Cống hiến cho Thành phố anh hùng - Bài 2: Được nhìn nhận là vai trò trụ cột

Hồng Nga - Lê Duy| 29/04/2021 07:00

Đội ngũ doanh nhân TP.HCM đang điều hành hơn 438.000 doanh nghiệp, chiếm gần một nửa số doanh nghiệp cả nước. Cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM luôn thể hiện tính năng động, động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố nói chung và cả nước nói riêng.

Cống hiến cho Thành phố anh hùng - Bài 2: Được nhìn nhận là vai trò trụ cột

Sáng tạo ngay trong lúc khó

Trong bài phát biểu vinh danh 100 doanh nhân, 100 doanh nghiệp tiêu biểu của TP.HCM tháng 10 năm ngoái, ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đánh giá rất cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp Thành phố kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Đội ngũ doanh nhân TP.HCM với bản chất năng động, sáng tạo, tích cực đổi mới, đưa ra các giải pháp tái cấu trúc lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, tìm ra cơ hội để nhanh chóng chuyển đổi công nghệ, thị trường và sáng tạo ra sản phẩm mới... đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức.

Chính nhờ tinh thần đổi mới đó mà ngay trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, vẫn có nhiều doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng cao, đóng góp tốt vào nguồn thu ngân sách thành phố và cả nước. Đảm bảo công ăn việc làm, thu nhập cho số đông người lao động tại TP.HCM, cũng như tham gia đóng góp một phần kinh phí, vật chất, sức người, sức của cho các chương trình phòng chống dịch của Thành phố và Chính phủ. Góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị, xã hội trên địa bàn.

Chỉ tính riêng 100 doanh nghiệp được tôn vinh tiêu biểu năm ngoái, họ đã đầu tư 976.956 tỷ đồng vào vốn điều lệ để tham gia sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế thành phố, đóng góp doanh thu 294.510 tỷ đồng/năm, lợi nhuận gần 20.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách gần 12.000 tỷ đồng/năm, đảm bảo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 152.000 lao động, đóng góp gần 1.000 tỷ đồng cho các quỹ và chương trình an sinh xã hội của Thành phố.

[Caption]Đội ngũ doanh nhân Thành phố luôn có truyền thống đoàn kết, bản chất năng động, sáng tạo, tích cực đổi mới

Đội ngũ doanh nhân Thành phố luôn có truyền thống đoàn kết, bản chất năng động, sáng tạo, tích cực đổi mới

Ông Nguyễn Tri Quang - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lê Quang Lộc cho rằng, đối với mỗi doanh nghiệp thì cái cần nhất hiện nay đó chính là cơ cấu lại hoạt động của doanh nghiệp mình cho phù hợp với diễn biến khá phức tạp của dịch Covid-19. Nghĩa là, doanh nghiệp phải có nhiều kịch bản kinh doanh, sẵn sàng cho ngay cả những điều chúng ta không mong muốn là cách ly xã hội. Doanh nghiệp phải đào tạo, chuyển đổi và giữ được lực lượng lao động để sẵn sàng cho những vận hội mới khi thương hiệu quốc gia Việt Nam ngày càng gia tăng trên trường quốc tế.

"Số hóa doanh nghiệp, đưa trí tuệ nhân tạo vào điều hành hoạt dộng kinh doanh là một xu hướng mà doanh nghiệp nào tăng tốc sẽ làm chủ cuộc chơi kinh doanh", ông Quang nói. Ngoài ra, theo doanh nhân này, việc quan trọng là làm sao giữ an toàn cho doanh nghiệp mình, nhân viên mình không bị lây nhiễm dịch bênh. "Như vậy, mỗi doanh nghiệp vững vàng vượt qua khó khăn đã là một đóng góp lớn cho sự phát triển của Thành phố", vị CEO Công ty Lê Quang Lộc đúc kết.

Không thể phủ nhận, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định lấy ngày 13/10/2004 là Ngày Doanh nhân Việt Nam, sau 17 năm, lớp doanh nhân đi trước đã giúp xã hội nhìn nhận vai trò của doanh nhân như là những trụ cột đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước.

“Khi vai trò của doanh nhân, đặc biệt là doanh nhân trẻ được nhìn nhận, được đặt vào vị thế quan trọng họ càng phải có trách nhiệm hơn đối với sự phát triển của đất nước. Dù họ là lớp doanh nhân kế thừa hay tự thân vận động để vươn lên đều có vai trò quan trọng trong việc đóng góp cho sự phát triển của kinh tế thành phố. Nhiều người còn rất trẻ nhưng giữ nhiều vị trí quan trọng trong các doanh nghiệp lớn của Thành phố”, doanh nhân Phạm Phú Trường - Phó chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC) nhìn nhận.

