Theo hãng tin Financial Times, việc giảm giá Nhân dân tệ 3% so với đồng USD không đủ sức hỗ trợ cho những khó khăn mà Trung Quốc đang gặp phải.
Động thái điều chỉnh tỷ giá tuần trước của Trung Quốc đang là tâm điểm tranh cãi của nhiều chuyên gia về việc liệu đây là sự thành công trong tiến trình cải cách thị trường tiền tệ hay là ý đồ hỗ trợ cạnh tranh xuất khẩu. Tuy nhiên, dù mục đích của chính quyền Bắc Kinh là gì, nhiều chuyên gia cho rằng việc giảm giá Nhân dân tệ 3% so với đồng USD không đủ sức hỗ trợ cho những khó khăn mà nước này đang gặp phải.
Ngân hàng HSBC cho rằng động thái giảm giá Nhân dân tệ thúc đẩy xuất khẩu là không hiệu quả và cũng không cần thiết khi tình trạng xuất khẩu giảm tốc đang xuất hiện tài nhiều nước Châu Á chứ không riêng Trung Quốc. Nguyên nhân thực sự của tình trạng này là do nhu cầu tại các thị trường phát triển suy giảm.
Theo báo cáo của chính quyền Bắc Kinh, tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm 2015 đạt 7%, tương đương mục tiêu tăng trưởng cả năm. Tuy nhiên, một số hãng tư vấn nghi ngờ số liệu này. Hãng Capital Economics cho rằng con số thực tế chỉ đạt 5-6%. Trong khi đó, có nhiều thông tin cho rằng Trung Quốc cần tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế để ngăn chặn tình trạng giảm tốc.
Bên cạnh đó, tăng cường sức cạnh tranh của xuất khẩu có thể đóng góp không nhiều cho nền kinh tế nước này. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang cố gắng chuyển đổi nền kinh tế từ dựa vào đầu tư cơ sở hạ tầng và xuất khẩu sang tập trung cho thị trường tiêu dùng nội địa. Do đó, xuất khẩu chỉ đóng góp 3% trong tăng trưởng GDP bình quân năm 2004-2014, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 52% hàng năm của phân khúc đầu tư.
Trớ trêu thay, tăng trưởng đầu tư tài sản cố định tại Trung Quốc 7 tháng đầu năm 2015 ở mức thấp nhất kể từ năm 2000 do những bất ổn trên thị trường bất động sản. Sản lượng công nghiệp tháng 7/2015 của nước này cũng ở gần mức thấp nhất trong 4 năm qua.
Mặc dù doanh số bán nhà đã bắt đầu tăng trở lại sau 13 tháng giảm liên tiếp, nhưng thị trường bất động sản nước này vẫn ảm đạm với số lượng căn hộ chưa bán ở mức khổng lồ. Đây là nguyên nhân chính khiến các dự án xây dựng mới bị đình trệ, qua đó giảm nhu cầu với các nguyên vật liệu như sắt, thép, xi măng… Như một phản ứng lan truyền, các nhà máy sản xuất hàng hóa phải giảm sản xuất cũng như hạ mức đầu tư cho kinh doanh.
Đây vẫn chưa phải là điều tồi tệ nhất với chính quyền Bắc Kinh khi có những dấu hiệu cho thấy sản lượng suy giảm có thể ảnh hưởng đến thị trường lao động. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã nhận thấy sự bất ổn của thị trường lao động đến tình hình xã hội khi kinh tế tăng trưởng nóng thời gian trước đây, nhưng họ không áp dụng các biện pháp giảm tốc bởi tỷ lệ thất nghiệp được duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, tình trạng này có thể sẽ thay đổi nếu ngày càng có nhiều người mất việc làm do các nhà máy giảm công suất hoạt động.
Những số liệu khả quan về thị trường lao động được chính phủ công bố bị nhiều chuyên gia nghi ngờ về tính chân thực. Hãng nghiên cứu FT Confidental cho biết chỉ số nhu cầu lao động của nước này trên thực tế đã giảm xuống mức 49,3 điểm trong tháng 7/2015, thấp hơn mức bình quân 67,8 điểm trong 6 tháng đầu năm và lần đầu tiên thấp hơn mức 50 điểm kể từ năm 2012 (dưới 50 điểm là dấu hiệu cho thấy nhu cầu lao động suy giảm trên thị trường).
Ngân hàng HSBC nhận định chính quyền Bắc Kinh không cố gắng sử dụng những biện pháp mạnh để kích thích kinh tế trong ngắn hạn, thay vào đó họ chỉ đang cố gắng giải quyết những rắc rối như vay nợ quá lớn và dư thừa sản lượng.
Chính quyền Bắc Kinh muốn cải cách cơ cấu nền kinh tế sang tập trung cho thị trường tiêu dùng và dịch vụ. Điều này đồng nghĩa với việc các ngành công nghiệp nặng sẽ phải “nhường đường” cho các lĩnh vực không khói như y tế, giáo dục, du lịch và công nghệ thông tin. Do đó, quốc gia này có thể phải chịu ảnh hưởng giảm tốc trong đầu tư.
Để thực hiện mục tiêu cải cách trên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã và đang giới hạn đầu tư cho cơ sở hạ tầng đồng thời thúc đẩy cho vay tại các ngân hàng thương mại đối với ngành sản xuất. Hậu quả là tổng mức nợ của nước này đã tăng từ 7 nghìn tỷ USD năm 2007 lên 28 nghìn tỷ USD giữa năm 2014, tương đương 282% GDP. Tuy nhiên, nếu thị trường lao động tiếp tục xấu đi, áp lực sử dụng những biện pháp kích thích mạnh sẽ ngày càng lớn.
Một vấn đề nữa khiến các quan chức Trung Quốc đau đầu là rủi ro giảm phát. Giá bán buôn đã liên tục giảm trong 40 tháng tính đến tháng 7/2015, giá sản xuất trong cùng tháng cũng giảm 5,4%, chỉ số giá tiêu dùng được dự đoán chỉ ở mức 1,5%, thấp hơn so với mục tiêu 3% trong năm nay.
Việc giá các hàng hóa trên thế giới giảm mạnh thời gian qua chủ yếu là do nhu cầu tại Trung Quốc đi xuống. Rõ ràng, doanh thu giảm đang khiến các doanh nghiệp nước này vô cùng lo lắng, đặc biệt là với những công ty có vay nợ lớn.
Theo Financial Times, tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc năm 2015 có thể sẽ tăng bất chấp tỷ lệ vay nợ mới 7 tháng đầu năm đã giảm 21%. Nguyên nhân là lạm phát tăng chậm lại khiến GDP danh nghĩa tăng chậm hơn rất nhiều so với tổng dư nợ.
Với nhiều vấn đề bất cập như vậy, việc điều chỉnh tỷ giá gần đây của Trung Quốc có vẻ chưa hỗ trợ nhiều được cho nền kinh tế. Thay vào đó, quyết định này của chính quyền Bắc Kinh chỉ làm bùng lên những lo ngại từ ngân hàng trung ương các nước cũng như làm lây lan khó khăn của mình cho các quốc gia khác.
>Đồng nhân dân tệ rẻ đi: Điện thoại xuống, chuối lên
>Trung Quốc "hứa" không để Nhân dân tệ mất giá đến 10%
> 5 câu hỏi về động thái Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