Thời trang và hướng đi thân thiện với môi trường

HOÀNG LÊ/DNSGCT| 13/02/2016 06:50

Người ta vẫn thường phàn nàn rằng ngành công nghiệp thời trang đang góp phần gây ô nhiễm môi trường...

Thời trang và hướng đi thân thiện với môi trường

Người ta vẫn thường phàn nàn rằng ngành công nghiệp thời trang đang góp phần gây ô nhiễm môi trường. Rất may, các hãng thời trang đã nhận thức được điều đó và đã có những động thái tích cực hơn nhằm giảm thiểu mức độ ô nhiễm.

Đọc E-paper

Những bộ quần áo chúng ta đang mặc phải trải qua rất nhiều công đoạn sản xuất, khởi đầu là thu hoạch bông rồi dệt sợi, dệt vải, nhuộm, cắt may và kết thúc là đóng gói bao bì, chưa kể những món đồ làm từ da hoặc lông động vật thì còn thêm vài công đoạn nữa. Có thể nói công nghiệp thời trang là ngành tiêu thụ nhiều nước nhất, kế đó là các loại hóa chất. Đã có rất nhiều báo cáo về mức độ ô nhiễm đáng báo động về môi trường mà trong đó, thời trang là một trong những nguồn phát sinh chính.

Bờ biển và hệ sinh thái biển là khu vực đang bị đe dọa bởi rác thải công nghiệp, đặc biệt là lưới đánh bắt hải sản. Và thế là ý tưởng tái chế rác thải biển được thương hiệu lớn của dòng thể thao thời trang – adidas tìm cách hiện thực hóa.

Hợp tác với một tổ chức chuyên nghiên cứu về các phương án làm sạch biển mang tên Parley for the Ocean, adidas đã thiết kế kiểu giày thể thao sử dụng nguồn nguyên liệu tái chế mà trong đó lưới đánh cá là vật liệu chính. Chưa hết, adidas còn sử dụng công nghệ in 3D để in đế của một thiết kế giày mới sử dụng vật liệu hỗn hợp từ rác thải bãi biển có độ bền cao.

Trong lĩnh vực sản xuất quần áo may sẵn, thương hiệu jeans nổi tiếng G-Star Raw đã hợp tác với Bionic Yarn (được sáng lập bởi nhiều người, trong đó có nghệ sĩ tên tuổi Pharrell Williams) để tung ra thị trường dòng đồ jeans mang tên Jointy với chất liệu là sợi tái chế từ rác thải nhựa trên biển. Đây không chỉ là một thành công của thương hiệu, mà còn là bước tiến có giá trị trong công nghệ may mặc. Điểm đáng nói là giá của những chiếc quần này không đắt hơn những chiếc quần jeans thông thường là bao.

Tuy nhiên, không phải thương hiệu nào cũng công bố rộng rãi chất liệu họ đang sử dụng được tái chế hay thân thiện với môi trường. Alessandro Michele – Giám đốc thiết kế mới của Gucci đã bước đầu thành công khi đưa tên tuổi thương hiệu hấp dẫn trở lại, giúp họa tiết monogram đặc trưng của thương hiệu có sức sống hơn. Chiếc túi Dionysus nổi tiếng trong năm nay của hãng là một minh chứng cho việc thời trang xa xỉ cũng hướng đến môi trường khi chất liệu chính được sử dụng là nhựa polyurethane.

Bộ sưu tập túi da thân thiện với môi trường đầu tiên của Gucci ra mắt năm 2013

Là hai thương hiệu nổi tiếng về những món đồ da sang trọng, cả Gucci và Louis Vuitton dù có muốn cũng không thể chuyển hướng để được công nhận là thật sự thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, khi sản xuất những món đồ da, hai hãng thời trang xa xỉ này đã vận dụng những công nghệ xử lý da đặc biệt, sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên thay cho hóa chất như lâu nay vẫn dùng.

Chúng ta đều nhận ra rằng môi trường của Trái đất đang bị ô nhiễm trầm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe của tất cả các sinh vật trên địa cầu. Khi ngành thời trang đã có những chuyển biến đáng hoan nghênh, đặc biệt là các thương hiệu lớn đi tiên phong thì đó là dấu hiệu rất tích cực. Hy vọng rằng những động thái đó sẽ gây ảnh hưởng mạnh mẽ để trong tương lai, thời trang sẽ không còn bị gắn mác “kẻ hủy hoại môi trường” nữa.

>“Nghĩ đến môi trường là nghĩ đến tương lai”

>Chân dung những xe siêu sang bảo vệ môi trường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thời trang và hướng đi thân thiện với môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO