Trong khi các chuyên gia kinh tế đang bàn về các kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2009 thì nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn chưa lấy lại được tinh thần sau quá nhiều khó khăn liên tục diễn ra trong năm 2008. DN ngành nhựa chẳng những chịu ảnh hưởng của các chính sách kinh tế vĩ mô mà còn khốn đốn bởi giá cả nguyên, vật liệu lúc cao ngất ngưởng, khi hạ tận đáy, thị trường bị co hẹp do sức tiêu dùng trong nước và nước ngoài suy giảm. Ông Hồ Đức Lam, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam nói về tình trạng ngành nhựa hiện nay:
DN nhựa năm nay chạy theo giá cả nguyên liệu hơi mệt. Đến giờ mà nói đến hiệu quả thì thật là hơi khó, bởi các DN đang phải xem xét mức độ được, mất thế nào rồi mới có con số chính thức. Nhìn chung, từ tháng 10 trở đi, các DN nhựa giảm sản lượng 40 - 50%, có DN đóng cửa không sản xuất, có DN phá sản.
Có công ty không sản xuất nổi nữa nên đem nhà xưởng cho DN còn sản xuất được thuê lại, lấy ít tiền cho thuê mặt bằng trang trải một số chi phí cần thiết. Thị phần ngành nhựa giảm 40 - 50% so với năm ngoái do nhu cầu trong nước và xuất khẩu đều giảm sút.
* Lỗ lã do thị trường giảm sút và lỗ lã do giá nguyên, vật liệu biến động, lý do nào nhiều hơn thưa ông?
- Cả hai, nhưng lỗ lã do giảm sút thị trường chiếm tỷ trọng cao hơn vì phần lớn DN đều nhập khẩu nguyên liệu dự trữ. Khi giá cao thì không đủ vốn, phải chạy lo kiếm tiền để nhập trữ. Đến hai tháng qua, giá nguyên liệu nhựa giảm đến 40 - 50% thì chắc chắn lỗ.
* Trước mắt, theo ông, làm thế nào để hạn chế DN ngành nhựa phá sản?
- Đó là bài toán dài, cần có thời gian, quá trình thực hiện và phải có sự thống nhất từ hiệp hội, ban ngành. Quan trọng nhất là phải giúp DN tiếp cận vốn tốt nhất vì phần lớn họ thiếu vốn. Lãi suất là một chuyện, còn hiện nay DN có vay được vốn hay không lại là chuyện khác.
- Nhiều DN cần vốn nhưng không làm sao có đủ điều kiện để vay vì năm qua sản xuất đình đốn, mà ngân hàng thường kiểm tra hoạt động kinh doanh của DN xem có giảm sút, sản phẩm tồn kho có nhiều hay không thì mới cho vay. Thành ra, những DN có tình hình tài chính tốt vay dễ hơn.
- Chính phủ đã nói đến giải pháp kích cầu tiêu dùng. Điều này nên làm bởi nhu cầu tiêu dùng hiện quá thấp, tuy nhiên, phải tạo dựng niềm tin. Một loạt tác động không tốt từ những chính sách vĩ mô đã làm giảm niềm tin của người tiêu dùng và cả của DN. Kích cầu như thế nào để vực dậy ngành nhựa thì đến nay vẫn chưa thấy kế hoạch cụ thể.
* Gần đây, các DN ngành nhựa đang hướng đến thị trường Trung Đông với hy vọng mở rộng xuất khẩu, theo ông liệu có triển vọng không?
- Ngành nhựa hiện xuất khẩu sang 45 nước, đã có xuất sang châu Phi và Trung Đông nhưng rất ít, xuất gián tiếp qua các công ty thương mại ở châu Á. Trung Đông gồm các nước có mỏ dầu nên có nhiều tiền, nhu cầu của họ lại không thay đổi nhiều so với các nước khác. Đây là thị trường khá ổn định, có tiềm năng thay thế cho thị trường Mỹ và châu Âu.
- Trong thuận lợi cũng có khó khăn, quan trọng là DN Việt Nam tìm được lối ra, mỗi DN nên có mục tiêu riêng cho từng thị trường. Rủi ro về thanh toán ở thị trường Trung Đông là điều cần quan tâm. Hàng rào thuế quan của họ không ổn định nên cũng khó. Hiệp hội có lời khuyên cho các DN nhựa: Vào thị trường nào thì cũng cần có độ bền vững, trong giao thương phải nghiêm túc, nếu không chỉ có thể “ăn xổi”. Một số DN vừa rồi qua châu Phi làm không tốt, tạo hình ảnh rất xấu cho DN Việt Nam nói chung.