Ông Phạm Phú Trường - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu GIBC: "Vượt qua thách thức làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn"

Lữ Ý Nhi| 26/11/2020 08:40

Gặp Phạm Phú Trường tại Đại hội Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA-HCM), trong vai trò Chủ tịch mới của YBA-HCM, ông khá bận rộn với nhiều hoạt động tại sự kiện nên không có nhiều thời gian để trò chuyện. Thế nhưng, chỉ vài trao đổi chóng vánh đủ để tôi hy vọng về một đội ngũ doanh nhân trẻ với khát vọng "dấn thân - đột phá - lan tỏa" vốn là tôn chỉ mà YBA đặt ra cho nhiệm kỳ XI (2020-2023).

1-8265-1606292889.jpg

* Với khẩu hiệu hành động mang tính đột phá của YBA, nhưng vào thời điểm nền kinh tế đang rất khó khăn và dự báo phải mấy năm nữa mới có thể hồi phục, ông có thấy áp lực?

- Để làm tốt nhất nhiệm vụ trong điều kiện nhiều khó khăn thì không thể không có áp lực. Song với tôi, thách thức trong công việc làm cho cuộc sống trở nên thú vị và vượt qua thách thức làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn. Tuy nhiên, nhờ có anh em trong Ban chấp hành cùng đồng lòng với đích đến nên tôi cảm thấy mọi việc sẽ suôn sẻ.  

Với khẩu hiệu đặt ra trong nhiệm kỳ XI là "dấn thân - đột phá - lan tỏa", YBA hướng đến ba mục tiêu hành động là tập trung phát triển kinh doanh của hội viên, tăng cường công tác xã hội, cộng đồng, mang lại hạnh phúc cho từng hội viên cũng như nâng cao giá trị hạnh phúc cho xã hội. Đó không chỉ là mục tiêu hành động chung mà còn là trách nhiệm và sứ mệnh của mỗi hội viên YBA. 

Áp lực đối với Ban chấp hành nhiệm kỳ X là làm sao thúc đẩy tinh thần hành động, đóng góp của mỗi doanh nghiệp cho sự phát triển chung của đất nước, trong đó chú trọng việc nâng tầm thương hiệu mỗi cá nhân, doanh nghiệp có đủ trí, lực, uy tín, xứng đáng là đội ngũ chủ lực cho sự phát triển kinh tế của TP.HCM và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cả nước . 

Nhiệm kỳ XI là làm sao để YBA trở thành chỗ dựa tinh thần cho hội viên, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, làm sao để ngay trong lúc khó khăn nhất, hội viên vẫn tin tưởng vào Hội.

Trong nhiệm kỳ 2020-2023 của YBA, kinh tế đất nước có nhiều biến động, cánh cửa hội nhập rộng hơn với ngày càng nhiều hiệp định thương mại tự do được thực thi, áp lực với Ban chấp hành mới là tiếp tục xây dựng đội ngũ doanh nhân trẻ có tinh thần dấn thân, khơi gợi tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo, biết nắm thời cơ và điều kiện thuận lợi để vươn lên, lan tỏa giá trị cho cộng đồng và từng bước ra "biển lớn" sánh vai với doanh nhân toàn cầu.

 * Nhưng tại sao lại là "dấn thân - đột phá - lan tỏa" mà không phải là các tôn chỉ khác, thưa ông? 

- Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, ba mục tiêu "dấn thân - đột phá - lan tỏa" được xem là đủ cho tinh thần doanh nhân trẻ dám hành động, dám đón nhận thử thách và học hỏi những điều mới mẻ.

3-7549-1606292889.jpg

Một năm qua, khi nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và sắp tới vẫn còn phải đối mặt với khó khăn thì tinh thần dấn thân càng quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt là doanh nhân trẻ. Dấn thân cũng là "mệnh lệnh" để hội viên cùng xốc tới và không bao giờ bỏ cuộc. Bởi nếu không dấn thân thì không thể làm được những gì muốn làm, đặc biệt không dám vượt qua vùng an toàn của chính bản thân mình. Song dấn thân ở đây không chỉ trong kinh doanh mà cả công tác xã hội, đóng góp không toan tính vào hoạt động của Hội và cộng đồng. 

