẹp phạm vi lãnh đạo ở vùng cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Những người đi tìm người thân ở "R" hẳn sẽ ngạc nhiên khi từ thị xã Tây Ninh, theo tỉnh lộ 4, hay theo con đường Tua Hai đi Cần Đăng đến căn cứ TƯC chỉ 64 km, nhưng nếu đường chim bay thì từ trại lính của sư đoàn 5 quân đội Sài Gòn ở thị xã Tây Ninh, Chàng Riệc cũng như Vàm Trảng Trâu, Trảng Cố Vấn, Xóm Giữa, Lò Gò - những nơi có 24 cơ quan, đơn vị, trực thuộc TƯC đóng căn cứ, lực lượng có lúc lên đến 7.357 người - vẫn nằm gọn trong tọa độ pháo 105 ly.

Trên đỉnh núi Bà Đen, bằng ống nhòm thường vẫn thấy rõ vệt rừng biên giới, đầu não của cuộc kháng chiến ở miền Nam. Và họ sẽ ngạc nhiên hơn nếu biết, chỉ trừ một vài lần phải dời căn cứ như trong chiến dịch Junction City "Tìm và diệt" của Mỹ, còn hầu hết thời gian, TƯC vẫn đóng ở Rùm Đuôn, dù nếu quân đội Sài Gòn dùng bộ binh càn quét, vào đến căn cứ TƯC chỉ một buổi lội rừng!

3

Quả là muộn, bởi mãi đến năm 1989, Nhà nước mới công nhận căn cứ TƯC, Căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam là những khu di tích lịch sử.

May mắn thay, sau 19 năm, rừng Tây Ninh còn sót lại trên 25.000 hecta, trong đó những cụm rừng khoảng 10.000 hecta có các di tích căn cứ "R" chỉ bị mất những cây gỗ quý, còn thảm thực vật gần như nguyên vẹn.

Sau lễ khởi công trùng tu, tôn tạo Khu di tích lịch sử Căn cứ TƯC (ngày 24/12/1992), đồng chí Nguyễn Văn Linh, nguyên Bí thư TƯC nhiều năm, trở lại xem xét cách phục chế.

Những nhà thiết kế và thợ trẻ, do không có "kiến thức" về chiến tranh, đã làm nhà, làm hầm, giao thông hào sai khá xa so với thực tế. Nghĩ rằng những cán bộ cao cấp phải ngủ giường tốt, bàn làm việc phải bằng gỗ quý nên người ta biến những căn nhà lợp lá trung quân, bốn bề không vách mà bên trong thì khá "hiện đại".

Đồng chí Nguyễn Văn Linh yêu cầu làm sao tất cả phải như vốn đã có, trừ gỗ làm cột nhà và chống hầm chữ A tạm chấp nhận xi măng cốt sắt giả gỗ để chống mối và cũng để không chặt thêm cây rừng đã trở nên quý hiếm.

Ở Chàng Riệc có một dòng suối mang tên rất đẹp là Cô Tiên. Chuyện kể rằng, sau khi lo xong bữa ăn tối cho các vị lãnh đạo TƯC, ba cô gái giải phóng rủ nhau ra suối. Lúc ấy, bầy bồ chao đã thôi cãi vã, chim "bắt-cô-trói-cột" bắt đầu cất tiếng gọi bạn tình.

Ba cô gái trút bỏ quần áo, từ từ lội xuống con suối vắt qua căn cứ. Họ mải mê tắm, mải mê đùa giỡn nên không hay biết có một tổ trinh sát vô tình đi đến. Các chàng trai sững người trước những tấm thân nõn nà mười tám đôi mươi làm dòng suối lấp lánh sáng, làm rừng đại ngàn không chịu tắt những tia nắng cuối cùng trong ngày...

Ấy là những ngày giữa mùa mưa năm 1962. Gọi là "những ngày" bởi các trinh sát có mặt đầu tiên ở căn cứ Chàng Riệc nay còn sống, chẳng ai nhớ cụ thể là ngày nào, nhưng điều làm họ nhớ như in là từ hôm con suối có diễm phúc đón vào lòng mình những cô gái Giải phóng không y phục thì được mang tên là suối Cô Tiên, và cũng từ đó nó "thành danh" trên bản đồ quân sự.

Bây giờ cầu bắc qua suối Cô Tiên đã được phục chế. Ai có nhớ những bước chân nhẹ đến không nỡ làm vỡ vụn lá khô của những cô-tiên-Giải-phóng từng bao lần qua đây?

Trạm khách - nơi tư lệnh các chiến trường, bí thư tỉnh ủy, thành ủy lên báo cáo chờ để được tiếp, bếp Hoàng Cầm khói tỏa vào lòng đất - nơi hôm sớm các cô-tiên-Giải-phóng lo bữa ăn cho những cán bộ lãnh đạo; hội trường từng diễn ra các cuộc họp quan trọng..., tất cả như còn đây những con người vì nước quên thân.

Nhà ở và làm việc của đại tướng Nguyễn Chí Thanh, của Bí thư TƯC Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng còn lưu hơi ấm của người đã đi vào cõi vĩnh hằng. Cây hoa sứ của đồng chí Nguyễn Văn Linh trồng bao năm về trước vẫn cho tôi cái hương thanh tao chùm chùm hoa trắng.

Trong khu di tích lịch sử Trung ương Cục

Tôi như gặp lại đại tướng Nguyễn Chí Thanh bên cây khế đồng chí trồng đang lúc lắc quả, chắc là do nặng lòng với đất Hương Trà trưa trưa mẹ nấu nồi canh khế với cá cơm...

Hố bom B52 mà đồng chí Võ Văn Kiệt từng nuôi cá vẫn có bầy cá lòng tong không biết từ đâu đến nhưng vẫn là loài cá của sông nước Cửu Long. Tôi thơ thẩn quanh nhà đồng chí Phạm Văn Xô, Trần Nam Trung...

Tôi thơ thẩn ra trảng cỏ ngay bên căn cứ - nơi này trước hẳn chiều chiều các vị trong TƯC ra đây ngắm bầu trời cao rộng mà hình thành trong đầu những ý tưởng cho một sách lược, một chiến dịch với niềm tin không gì lay chuyển: Miền Nam phải được giải phóng, Tổ quốc phải thống nhất.

4

Chiến tranh đã qua gần 40 năm, những đồng chí trong TƯC ai cũng được ghi tên vĩnh viễn vào từng căn nhà trong di tích căn cứ, còn bao cán bộ, chiến sĩ, nam có, nữ có làm đủ công việc phục vụ TƯC, nhiều người đã hy sinh, những anh chị còn sống sau ngày giải phóng miền Nam đã tứ tán mọi miền, có ai còn nhớ tên tuổi của họ?

Đồng đội của các anh chị ấy, cũng như tôi, ao ước có một tấm bia kỷ niệm khắc tên tuổi họ, dựng ngay trên đường vào khu di tích.

Còn rừng là còn trái gùi, trái rùm đuôn, lẽ nào lại quên những trái rừng đã đỡ lòng bao người kháng chiến lúc thiếu cơm, nhạt muối, rừng ơi!...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Rừng ơi...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO