![]() |
Cuốn sách tựa đề 1987 của chủ biên Nick M (Minh Ngọc) ra mắt vào tháng 11/2017 có Phạm Toàn Thắng là một nhân vật trong đó - nơi anh được trải nghiệm những tâm tư, tình cảm khi vừa bước qua tuổi 30.
Vượt qua khủng hoảng
Thắng kể, anh quen Ngọc từ năm 2007 thời còn chat yahoo với nhau và mối quan hệ ấy được duy trì cho đến tận ngày hôm nay. Đầu 2017, Ngọc trao đổi với anh về ý tưởng của một cuốn sách viết cho những bạn cùng sinh năm 1987. "Ngọc có nói tôi viết một chương trong đó về những gì mình đã trải qua nhưng thú thực, tôi có thể viết nhạc chứ văn chương, mình ngu ngơ lắm. Nhưng anh ấy động viên tôi cứ viết theo cảm xúc cá nhân. Và khi nhận được chủ đề đúng "tủ" của mình - nhạc trên các diễn đàn - thời điểm Cô bé mùa đông vừa ra đời và được yêu mến, tôi tự tin hơn", Thắng kể về những ngày đặt bút viết những trang sách đầu tiên.
Trước đó, trong đêm giao thừa năm 2016, anh cũng viết ca khúc 30 - bài hát kỷ niệm những năm tháng tuổi trẻ của mình. Con số 30 do đó là một dấu ấn với Thắng.
Thắng tự nhận mình may mắn so với nhiều nghệ sĩ trẻ khác khi anh được trải nghiệm cuộc sống như một người bình thường, chứ không phải của người đã có chút ít tiếng tăm. Anh được sống những năm tháng sinh viên, được viết nhạc theo ý mình thích, có những khó khăn trong cuộc sống, làm đủ nghề khác nhau... trước khi có chút tiếng tăm như ngày hôm nay. Thắng nhấn mạnh: "Tuổi 30 thực sự là những kỷ niệm của bản thân".
Nhưng, trước khi chạm mốc 30 tuổi ấy là những tháng ngày khủng hoảng. Nếu những năm 22 - 25 tuổi khi vừa tốt nghiệp đại học là thời gian Thắng mông lung đi tìm định hướng nghề nghiệp; 25 - 28 tuổi là những năm tạm ổn định thì 2 năm trước 30 là thời gian khó khăn nhất. Đó là những tháng ngày muốn bứt phá, làm cái gì thật khác đi, được thể hiện bản thân nhiều hơn nhưng có quá nhiều thứ chi phối và nhiệt huyết, đam mê cũng phần nào vơi đi. Đó là những ngày tháng nhiều mối bận tâm cho cơm áo gạo tiền, cho gia đình... mà không phải lúc nào cũng bất chấp để đánh đổi. Thắng đã trải qua tất cả, đủ và đầy nhất.
![]() |
Phạm Toàn Thắng và ca sĩ trẻ Trương Thảo Nhi |
Năm 2014 - 2015, khi đã có hàng loạt giải thưởng, sự kỳ vọng của khán giả, giới chuyên môn và báo chí lên cao cũng là lúc Thắng thấy mình áp lực, khi viết nhạc không còn thấy thoải mái. Vì sợ mọi người sẽ nhìn, đánh giá mình như thế nào nên mọi thứ viết ra không còn trơn tru, tự nhiên. Đó là lúc Thắng thấy mình quá mệt mỏi nhưng chưa bao giờ có ý nghĩ buông xuôi.
"Mỏi gối chồn chân chỉ vài giây, ta lại bắt đầu hành trình", Thắng viết trong ca khúc 30. Đó cũng là lời nhủ của Thắng dành cho chính mình. Không sợ hãi mà mạnh mẽ bước tiếp lối đi riêng của mình. "Tôi muốn quay lại như thời ban đầu, khi sâu sắc sẽ viết nhạc sâu sắc, khi phởn phơ là những ca khúc phởn phơ và khi nào tình cảm là những ca khúc thật nhẹ nhàng".
Và Thắng chấp nhận mọi chỉ trích, khen chê dội về mình. Có người nói anh chiêu trò, Thắng chấp nhận. Có người nói anh không bản lĩnh, cũng chấp nhận. Và cả những chê bai âm nhạc anh viết không hoàn hảo, chấp nhận luôn. Nhưng với Thắng, điều quan trọng nhất anh đã được sống với cảm xúc của mình, bởi tuổi trẻ luôn có những điên rồ, mông lung mà không thể nói đâu là đúng, là sai.
Anh cũng chấp nhận cho mọi người thấy mặt tối, sự không hoàn hảo của mình và đối diện với tất cả để tìm đến sự sáng tạo, tiến bộ. Thắng tự nhủ anh đã sống hết mình cho bản thân, dám đối diện, sống thật với chính mình bởi mọi thứ sẽ không tốt hơn nếu mình không dám đối diện với những hạn chế. "Có người nghe nhạc của tôi nhưng khi đọc facebook cá nhân không nghĩ tôi sống như vậy. Đôi khi là bụi đời, buông thả đấy, nhưng tôi biết đâu là điểm dừng, bởi mình còn trách nhiệm với gia đình".
Từ chối mọi lời đặt hàng
Vì cảm xúc là điều quyết định trong âm nhạc, nên với Thắng những ca khúc anh viết trước hết và trên hết dành cho chính bản thân mình. Có hàng chục lời đặt hàng đến từ các ca sĩ khác nhau nhưng chưa một lần anh nhận lời, bởi nếu thích ai đó, anh có thể viết tặng chứ không thể viết theo ý thích của họ.
Điều Thắng sợ nhất, đó là một ngày nếu âm nhạc không còn chân thật với chính mình, anh sẽ thôi không được làm nhạc nữa. "Tôi chưa bao giờ viết nhạc cho ai theo kiểu đo ni đóng giày. Tôi cho rằng viết nhạc giống như một cuốn sổ để ghi lại cảm xúc hỗn loạn bên trong từ bực tức, nguy hiểm, sâu sắc cho đến trữ tình... ".
Nhưng Thắng không phản đối chuyện các ca sĩ có thể bỏ ra số tiền hàng trăm triệu để mua các ca khúc mới, nếu họ cảm thấy điều đó là tốt và xứng đáng. Thắng thẳng thắn: "Ở phạm trù này, việc chấp nhận hay không chấp nhận thuộc về mối quan hệ giữa ca sĩ và nhạc sĩ sáng tác, không ai ép ai".
Sự hòa hợp trong âm nhạc đã mang đến sự kết hợp rất thành công giữa Thắng và Hà Anh Tuấn thời gian qua, đặc biệt là trong live concert Fragileg của Hà Anh Tuấn được tổ chức vào tháng 9 và tháng 11/2017 ở Hà Nội và TP.HCM, đồng thời cũng không phá vỡ đi quy tắc ấy của anh.
Thắng tâm sự, anh gặp Hà Anh Tuấn ở nhiều điểm chung: những chàng trai thành thị, yêu và suy nghĩ khá giống nhau, cảm nhận về cuộc sống khá tương đồng. Và quan trọng hơn, khi nghe đàn anh hát nhạc của mình, Phạm Toàn Thắng thấy nó đúng với cái chất mình cần truyền tải.
"Kết hợp với ai đó phải là sự phù hợp. Anh Hà Anh Tuấn đã đồng cảm với nhiều ca khúc mà tôi sáng tác trong dự án vừa rồi". Có lẽ thế nên đâu cần đo ni đóng giày, hàng loạt ca khúc như Tháng tư là lời nói dối của em, Người con gái ta thương, Người, Chuyện của mùa đông, Cứ thế, Em à... đã cho thấy, cả hai - Phạm Toàn Thắng và Hà Anh Tuấn - đã là cặp bài trùng mới trong âm nhạc.
Trong âm nhạc, Thắng ủng hộ quan điểm nghệ thuật không miễn phí. Anh tin nếu một ngày, khán giả chấp nhận bỏ tiền, dù chỉ là 1.000 đồng để nghe, tải một ca khúc trên mạng thì khi đó tự khắc họ sẽ biết chọn lọc, được quyền nghe những sản phẩm chất lượng, thay vì nghe dễ dãi và cũng dễ dãi phán xét âm nhạc Việt đương đại.
Thắng ví von rất thú vị, nếu bạn bớt đi số tiền mua một ly trà sữa khoảng 50.000 đồng, có nghĩa là bạn có trong tay 50 ca khúc bản quyền và thoải mái sử dụng. "Khán giả có quyền đưa ý kiến. Nhưng khi họ bỏ tiền ra mới có quyền ca thán và tạo thói quen trân trọng những giá trị sáng tạo", Thắng bày tỏ.
Ở tuổi 30, Thắng vẫn đang miệt mài sáng tác và chơi nhạc theo cách của riêng mình. Anh ấp ủ những sáng tác mới về đề tài xã hội nhức nhối, bạo liệt hơn như nạn bạo hành, bắt nạt, đeo bám, mọt sách và thích cảm giác được khai thác những góc cạnh mới hơn. Có lẽ vậy nên Thắng thật lạ khi suy nghĩ: "Đôi khi việc đón nhận những tiêu cực cũng là sự giải tỏa".