Trò chuyện doanh nhân

Ông Trần Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, Chủ nhiệm Liên minh Chuyển đổi số TP.HCM: “Chính quyền số tạo động lực phát triển kinh tế số, xã hội số”

Cao Khánh Hưng 1/8/2024 6:00

Cuộc hẹn vào ngày cuối tuần và có đôi phần gấp gáp, nhưng khi nghe mục đích cuộc trò chuyện xoay quanh vấn đề chuyển đổi số, đặc biệt là việc xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số của TP.HCM, ông Trần Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, Chủ nhiệm Liên minh Chuyển đổi số TP.HCM đã nhận lời. Cuộc trò chuyện cho tôi có thêm góc nhìn về cụm từ “công bằng”, “minh bạch” và việc phải liên minh, liên kết thay vì chỉ cạnh tranh.

Vừa đến, ông đã trao đổi với tôi về Liên minh Chuyển đổi số trực thuộc Hội Tin học TP.HCM (HCA). Ông đang chịu trách nhiệm kết nối một số bên liên quan tham gia, trong đó có lời mời Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số cho doanh nghiệp (DN) cũng như hướng tới chương trình chuyển đổi số chính quyền cho các cơ quan, ban, ngành trong khu vực công. Tôi hỏi:

2.jpg

* Ông có thể cho biết vai trò của Liên minh Chuyển đổi số?

- Thời gian qua, chúng ta nghe về ba từ “chuyển đổi số” quá nhiều, nhưng theo tôi, để hiểu thực chất, triển khai hiệu quả, tận dụng hết cơ hội để bứt phá chuyển đổi số thì chưa phải DN, hay rộng hơn là địa phương nào cũng làm được. Đặc biệt là chuyển đổi số trong những lĩnh vực đặc thù thì không phải ai cũng nắm vững. Tôi khẳng định, không có DN nào dám tự tin là có đủ các giải pháp công nghệ để sản xuất, kinh doanh và cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng. Khó lắm! Mỗi DN chỉ mạnh một mảng. Do đó, Liên minh Chuyển đổi số thành lập để tập hợp sức mạnh của DN trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ chuyển đổi số cho khách hàng, đưa đến khách hàng giải pháp công nghệ toàn diện, hiệu quả nhất.

* Liên minh chuyển đổi số quy tụ những thành viên theo tiêu chí nào, thưa ông?

- DN lớn hay vừa, DN nhỏ đều có thể tham gia Liên minh Chuyển đổi số, nhưng trên hết là phải có giải pháp công nghệ tốt, đột phá, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Nếu cung cấp giải pháp thì thành viên trong Liên minh cần có đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, tận tình để đồng hành cùng khách hàng từ khâu lên ý tưởng, chạy thử, vận hành; phải có khả năng liên kết hơn là cạnh tranh. Đặc biệt, Liên minh phải thấu hiểu để giải quyết được những vấn đề còn tồn tại của khách hàng, đặc biệt là khách hàng trong khu vực công, cụ thể là chính quyền các địa phương.

* Được biết, trong thời gian qua, chuyển đổi số chính quyền tại các địa phương, đặc biệt là TP.HCM đã có nhiều thay đổi rõ rệt…

- Chuyển đổi số trong chính quyền, nói cách khác là chính phủ số là một trong ba trụ cột của chuyển đổi số, bên cạnh kinh tế số và xã hội số. Chính quyền số phải tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.

Đúng là những năm vừa qua, rất nhiều dịch vụ công mà các cơ quan Nhà nước cung cấp cho công dân đã được chuyển đổi sang nền tảng số. Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã phát huy những điểm tích cực, chỉ số chuyển đổi số của Việt Nam tăng liên tục trong thời gian qua.

3.jpg

TP.HCM là một địa phương triển khai xây dựng chiến lược chuyển đổi số chính quyền từ rất sớm. Đầu năm 2024, Thành phố đã thành lập Trung tâm Chuyển đổi số do Chủ tịch Phan Văn Mãi trực tiếp chỉ đạo. Thời gian qua, Thành phố liên tục nằm trong top 5 tỉnh - thành phố ở thứ hạng cao trong trụ cột chính phủ số, thủ tục hành chính đối với người dân và DN cũng đã dễ dàng hơn trước.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn những bất cập trong chuyển đổi số. TP.HCM chưa phải đơn vị đứng đầu về chỉ số ICT (ứng dụng công nghệ thông tin), DTI (chuyển đổi số) trong khi là đầu tàu kinh tế của cả nước. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến chỉ số cải cách hàng chính (PAR-Index) năm 2023 chỉ xếp hạng 33/63 địa phương, chưa đạt mục tiêu đề ra là nằm trong top 15. Giữa kỳ vọng của người dân, DN, với tốc độ chuyển đổi số của chính quyền TP.HCM còn có khoảng cách.

* Theo ông , điểm nghẽn nào khiến chuyển đổi số chưa được như kỳ vọng?

- Khái niệm chuyển đổi số khác hoàn toàn với số hóa. Thay vì số hóa là tập trung triển khai giải pháp về công nghệ thông tin thì chuyển đổi số phải đi từ nhu cầu của từng tổ chức, DN, thông qua kế hoạch cụ thể, công nghệ thông tin chỉ là công cụ để đảm bảo kế hoạch đó được thực thi. Không riêng gì TP.HCM, các địa phương đều có chiến lược chuyển đổi số chính quyền, tuy nhiên còn thiếu sự đồng bộ, chưa thông suốt từ trên xuống dưới.

Một điểm nghẽn nữa, không chỉ với TP.HCM mà của các tỉnh - thành, chính là chưa có kiến trúc chung về chuyển đổi số dẫn đến việc khó triển khai vì sợ bị trùng lặp, lãng phí; thiếu liên kết, đồng bộ nguồn dữ liệu. Khi chúng tôi tiếp cận chính quyền các địa phương mạnh về tiềm lực kinh tế, họ đều chia sẻ kinh phí không thiếu, luôn sẵn sàng, nhưng lúng túng không biết bắt đầu như thế nào, cần sự chỉ đạo từ Trung ương để đầu tư cho trúng, đúng.

Mỗi ngành, mỗi lĩnh vực có đặc thù khác nhau trong hoạt động cũng như nhiệm vụ chuyên môn, đòi hỏi phải có bộ giải pháp chuyển đổi số mang tính nền tảng. Nhưng hiện nay, ngoại trừ một số ngành như thuế, hải quan… đã chuyển đổi số đạt yêu cầu, các lĩnh vực khác vẫn còn rất thiếu.

Phía khách hàng đã vậy, về phía DN cung cấp dịch vụ chuyển đổi số cũng còn một số hạn chế. Mỗi khách hàng đều có đặc thù về ngành nghề, nguồn lực riêng, nếu muốn hỗ trợ hiệu quả, buộc phải hiểu họ. Sự “giao tiếp” này đã có, nhưng còn chưa thực sự hiệu quả. Vẫn còn khoảng cách giữa người sử dụng và người cung cấp dịch vụ chuyển đổi số.

Thị trường chuyển đổi số rất lớn và không có DN nào đầy đủ giải pháp cho các ngành, các lĩnh vực, nên đừng nghĩ chỉ cạnh tranh mà phải liên kết. Đó là động lực để chúng tôi quyết tâm phát triển liên minh chuyển đổi số. Hội tụ càng nhiều DN, càng nhiều giải pháp, càng tạo niềm tin cho khách hàng là chính quyền các địa phương.

* Vậy ông có đề xuất gì để thu hẹp khoảng cách triển khai chính quyền số và kỳ vọng của người dân, DN?

- Chuyển đổi số trong chính quyền là cả một quá trình, cần sự quyết tâm và chiến lược dài hạn, nhưng chúng ta cần nhìn vào những tồn tại để giải quyết.

Chuyển đổi số là để giải quyết nhu cầu cụ thể, nên cần có những giải pháp phù hợp cho chính quyền từng địa phương.

Ví dụ, không thể đưa giải pháp chuyển đổi số chính quyền được nghiên cứu và tạo ra từ Trung ương hoặc tỉnh - thành nào đó áp dụng hoàn toàn vào TP.HCM, bởi “độ vênh” rất lớn. Hay ở cấp độ thấp hơn, các quận, huyện, phường, xã thuộc TP.HCM cũng cần có những giải pháp chuyển đổi số riêng. Tất nhiên không thể ngồi yên chờ đợi, mà TP.HCM đang “vừa xếp hàng vừa đi”. Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đang xây dựng khung kiến trúc chuyển đổi số cho riêng Thành phố và sẽ lấy ý kiến của các chuyên gia công nghệ thông tin, các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ về vấn đề này.

Riêng từng ngành, từng lĩnh vực, cần xây dựng giải pháp chuyển đổi số mang tính nền tảng để triển khai thống nhất, đồng bộ, tránh phủ định lẫn nhau.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh trao đổi giữa chính quyền, tức các cơ quan, ban, ngành với những đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số. Lĩnh vực chuyển đổi số cho chính quyền có nhiều điểm khác biệt. Đơn vị cung cấp giải pháp cần thấu hiểu đặc thù của từng cơ quan, từng ngành, hiểu được các Thông tư, Nghị định, quy trình liên quan đến ngành đó để đưa ra những giải pháp phù hợp, chính xác. Nên sự trao đổi liên tục trên tinh thần là đối tác thực chất, cùng có lợi thay vì cơ chế “xin - cho” sẽ góp phần tạo hiệu quả cho mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số cho chính quyền.

untitled-1.jpg

* Thưa ông, có phải cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị khu vực công cũng là động lực thúc đẩy chuyển đổi số…

- Nhu cầu chuyển đổi số càng mạnh mẽ thì sự thiếu hụt về nhân lực sẽ nảy sinh càng nhiều, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao sẵn sàng thay đổi, thích nghi với tình hình mới. Đây cũng là một trong số những vấn đề không chỉ riêng TP.HCM mà cả các địa phương khác. Nắm bắt được thực trạng này, hiện nay, các đơn vị cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số chính quyền đã cung cấp luôn nguồn nhân lực phù hợp với từng hoạt động, giảm bớt phần nào áp lực lên các cơ quan, đơn vị khu vực công về vấn đề này.

Theo kinh nghiệm của tôi, khi triển khai chính quyền số cho các tỉnh - thành, cần có ít nhất ba bốn nhân sự thường trực làm việc với các cơ quan của địa phương đó để hỗ trợ giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện. Nhưng, nói như thế không phải DN cung cấp giải pháp chuyển đổi số có thể giải quyết được hoàn toàn.

12339566_520746204759611_7387685849601399508_o.jpg

Một số khách hàng luôn đánh giá cao dịch vụ, tư vấn của DN nước ngoài, sẵn sàng chi trả cho hạng mục tư vấn rất lớn, nhưng đến khi làm việc với đối tác trong nước thì lại chi rất thấp, mà ngờ đâu, DN nước ngoài cũng thuê lại phần lớn dịch vụ của DN trong nước.

TP.HCM cũng như các địa phương cần đẩy mạnh đào tạo đội ngũ công chức, viên chức để đáp ứng chuyển đổi số chính quyền. Đặc biệt, thay đổi tư duy, nhận thức của đội ngũ này rất quan trọng. Bởi không thể phủ nhận nhiều người còn e ngại quá trình chuyển đổi số chính quyền ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc làm họ, cùng với việc còn tư duy bảo thủ, ngại thay đổi. Nói vui, cách đây khoảng hai chục năm, việc sử dụng Email - Thư điện tử khác gì một “cuộc cách mạng”. Dần dần rồi công chức, viên chức cũng phải quen, và Email đã thành một công cụ không thể thiếu. Ví dụ đơn giản vậy thôi nhưng để thấy, thời gian sẽ thay đổi được quan điểm và thói quen. Chuyển đổi số chính quyền cũng cần một thời gian để nâng cấp, chứ không thể “ào ào” một cái là xong.

* Có phải mảng cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho khách hàng là chính quyền, sẽ là một thị trường tiềm năng trong thời gian tới, thưa ông?

- Lĩnh vực cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho chính quyền luôn là thị trường vô cùng lớn và tiềm năng cho DN dựa vào, tạo đà để phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, tồn tại một thực trạng đáng buồn trong lĩnh vực cung cấp giải pháp cho chính quyền số là có vẻ “miếng bánh” này đang khó tiếp cận đến những “đứa con” nhỏ bé hơn.

* Cụ thể là gì, thưa ông?

- Đấy là cách tôi nói vui! Nếu ví chính quyền là “cha mẹ”, DN cung cấp giải pháp số là “con”, thì những đứa con nhỏ bé hơn cần được tạo môi trường để lớn mạnh và để phát triển. Nhưng hiện tại, dường như “cha mẹ” đang chỉ cho những đứa con đã lớn, đã khỏe được điều kiện nhiều, còn mấy đứa nhỏ, dẫu có tiềm năng nhưng vẫn đứng nhìn… Có một vài người, tôi không tiện nêu tên, từng trao đổi rằng, DN cung cấp giải pháp cần phải năng động, nhắm đến những “khách hàng ngoài kia”, chứ cứ “nhăm nhe” vào thị trường khách hàng ở khu vực công làm gì. Nhưng thực tế đã chứng minh, ở một số quốc gia, như Trung Quốc chẳng hạn, nhiều DN nổi tiếng như Huawei, ZTE, Tencent… để lớn mạnh, họ cũng nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền. Tại Việt Nam, các DN lớn đã và đang cung cấp giải pháp dịch vụ cho chính quyền để tạo đà lớn mạnh.

Tóm lại, theo tôi nên có những chính sách tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng hơn, thậm chí còn phải có sự ưu tiên, nâng đỡ từ chính quyền các địa phương với DN cung cấp giải pháp chuyển đổi số quy mô vừa và nhỏ.

4.jpg

* DN cung cấp giải pháp chuyển đổi số nhỏ và vừa cũng cần phải có sản phẩm - dịch vụ tốt thì mới mong được “để mắt” chứ?

- Chắn chắn rồi. Và tôi biết, nhiều DN Việt Nam có các giải pháp công nghệ tốt, hiệu quả không thua kém gì các công ty nước ngoài, mức chi phí phù hợp. Tuy nhiên, không đơn giản như thế. Thực tế, vẫn còn tư duy “sính ngoại”. Hay nói cách khác, vẫn thiếu sự “bảo hộ” của người Việt với chính hàng Việt.

Một số khách hàng luôn đánh giá cao dịch vụ, tư vấn của DN nước ngoài, sẵn sàng chi trả cho hạng mục tư vấn rất lớn, nhưng đến khi làm việc với đối tác trong nước thì lại chi rất thấp, mà ngờ đâu, DN nước ngoài cũng thuê lại phần lớn dịch vụ của DN trong nước. Đó là nghịch lý đáng buồn, làm “chảy máu” nguồn kinh phí. Nhiều startup muốn bước vào lĩnh vực kinh doanh chuyển đổi số cũng thấy “đàn anh” đang “trầy da tróc vẩy” mà e ngại.

* Một chia sẻ đối với DN cung cấp giải pháp chuyển đổi số đang muốn bước vào thị trường với khách hàng đặc thù là chính quyền, ông sẽ nói gì?

- Phải liên kết với nhau. Thị trường chuyển đổi số rất rộng và không có DN nào đầy đủ giải pháp cho các ngành, các lĩnh vực, nên đừng nghĩ chỉ cạnh tranh mà phải liên kết. Đó là động lực để chúng tôi quyết tâm phát triển Liên minh Chuyển đổi số. Hội tụ càng nhiều DN, càng nhiều giải pháp, càng tạo niềm tin cho khách hàng là chính quyền các địa phương. DN hãy sẵn sàng, cứ lao vào thị trường này nếu nhận thấy mình có đủ năng lực, có sản phẩm đủ tốt. Bởi cuối cùng, tất cả đều hướng đến mục tiêu xây dựng giải pháp chuyển đổi số tốt nhất, hướng đến sự văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị!

Tăng tốc xây dựng chính quyền số sẽ gỡ nhiều điểm nghẽn lớn trong bài toán kinh tế, chính trị, xã hội của TP.HCM.
Trong phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của UBND TP.HCM mới đây, Chủ tịch Phan Văn Mãi xác định hai điểm nghẽn lớn nhất là hiệu quả cải cách thủ tục hành chính chưa cải thiện nhiều và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao. Ông Mãi cho rằng, những vấn đề này liên quan mật thiết đến nhau, và sẽ giải quyết được nếu như tăng tốc xây dựng và phát triển chính quyền số tại TP.HCM.
Đơn cử như giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2024 còn chưa được như kỳ vọng. Nếu như các công cụ về quản lý và thúc đẩy giải ngân đầu tư công được triển khai sẽ giúp cho lãnh đạo Thành phố dự báo được các điểm nghẽn từ sớm, đánh giá được tốc độ giải ngân vốn một công trình trong bất kỳ khoảng thời gian nào có vấn đề gì, vướng mắc ở đâu, nếu tiếp diễn trong thời gian dài sẽ như thế nào, từ đó chỉ đạo được đưa ra kịp thời, đúng thời điểm.
Khi chính quyền điện tử, chính quyền số được đẩy mạnh, hiệu quả xử lý thủ tục hành chính từ đó cũng cải thiện, tạo điều kiện thúc đẩy DN đầu tư sản xuất, kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông Trần Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, Chủ nhiệm Liên minh Chuyển đổi số TP.HCM: “Chính quyền số tạo động lực phát triển kinh tế số, xã hội số”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO