Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1/2020

Tùy Phong| 30/12/2019 06:00

Công ty tài chính chỉ được nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày, cấm hành hạ vật nuôi, lương tối thiểu vùng tăng lên, nhiều vi phạm về đất đai bị phạt đến 1 tỷ đồng… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2020.

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1/2020

1. Chính thức tăng lương tối thiểu vùng

Có hiệu lực từ 1/1/2020, Nghị định 90/2019/NĐ-CP ban hành ngày 15/11/2019 quy định mức lương tối thiểu vùng với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Theo đó, mức lương tối thiểu vùng mới được áp dụng cho người lao động làm việc ở doanh nghiệp với 4 mức, tương ứng 4 vùng lương. Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng I tăng 240.000đ, lên 4.420.000đ/tháng; vùng II tăng 210.000đ, lên 3.920.000đ/tháng; vùng III tăng 180.000đ, lên 3.430.000đ/tháng; vùng IV tăng 150.000đ, lên 3.070.000đ/tháng.

Nghị định nêu rõ, mức lương tối thiểu vùng mới này là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương. Với người lao động làm công việc đòi hỏi lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề, mức lương phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng trên. Từ ngày 1/1/2020, Nghị định này làm hết hiệu lực Nghị định 157/2018/NĐ-CP.

2. Công ty tài chính chỉ được nhắc nợ khách hàng tối đa 5 lần/ngày

Có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, Thông tư 18/2019/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 4/11/2019 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.

Theo đó, biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ của công ty tài chính phải phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa với khách hàng. Cụ thể, số lần nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7g00 - 21g00.

Bên cạnh đó, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng tại một công ty tài chính so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính đó tại thời điểm cuối ngày làm việc liền kề trước ngày ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng phải tuân thủ tỷ lệ tối đa theo lộ trình sau:

Từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021 là 70%. Từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022 là 60%. Từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023 là 50%. Từ ngày 1/1/2024 trở đi là 30%.

3. Các trường hợp miễn kiểm tra an toàn thực phẩm trước thông quan

Có hiệu lực từ 1/1/2020, Nghị định 85/2019/NĐ-CPban hành ngày 14/11/2019 quy định về thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Theo đó, ngoài các trường hợp miễn kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật, Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các trường hợp dưới đây được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm:

- Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh có trị giá hải quan được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế;

- Hàng hóa nhập khẩu trong danh mục và định lượng miễn thuế theo quy định của pháp luật phục vụ cho công tác và sinh hoạt của tổ chức nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao;

- Hành lý của người nhập cảnh trong định mức miễn thuế;

- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ.

4. Điều kiện về vốn đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài

Có hiệu lực từ 1/1/2020, Nghị định 89/2019/NĐ-CP ban hành ngày 15/11/2019 quy định nhà đầu tư nước ngoài được phép chiếm tối đa 34% vốn điều lệ của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài. Theo quy định hiện hành tại Nghị định 92/2016/NĐ-CP thì tỷ lệ nêu trên là 30%.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng thêm điều kiện: Phải có ít nhất một cá nhân Việt Nam hoặc một pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất; Trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài góp vốn thì phần vốn góp nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân.

5. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 chính thức có hiệu lực

Theo đó, kể từ ngày 1/1/2020, một loạt hành vi dưới đây sẽ bị nghiêm cấm:

- Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn;

- Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia;

- Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; bán, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi… 

- Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc và nghỉ giữa giờ làm việc;...

Ngoài ra, cũng theo Luật này, không được uống rượu, bia ở nơi công cộng, bệnh viện, trường học, nơi vui chơi của trẻ em… Đồng thời, không được mở mới điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ như các nhà hàng, quán nhậu… trong bán kính 100m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường học...

6. Cấm đánh đập, hành hạ vật nuôi

Đây là một trong những nội dung mới tại Luật Chăn nuôi 2018 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020. Theo đó, đã quy định về việc đối xử nhân đạo với vật nuôi như sau: Không đánh đập, hành hạ vật nuôi; có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh; …

Đồng thời, Luật cũng quy định khi giết mổ vật nuôi phải hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; phải có biện pháp gây ngất trước khi giết mổ; không để chúng chứng kiến cảnh đồng loại bị giết mổ.

7. Tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực về đất đai

Có hiệu lực từ ngày 5/1/2020, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ban hành ngày 19/11/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và thay thế Nghị định 102/2014/NĐ-CP hiện hành. Nghị định này tăng hàng loạt mức phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này, điển hình như:

- Phạt đến 500 triệu đồng với cá nhân và 1 tỷ đồng với tổ chức nếu lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp (tăng 100 lần so với mức phạt trước đây)

- Phạt đến 500 triệu đồng với cá nhân và 1 tỷ đồng với tổ chức nếu tự ý chuyển từ đất trồng lúa sang đất ở (tăng 10 lần mức phạt so với trước đây)

- Phạt đến 20 triệu đồng với cá nhân và 40 triệu đồng với tổ chức nếu chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không có Sổ đỏ (tăng 4 lần mức phạt so với trước đây)

- Phạt đến 5 triệu đồng với cá nhân và 10 triệu đồng với tổ chức nếu không sang tên Sổ đỏ khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất (tăng 2 lần mức phạt so với trước đây)

- Phạt đến 10 triệu đồng với cá nhân và 20 triệu đồng với tổ chức nếu bỏ hoang đất mà không thuộc trường hợp bất khả kháng (mức phạt này trước đây chưa quy định).

Đồng thời, Nghị định bổ sung quy định mới, xử phạt với trường hợp tổ chức thực hiện dự án kinh doanh bất động sản không nộp hồ sơ làm thủ tục cấp Sổ đỏ cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc không cung cấp, cung cấp không đầy đủ giấy tờ cho người mua. Mức phạt tiền với trường hợp trên căn cứ vào thời gian và phạm vi căn hộ công trình xây dựng vi phạm. 

Cụ thể, vi phạm từ 50 ngày đến 6 tháng, mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng với trường hợp vi phạm dưới 30 căn hộ; tối đa 50 triệu đồng với phạm vi từ 30 đến 100 căn hộ, trên 100 căn hộ với mức phạt tối đa 100 triệu đồng.

Vi phạm thời gian từ 6 - 9 tháng mức phạt cao nhất lên tới 300 triệu đồng với trường hợp từ 100 căn hộ. Đặc biệt, vi phạm từ 12 tháng trở lên với phạm vi từ 100 căn hộ sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng và buộc nộp hồ sơ hoặc cung cấp đầy đủ giấy tờ cho người mua.

Với cá nhân, Nghị định cũng quy định trường hợp Toà án nhân dân và cơ quan hành chính các cấp yêu cầu cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu liên quan đến đất đai để thanh tra, kiểm tra, thu thập chứng cứ giải quyết tranh chấp mà quá thời hạn không cung cấp sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.

Trường hợp cá nhân sử dụng giấy tờ giả trong thực hiện thủ tục hành chính và các công việc khác liên quan tới đất đai mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1/2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO