![]() |
“Cũng giống như mua vàng, khi đầu tư vào tranh, người ta tin rằng nhất định giá sẽ lên”.
![]() |
Tranh của Lưu Công Nhân |
Tại Bảo tàng tư nhân Đồng Đình (Sơn Trà - Đà Nẵng), có một phòng tranh nhỏ, treo 20 bức tranh đen trắng vẽ từ thập niên 1990-2000 của Đinh Ý Nhi, và rất có thể đây là bộ sưu tập tranh Đinh Ý Nhi duy nhất còn ở Việt Nam.
Không ai có bộ sưu tập trọn vẹn về nữ họa sĩ này, tranh Nhi khó treo đối với người Việt, nó u ám, dữ dội đến không chịu nổi, vì vậy tranh Nhi tản mác vào các bộ sưu tập ở nước ngoài.
Đến khi nữ họa sĩ này đã định hình phong cách, thì giá tranh đã cao đến chục nghìn đô la Mỹ mỗi tác phẩm, càng khó khăn cho nhà sưu tập. Và các nhà buôn tranh Việt lúc này thức tỉnh thì cũng khó cạnh tranh với các gallery Hồng Kông, Anh quốc, một số nước trong khối ASEAN.
Nhắc lại trường hợp này để thấy đầu tư mỹ thuật là một cuộc “chơi tranh - buôn tranh” nhiều mạo hiểm và thú vị, phải thật nhạy cảm với nghệ thuật đương đại và thị trường tranh.
![]() |
Tranh của Lưu Công Nhân |
Hiện tại, Việt Nam không thiếu các nhà buôn tranh thành danh khởi sự từ sự ham mê nghệ thuật làm cái việc sưu tập tranh của một vài tác giả, dần dần họ bắt buộc trở thành những người giám định tranh đáng tin cậy, bởi họ từng phải trả giá cho sự sai lầm và cả danh dự cho cuộc đầu tư mạo hiểm.
Và nhờ thế, thị trường nội địa và một số nước Đông Nam Á cũng mở ra rộng lớn đối với tranh Việt. Sự phát triển của đội ngũ buôn tranh đã thoát vỏ tiểu thương, giúp họ thoát khỏi sự “quê mùa” của phong trào tranh phong thủy để đến với mỹ thuật làm cho trào lưu tranh nghệ thuật trở thành một cuộc chơi sang trọng và có hy vọng là một kênh đầu tư đầy triển vọng.
Bằng chứng mới nhất là tại một cuộc triển lãm tranh lụa diễn ra tại Furama Resort trong tháng 8 vừa qua của Bùi Tiến Tuấn với chủ đề “Phù phiếm”, nhà tổ chức đã môi giới bán được ba bức với giá gần 4.000 đô la/bức. Một nữ doanh nhân nói rằng, chị thích phong cách lãng mạn, bố cục hiện đại trên tranh lụa của Tuấn nên đã mua ba bức.
![]() |
Tranh của nữ họa sĩ Đinh Ý Nhi |
Người am hiểu thị trường tranh thì cho rằng mua tranh Tuấn là cuộc đầu tư tốt, nhất định sẽ có giá trị cao hơn nếu có điều kiện PR trong khu vực ASEAN. Các cuộc triển lãm của Tuấn tại TP. HCM cũng thu hút sự chú ý của các chủ gallery uy tín, và họ cân nhắc để triển lãm.
Một trường hợp khác là Zen Gallery đã mua cùng lúc 37 tác phẩm của họa sĩ Lê Kinh Tài với số tiền 4,9 tỷ đồng vào năm 2009, là một bước tiến của thị trường tranh hiện đại. Lê Kinh Tài là một họa sĩ trẻ được chú ý, nhưng đầu tư một số tiền không nhỏ để có một bộ sưu tập tương đối lớn như vậy không tránh khỏi sự e ngại của người trong nghề, bởi đầu tư tập trung vào tranh của một họa sĩ Việt đương đại là khá mạo hiểm!
Những nhà sưu tập đều mua bán tranh của các tác giả đã thành danh. Điển hình là nhà sưu tập tranh chuyên nghiệp Trần Hậu Tuấn. Điều may mắn của Trần Hậu Tuấn là anh bắt đầu sưu tập tranh từ khi Việt Nam chưa có thị trường tranh, nên không có tranh giả.
![]() |
Tranh cắt vải và dán giấy - Họa sĩ Phi Loan |
Các tác phẩm quan trọng đều có hồ sơ kèm theo và có sự chứng nhận của gia đình các họa sĩ. Đó là cách mà các nhà sưu tập châu Âu đã từng làm với tác phẩm của Van Gogh hay Picasso.
Tiến thêm một bước trên con đường chuyên nghiệp, Trần Hậu Tuấn xuất bản 16 đầu sách về các họa sĩ lừng danh và tác phẩm của họ, nâng tầm hiểu biết nghệ thuật cho người xem, chống nạn làm tranh giả, giới thiệu họa sĩ Việt Nam ra thế giới.
Hiện tại ở Việt Nam đã hình thành các bộ sưu tập tác phẩm của các họa sĩ Thái Tuấn, Đinh Cường, Nguyễn Trung, Đỗ Quang Em. Những nhà sưu tập có tiếng hiện nay là Đỗ Huy Bắc, Bùi Quốc Chí, Trần Mạnh Đạt, Dũng Vĩnh Lợi, Trần Lê Nguyễn, Mai Nghĩa, Huỳnh Nga...
Họ còn là những nhà tư vấn đáng tin cậy được thị trường đánh giá cao. Tại TP.HCM, người yêu hội họa có thể tìm đến vài địa chỉ để chiêm ngưỡng những tác phẩm của “bộ tứ” Trí - Vân - Lân - Cẩn và “bộ tứ” Sáng - Liên - Nghiêm - Phái” ở bảo tàng của Trần Hậu Tuấn (357/2 Nguyễn Trọng Tuyển, quận Tân Bình), bảo tàng của Bùi Quốc Chí (31C Lê Quý Đôn, quận 3), đồng thời cũng để hình dung quá trình tích lũy kinh nghiệm và những trải nghiệm của các nhà sưu tập chuyên nghiệp.
![]() |
Tranh của nữ họa sĩ Đinh Ý Nhi |
Có nhiều tin đồn về chuyện các nhà sưu tập tung tranh giả bán cho khách trong và ngoài nước với giá cao. Đúng sai phải kiểm chứng.
Tuy nhiên nhà sưu tập cũng giống doanh nhân danh tiếng, họ phải giữ gìn “thương hiệu” đã dày công vun đắp chứ không chỉ vì một vài chục nghìn đô la bán tranh giả để đổ sông để biển kho tàng tranh vài triệu USD mà họ đang nắm giữ, đó là chưa nói đến danh dự cá nhân.
Thú vị nhất là dõi theo công việc của những người chuyên “lướt sóng” tranh đương đại. Họ theo sát các trào lưu sáng tác, la cà trong xưởng vẽ của những người trẻ và khá vô danh để tìm tòi, thẩm định. Chính họ là chiếc cầu nối đưa hội họa đương đại Việt ra Đông Nam Á và một phần châu Âu.
Giới “lướt sóng” tranh này cũng là người PR cho các tác giả vốn chỉ mải mê sáng tạo. Họ kết nối xưởng vẽ với các doanh nhân nhiều tiền đang tạo hình ảnh cho mình bởi một bộ sưu tập tranh xứng với ngôi nhà triệu đô.
![]() |
Tranh của nữ họa sĩ Đinh Ý Nhi |
Phong trào chơi tranh đã manh nha trong giới doanh nhân Hà Nội và TP.HCM từ hơn 20 năm trước, và đã thật sự khởi sắc khi hình thành nên lực lượng doanh nhân trẻ ở nước ngoài về nước kinh doanh, mang theo thói quen chơi tranh nghệ thuật của người Âu - Mỹ.
Họ không có cơ hội sưu tập tranh của các tác giả thành danh vì sợ tranh giả, nên chấp nhận cuộc chơi với nghệ thuật đương đại. Và tất cả tin rằng, dù chơi tranh đương đại rủi ro cao nhưng luôn là cuộc chơi thú vị đo đếm bản lĩnh văn hóa của chính mình.