Những năm qua, khối doanh nghiệp tư nhân TP.HCM luôn đóng góp 40% vào GDP của cả nước, 60% GRDP của Thành phố. Từ đây cũng là nơi thí điểm thành lập mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, cổ phần hóa và mô hình kinh tế tư nhân theo định hướng kinh tế thị trường cùng nhiều luật doanh nghiệp khác của Việt Nam...

Không ngừng cống hiến

Nhưng ngoài việc làm giàu cho bản thân, các doanh nhân trẻ còn phải cống hiến cho cộng đồng, cho xã hội. Nếu chỉ làm giàu cho bản thân không thôi không phù hợp với môi trường kinh tế phát triển mới. Các doanh nhân trẻ rất hiểu điều này và đã tiếp nối từ ngọn lửa nhiệt huyết được truyền từ thế hệ đi trước. Và cũng nhờ vậy mà đã có sự ra đời của ATM gạo, ATM khẩu trang hay những chuyến từ thiện đến những vùng bão lũ của Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA), các chuyến đến với người nghèo của những doanh nhân trẻ khác liên tục được thực hiện thời gian qua.

Hoang-Ngan_1619670480.jpg

Và cũng nhờ những nỗ lực đóng góp vào sự phát triển chung của Thành phố, vai trò của các doanh nhân trẻ đã được nhìn nhận. Doanh nhân Phạm Phú Trường cho rằng, gần đây Thành ủy, UBND TP.HCM đã có sự quan tâm đặc biệt đối với đội ngũ doanh nhân trẻ. Bằng chứng rõ nhất là trong dịp 30/4 năm nay, nhiều doanh nhân trẻ đã được tham dự sự kiện tri ân nhân dân và các cán bộ, chiến sĩ các lực lượng tiêu biểu tham gia giải phóng miền Nam thống nhất đất nước - non sông liền một dải. Tại đây, đã có nhiều doanh nhân trẻ đã được tuyên dương, ghi nhận sự đóng góp cho sự phát triển của Thành phố.

Tuy nhiên, để những doanh nhân trẻ dấn thân hơn nữa, đóng góp hơn nữa cho sự phát triển của Thành phố, họ cho rằng rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước bằng các chương trình, hành động cụ thể. Để cổ vũ cho sự dấn thân ấy, YBA đề nghị được tham gia vào các tổ tư vấn, tổ công tác trong các dự án mang tính trọng điểm trên địa bàn như cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, các chính sách liên quan đến đổi mới sáng tạo… để cùng nhau để đưa ra những giải pháp, chương trình hành động cụ thể.

“Như vậy sẽ dễ hơn cho doanh nhân trẻ tham gia đóng góp để cùng tạo ra giá trị, kết quả chung cho sự phát triển của Thành phố”, doanh nhân Phạm Phú Trường chia sẻ.

Trong khi đó, doanh nhân Nguyễn Tri Quang lại mong muốn TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế - tài chính, khởi nghiệp của khu vực. Ông đề xuất, Thành phố phải có cơ chế tăng cường liên kết vùng, đây là điều kiện tiên quyết cho việc trở thành trung tâm kinh tế - tài chính. Phân chia phát triển tiềm lực kinh tế khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khu vực miền Đông Nam Bộ, phù hợp trong khu vực để cùng phát triển. "Cạnh tranh để cùng tăng trưởng chứ không phải cạnh tranh để tiêu diệt", ông gợi mở.

Ngoài ra, Thành phố phải đẩy nhanh cải cách chính sách thu hút đầu tư, đưa đến sự công bằng cho cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Không để doanh nghiệp trong nước "chết" trên sân nhà vì những quy định không hợp lý. Đồng thời, cần thúc đẩy các giải pháp tạo điều kiện cho người trẻ khởi nghiệp. Theo ông Quang, thực tế trên thế giới, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ cần 3-5 năm đã có thể xây dựng nên những đế chế triệu đô, thậm chí cả tỷ USD. Do đó, Thành phố nên mạnh dạn giao và hỗ trợ về mặt tài lực cho các đoàn thể, tổ chức xã hội thực hiện chương trình khởi nghiệp chứ không nên đưa quản lý nhà nước vào mảng này, vì đôi khi trở thành rào cản hơn là phát triển.

Cống hiến cho Thành phố anh hùng - Bài 1: Sức trẻ dấn thân

Cống hiến cho Thành phố anh hùng - Bài 3: Quy hoạch TP.HCM cho thế hệ trẻ tương lai

Cống hiến cho Thành phố anh hùng - Bài 4: Người lính thời bình và tinh thần lan tỏa cộng đồng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cống hiến cho Thành phố anh hùng - Bài 2: Được nhìn nhận là vai trò trụ cột
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO