Bí quyết thuyết trình: Càng đơn giản, càng thuyết phục

Vân Thảo| 23/11/2022 06:00

Những nhà lãnh đạo thông minh truyền tải thông điệp đơn giản đến mức học sinh lớp 3 cũng có thể đọc và hiểu được.

Bí quyết thuyết trình: Càng đơn giản, càng thuyết phục

Steve Jobs được cho là một trong những nhà truyền thông tài năng nhất trên sân khấu kinh doanh

Theo tác giả, diễn giả, cựu nhà báo nổi tiếng Carmine Gallo, rất nhiều nhà lãnh đạo thông minh trên thế giới truyền tải thông điệp của mình đến nhiều người bằng lối diễn đạt đơn giản đến mức học sinh lớp 3 cũng có thể đọc và hiểu được.

Gallo phân tích, để làm được điều đó, ngôn từ phải ngắn gọn, hầu hết là một âm tiết; câu văn không sử dụng tiếng lóng, và từ ngữ phải dễ hiểu. "Bằng chứng sống" về việc sử dụng thuần thục phương pháp này không ai khác ngoài Steve Jobs - một trong những nhà truyền thông tài năng nhất trên sân khấu kinh doanh. Không chỉ nổi tiếng về sáng tạo, huyền thoại công nghệ còn nổi danh với bộ phim quảng cáo (phục vụ cho chiến dịch "Think different") mang tên "Crazy Ones" (tạm dịch: Những kẻ điên rồ) có nội dung như sau:

Đây là những người dở hơi, lập dị, nổi loạn, gây rối. Những người không tuân theo luật lệ. Họ giống như nồi tròn vung méo. Họ nhìn mọi thứ khác với lẽ thông thường.

Họ không ưa các nguyên tắc. Họ làm đảo lộn hiện trạng. Bạn có thể trích dẫn họ, bất đồng với họ, vinh danh hay lăng mạ họ. Nhưng điều duy nhất bạn không thể làm là lờ họ đi vì họ thay đổi thế giới và thúc đẩy nhân loại tiến lên phía trước.

Và trong khi một số người coi họ là những kẻ điên khùng, chúng tôi lại thấy ở đó phẩm chất của những thiên tài. Bởi chỉ những người đủ điên rồ để nghĩ mình có thể thay đổi thế giới mới là những người thực sự làm được điều đó.

Gallo đánh giá, mặc dù học sinh lớp 2, lớp 3 trung bình có thể không hiểu được ý nghĩa một số từ nhưng nhìn chung các em có thể đọc được nó. Và khi đưa đoạn quảng cáo cho cô con gái đang học lớp 2 đọc, ông nhận ra cô bé chỉ ngần ngại trước hai từ là: trích dẫn và thiên tài.

Ngoài Steve Jobs, đã có nhiều nhà lãnh đạo thông minh sử dụng cách này khi tiến hành giới thiệu sản phẩm, chẳng hạn như CEO Telsa Elon Musk. Musk từng cho biết ông đọc hướng dẫn sử dụng tên lửa Liên Xô chỉ để giải trí, nhưng khi diễn thuyết trước công chúng, người ta lại thấy ông nói với ngôn ngữ mà một học sinh trung bình lớp 2 cũng có thể đọc, và trong nhiều trường hợp, có thể hiểu được.

Link bài viết

Ví dụ, trong lần ra mắt dòng pin năng lượng Powerwall của Telsa, Musk lý giải sản phẩm này là loại pin dùng trong nhà có khả năng nhận ánh sáng Mặt Trời từ các tấm quang điện trên mái nhà và chuyển hóa chúng thành năng lượng dự trữ. Mặc dù chúng được thiết kế dành cho người tiêu dùng bình thường nhưng công nghệ đằng sau sản phẩm này lại cực kỳ phức tạp. Vậy nên trước mặt khách hàng, Musk đã giải thích sản phẩm bằng cách sử dụng ngôn từ cực kỳ đơn giản và gần như không có dòng chữ nào trên slide, toàn bộ là hình ảnh.

"Ngày nay, đây là cách mọi thứ hoạt động", Musk mở đầu bài thuyết trình bằng cách trình chiếu bức ảnh một nhà máy nhiệt điện đang thải carbon vào không khí, "Chúng chẳng tốt đẹp gì. Thậm chí khá tệ. Nhưng đó là sự thật. Đó là bởi hầu hết năng lượng đang được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch".

Ông nói tiếp: "Giải pháp ở đây được chia làm hai phần. Phần một, là Mặt Trời. Chúng ta có lò phản ứng nhiệt hạch tiện dụng trên bầu trời, được gọi là Mặt Trời. Và bạn không phải làm bất cứ việc gì cả. Nó tự hoạt động, đều đặn mỗi ngày và tạo ra một lượng lớn năng lượng nhiều đến mức đáng kinh ngạc".

Phần còn lại của bài thuyết trình đa phần được truyền tải với ngôn ngữ đơn giản và ít sử dụng từ ngữ nhất có thể, giống như cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill từng nói: "Từ ngắn gọn là những từ tốt nhất và những từ thông dụng mà ngắn gọn lại càng tốt hơn. Ý nghĩa của chúng sẽ gắn liền với tính cách nhân vật và điều đó giúp họ thu hút được đông đảo người nghe hơn". Ông cũng từng là một cựu phóng viên, người hiểu rõ việc sử dụng từ ngữ càng ngắn gọn sẽ càng tiếp cận được nhiều người.

Hay như trong chương trình truyền hình trực tiếp ăn khách nhất nước Mỹ Super Bowl, những người dẫn chương trình phải học cách đơn giản hóa mọi lời nói để có thể truyền tải nội dung đến đông đảo khán giả nhất. Ngôi sao bóng bầu dục nổi tiếng Tony Gonzalez từng chia sẻ trên tờ Wall Street Journal rằng: "Bạn không học cách kể lại con đường bạn đến với bộ môn này như thế nào. Thứ bạn phải học là làm thế nào diễn tả những điều cần nói trong vòng 10 hoặc 30 giây".

Còn theo huấn luyện viên Bill Cowher của đội Pittsburgh Steelers, Super Bowl là trận đấu khán giả chỉ xem duy nhất mỗi năm một lần nên điều quan trọng là phải thể hiện mọi thứ ở mức đơn giản để ít nhất khán giả có thể cảm thấy thu hút và dễ hiểu. Các lịch thi đấu đang ngày càng trở nên phức tạp, và đó là lý do tại sao những lời giải thích phải trở nên đơn giản mới có khả năng tiếp cận được đông đảo khán giả theo dõi.

Đồng thời, theo Gallo, khi công nghệ ngày càng trở nên phức tạp thì thông điệp truyền tải đến khách hàng phải đơn giản hết mức có thể, "Đừng cảm thấy ngu ngốc khi bạn đang đơn giản hóa mọi thứ, bởi điều đó sẽ giúp bạn tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong lúc cố gắng làm nổi bật chúng".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bí quyết thuyết trình: Càng đơn giản, càng thuyết phục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO