Với những diễn biến khó lường từ tình trạng kháng thuốc kháng sinh, nhiều nước đã vận động loại bớt việc sử dụng kháng sinh trong điều trị.
Giữa tháng 5 vừa qua, Thái Lan đã báo động tình trạng kháng thuốc kháng sinh, đưa ra con số cho thấy có đến 100 người chết mỗi ngày vì lạm dụng thuốc kháng sinh. Đây không phải là vấn đề mới mẻ của y học, nhưng trong bối cảnh sự phát triển kinh tế không đồng đều, nhiều nước đang phát triển vẫn chưa có phương hướng giải quyết triệt để việc lạm dụng kháng sinh.
Nước Anh có thể xuất hiện tín hiệu vui cho việc hạn chế kháng sinh. Telegraph ngày 26/5 dẫn số liệu của tổ chức cải thiện sức khỏe cộng đồng NHS Improvement cho thấy các bác sĩ ở Anh đã hạn chế 7,3% số đơn thuốc trong giai đoạn năm 2015 - 2016, tức đã giảm 2,6 triệu đơn thuốc kháng sinh.
Bất chấp là một nước phát triển, ở Anh mỗi năm vẫn chứng kiến hơn 80% số lượng đơn thuốc kháng sinh không xuất phát từ bệnh viện, mà từ các bác sĩ gia đình, phòng khám tư nhân. Số liệu của NHS cũng cho thấy việc sử dụng thuốc kháng sinh, vốn dành để giải quyết các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, đã giảm 16% đơn thuốc trong giai đoạn 2014 - 2015.
Hiện tượng kháng kháng sinh xảy ra khi vi khuẩn thay đổi theo cách làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc chất kháng sinh nói chung. Chúng sẽ tiếp tục tồn tại và trở nên nguy hại hơn. Từ khi con người bắt đầu lạm dụng kháng sinh, vi khuẩn được cho là đã phát triển khác đi theo năm tháng và quay ngược trở lại gây hại, tạo ra biến chứng.
Có thể nói hiện tượng "lờn thuốc" là một phần nhỏ trong kháng kháng sinh, khi người bệnh uống thuốc không đúng cách. Hiện nay có khoảng 50.000 người ở châu Âu và Mỹ mất mạng hằng năm vì hiện tượng kháng kháng sinh, BBC dẫn thống kê của NHS cho biết.
Do kháng sinh được mua quá dễ dàng, đặc biệt ở các nước quy định lỏng lẻo về vấn đề này, nên "cuộc chiến" với kháng thuốc kháng sinh vẫn còn nhiều trở ngại. Đặc biệt kể cả với những người đã tự ý thức về việc không lạm dụng kháng sinh, họ vẫn còn nguy cơ khác khó tránh khỏi: nhiễm bệnh từ kháng sinh có trong thức ăn.
Một nghiên cứu mới đây tại Đại học Southampton (Anh) cho thấy cần phải tiến hành thêm nhiều cuộc kiểm tra về tác động của kháng sinh khi nó được truyền từ đất nông nghiệp qua chuỗi thức ăn, từ đó gây hại cho con người. Theo đó, kháng sinh có thể lẫn vào chuỗi thức ăn từ phân bón cây trồng. Nếu động vật hoặc con người ăn phải thực phẩm chứa kháng sinh, thì có nguy cơ dính các loại kháng sinh không mong muốn, dù không hề uống thuốc kháng sinh.
GS. Bill Keevil và TS. Marc Dumont là những người đứng đầu công trình nghiên cứu về Mạng lưới kháng kháng sinh và lây nhiễm (NAMRIP) nói trên. Ông Keevil cho biết: "Chương trình này chỉ ra rằng vi khuẩn kháng kháng sinh xuất phát từ nông nghiệp (qua chăn nuôi, xử lý nước thải, việc ủ phân bón, xử lý phân động vật không đúng cách...) góp phần tạo ra gene kháng kháng sinh cho vi sinh vật trong đất, gây khó khăn hơn trong việc điều trị nếu chúng lan truyền trong chuỗi thức ăn gây bệnh".
Tình trạng kháng thuốc là một trong những vấn đề lớn của xã hội trong tương lai. Tính tới năm 2050, nếu không được giải quyết, hiện tượng này sẽ giết chết nhiều người hơn cả bệnh ung thư.
>Liệu pháp miễn dịch - Cách điều trị ung thư từ bên trong
>7 cách đơn giản phòng ngừa ung thư
> Ebook mới: Ung thư – Chớ để “Trời kêu”