Còn đột phá - nếu nói trong phạm vi rộng thì là cách để doanh nghiệp hội nhập toàn diện vào nền kinh tế đất nước và thế giới. Còn phạm vi hẹp thì đột phá là giải pháp để mỗi doanh nghiệp tự thoát ra khó khăn. Trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh vừa qua cho thấy, những doanh nghiệp có tư duy đột phá đều vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động và đạt được nhiều thành quả khả quan. Trong YBA, khi thấy hội viên gặp khó khăn, chúng tôi phải có tư duy đột phá để đưa ra những chương trình hoạt động cụ thể để họ vững tin hơn và không bỏ cuộc.

Với mục tiêu xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng gắn với trách nhiệm với cộng đồng, những năm qua, YBA đã có nhiều chương trình xã hội có ý nghĩa, như chương trình "Vòng tay chia sẻ", "Thư viện container" đem lại tri thức cho các bạn nhỏ. Điều vui nhất là khi doanh nhân đặt tên "Thư viện container" thì các bạn nhỏ lại gọi đó là "Ngôi nhà tri thức". Nhìn các em chuyền tay nhau những cuốn sách để đọc, chúng tôi thấy công việc đang làm có ý nghĩa và đó cũng là cách lan tỏa năng lượng tích cực để tạo ra một nền tảng tốt cho xã hội và thế hệ tương lai.

Hay trong đợt Covid-19 vừa rồi, khi trách nhiệm cộng đồng của mỗi doanh nhân được lan tỏa thì đó cũng làm nên giá trị cho doanh nhân. Một xã hội mà nhiều con người cùng hướng thiện và nhiều việc làm tốt được lan tỏa thì xã hội sẽ có nhiều điều tốt đẹp và nhân văn. Thực hiện trách nhiệm với cộng đồng là giá trị mà doanh nhân tạo ra, đồng thời cũng là cách tạo tiền đề tốt đẹp cho thế hệ tương lai.

* Nhưng ngoài trách nhiệm cộng đồng, doanh nhân còn có nhiều giá trị khác cần lan tỏa...

- Đúng vậy. Đối với doanh nhân, đặc biệt trong thời đại công nghiệp 4.0 và kinh tế tri thức, doanh nhân cũng cần lan tỏa giá trị sống, tri thức, kinh nghiệm mà họ đã tích góp, trải nghiệm. Đó chính là bài học thực tiễn, cụ thể nhất và chỉ có doanh nhân mới có thể là người thầy dẫn dắt và truyền kinh nghiệm một cách sinh động và thuyết phục.

* Có một thực tế là nhiều tổ chức hội thường đưa ra các mục tiêu lớn nhưng làm được thì không nhiều, vậy làm thế nào để tôn chỉ hành động của YBA không trở thành khẩu hiệu suông?  

- Để mục tiêu không trở thành khẩu hiệu suông, nhiệm kỳ XI của YBA đưa ra các chương trình hoạt động cụ thể. Sau mỗi chương trình sẽ đánh giá tính hiệu quả, kịp thời điều chỉnh các hoạt động chưa đáp ứng nhu cầu của hội viên. Bên cạnh đó, YBA xây dựng các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, lãnh đạo cho doanh nhân phù hợp với môi trường kinh doanh quốc tế. YBA sẽ là đầu mối kết nối giao thương, kết nối với các tổ chức quốc tế, giúp doanh nghiệp hội nhập và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.    

* Khái niệm doanh nhân trẻ trong YBA được hiểu là tuổi đời hay tuổi kinh doanh, thưa ông?

- "Trẻ" ở đây bao gồm nhiều nội hàm. Ví dụ, khi nói đến trẻ thì nhiều người nghĩ đến nhiệt huyết, sự năng động, sự táo bạo, sự lạc quan, thậm chí là nông nổi, bồng bột. Với nhiệm kỳ XI này, yếu tố trẻ được hiểu là dám nghĩ, dám làm, dám đưa ra quyết định táo bạo để thành công, bứt phá thì đó là yếu tố "trẻ" tích cực.

* Có một số doanh nhân trẻ có khát vọng nhưng đó là khát vọng làm giàu cho bản thân và khẳng định thương hiệu cá nhân, thậm chí quan niệm "làm thế đủ rồi". Ông nghĩ thế nào về điều ấy? 

- Mỗi người đều có quyền lựa chọn ưu tiên của mình, nhưng đối với doanh nhân, đã nói khát vọng thì đó là mong muốn tìm một điều gì đó lớn lao hơn. Một doanh nhân được xã hội thừa nhận thì không chỉ vì thành tích kinh doanh mà còn vì những giá trị đã đóng góp cho xã hội, như vậy buộc phải vươn ra khỏi vùng an toàn của bản thân.

Thực tế hiện nay có không ít bạn trẻ có quan niệm "làm thế đủ rồi", "tại sao phải làm nhiều hơn" và cũng có một số anh em tham gia hội nhóm chỉ làm những việc "cho có" hay tạm bằng lòng với những gì có được để... an nhàn và hưởng thụ. Câu hỏi là nếu năng lực của bạn còn có thể làm được nữa, nếu doanh nghiệp của bạn đã có được 500 triệu USD và có khả năng kiếm được 1 tỷ USD thì tại sao lại không làm? Khi trả lời được câu hỏi đó để hành động thì có nghĩa bạn đang tạo ra một doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng và có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. 

Hiện một số doanh nhân nhiều tuổi đã nghĩ đến việc này, nhưng một số doanh nhân trẻ vẫn còn loay hoay với "cơm áo gạo tiền". Đó cũng là lý do để YBA đặt mục tiêu phải lan tỏa tinh thần dấn thân, đột phá trong doanh nhân trẻ.

2-9013-1606292889.jpg

* Có câu hỏi: Làm thế nào để các startup Việt Nam "hóa rồng"?...   

- Một trong những điểm yếu của startup Việt Nam là thiếu kinh nghiệm, vì vậy muốn "hóa rồng" thì phải tích lũy kinh nghiệm nhanh chóng, không phải là từ quá trình thất bại mà là quá trình học hỏi từ những người đi trước mà họ đã thất bại rồi. Điểm yếu thứ hai của nhiều startup là thiếu vốn, nhưng khi các bạn đã tích lũy đủ kinh nghiệm và có ý tưởng tốt thì lại không còn quá khó khăn về vốn nữa. Tuy nhiên, hiện nay nước ta vẫn chưa có hệ sinh thái đủ mạnh, chưa có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm hay các quỹ đầu tư thiên thần, những vườn ươm và ngay cả thị trường chứng khoán cũng chưa có danh mục dành cho startup, ví dụ như vài trăm triệu hay vài tỷ đồng để hỗ trợ và nuôi những ý tưởng khởi nghiệp độc đáo, sáng tạo hay các startup lớn lên. Đó cũng là mục tiêu hành động mà Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM đưa ra và tham gia hỗ trợ các startup "hóa rồng". "Hóa rồng" được hiểu là sự thành công và muốn thành công thì phải qua từng bước, từ "trứng", "cá chép"... 

Điều cần nhất hiện nay để các startup có cơ hội phát triển là xây dựng được không gian chung về khởi nghiệp như cầu nối giúp liên kết các startup không chỉ với nhà đầu tư mà còn với các mentor, doanh nghiệp và cả các cơ quan nhà nước. Xây dựng không gian liên kết chung có thể giải quyết được những hạn chế và rào cản trong hành trình khởi nghiệp của các startup cũng như góp phần xây dựng những giá trị chung để phát triển bền vững.

* Ông có thấy nghịch lý khi đa số startup càng non, càng nhỏ thì càng không dám ra "sông lớn", trong khi có ý kiến cho rằng, nếu nép mình mãi trong "lạch nhỏ" thì không lớn được?

- Muốn "hóa rồng" thì phải dấn thân vào thị trường, nhưng nhiều startup vẫn thu mình trong một thị trường nhỏ, chưa dám đương đầu với thách thức mới, chưa dám chọn đối thủ cạnh tranh lớn hơn để làm mục tiêu phấn đấu. Một khi chưa dám vượt qua thách thức thì chưa thể "hóa rồng". 

Còn những doanh nghiệp chọn sân chơi lớn thì cơ hội "hóa rồng" là có, chẳng hạn như có doanh nghiệp muốn vươn ra thị trường nước ngoài hay đặt ra hoài bão trở thành công ty số một Việt Nam về một lĩnh vực nào đó và họ phấn đấu ngày đêm, cố gắng hết sức mình để đạt kết quả, thì đó là sự dấn thân.

Theo tôi, khởi nghiệp hiện nay phải đi nhanh, đột phá và khác biệt theo sự phát triển của thế giới. Khi hội nhập, sự cạnh tranh cũng dựa vào chuỗi giá trị toàn cầu chứ không phải trong nước, nên cần phải mạnh dạn dấn thân, dám trải nghiệm, chấp nhận va vấp để học và để tìm cơ hội mới.

* Đảm nhiệm vị trí lãnh đạo một số công ty kinh doanh, nhưng ông vẫn chọn công việc chính là tư vấn doanh nghiệp. Theo ông, khó khăn nhất của công ty tư vấn hiện nay là gì, đặc biệt trong giai đoạn các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn?

- Cái khó nhất của người làm tư vấn hiện nay là sự kết nối hiểu biết giữa khách hàng và nhà tư vấn về mặt kiến thức và sự hiểu biết của nhà tư vấn đối với tình trạng doanh nghiệp. Thứ hai là thói quen sử dụng tư vấn, lắng nghe nhà tư vấn trong nước của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Ngược lại, cũng phải nói là do yêu cầu phát triển nên nhiều doanh nghiệp tư vấn chưa đặt quyền lợi, lợi ích và sự thành công của khách hàng làm đầu, nên mối quan hệ với doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Nhưng đó là các doanh nghiệp tư vấn nhỏ, còn các doanh nghiệp lớn thì hiện nay đã xây dựng văn hóa tư vấn, có tư duy độc lập. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã xem tư vấn là cần thiết.

* Có áp lực nào với công ty tư vấn trong nước khi doanh nghiệp vẫn có quan niêm "bụt nhà không thiêng"?

- Doanh nghiêp tư vấn nước ngoài có lượng thông tin toàn cầu phong phú hơn doanh nghiệp tư vấn trong nước. Bên cạnh đó, đúng là có tâm lý "bụt nhà không thiêng", thấy người Việt Nam tư vấn thì không tin tưởng bằng... Tây. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư vấn Việt Nam lại có lợi thế hơn về việc hiểu người Việt Nam, hiểu doanh nghiệp Việt Nam nên dễ chia sẻ, đồng cảm. Đặc biệt, hiểu chính sách, môi trường, kinh tế vĩ mô và hiểu được Việt Nam cần gì, con người Việt Nam cần gì thì tư vấn sẽ sâu hơn và gần với nhu cầu cũng như thực tiễn doanh nghiệp hơn.

4-8051-1606292890.jpg

* Trong hành trình trở thành doanh nhân, nếu cho ông một cơ hội được làm lại, ông sẽ "sửa sai" điều gì?

- Tôi từng mải mê với những ý định kinh doanh kiếm tiền mà không xem trọng việc học, lại muốn nhìn thấy kết quả ngay. Tôi đã quên rằng học mới là điều quan trọng nhất. Rồi tôi ngộ ra, muốn làm người lãnh đạo tốt thì phải học cách phát triển bản thân và phát triển theo hai hướng trí và lực. Trí là trí tuệ. Lực là thể lực, sức khỏe tốt để có thể làm việc và chịu đựng trong môi trường nhiều áp lực.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông Phạm Phú Trường - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu GIBC: "Vượt qua thách thức làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO