Tôi có cô bạn là giáo viên tiểu học ở TP.HCM. Mỗi năm cô ấy tự bỏ tiền túi thuê xe hoặc được phụ huynh tài trợ thêm, chở học sinh lớp mình đi tham quan các vùng nông thôn. Vì vậy, khi đến thăm một nông trại ở nước Pháp xa xôi, tôi chợt nghĩ đến cô ấy.
Các nông trại đều nằm ở ngoại ô Paris, có diện tích vài chục hecta, trồng đủ loại rau, hoa, quả. Vào cuối tuần và các dịp nghỉ lễ, thị dân Paris và các vùng lân cận đổ về đây, đưa con nít theo. Hôm tôi đến, người của nông trại đứng ở cổng, tươi cười, đưa cho mỗi gia đình cái giỏ bằng bìa cứng như đi siêu thị, rồi cả nhà í ới đi hái dâu, hái xà lách và hái hoa, mùa nào thức ấy.
Ngoài cổng có cái bảng hướng dẫn chi tiết: "Hôm nay dâu chín, hoa lys tươi, cắm trong bình rất lâu tàn...". Thì ra đây là mô hình dành cho thú mê nông trại của dân thành phố, thay cho trò chơi nông trại trên mạng, các phụ huynh đưa con đến một khu vườn thật để trải nghiệm nghề nông và hòa mình vào thiên nhiên.
Nhìn bọn trẻ con Pháp, thấy chúng cũng "ghiền" nghề nông và "ngố” chẳng kém gì trẻ xứ mình mỗi dịp được về quê. Mô hình tự chọn nông sản để hái về dùng khiến khách tham quan có cảm giác sung sướng như đang thu hoạch sản phẩm do mình tự trồng, loại nào cũng tươi hơn hớn, sạch sẽ, tươi ngon.
Mấy cô bé hễ nhìn thấy dâu chín đỏ thắm thì cứ muốn hái thêm, hái nữa cho đầy giỏ. Chủ trại cho phép ăn thử tại chỗ thoải mái, tha hồ nếm đủ loại trái cây. Các ông bố, bà mẹ vừa hái rau, quả, hoa, vừa tranh thủ giải thích cho con cái cây này được gieo trồng bằng hạt, mọc lên như thế nào, quả chín ra làm sao...
Hết một buổi vui chơi và thu hoạch, cả nhà tay xách nách mang "chiến lợi phẩm" ra cổng để cân và tính tiền. Giá ở đây rẻ hơn ở chợ hay siêu thị, vì không phải trả công thu hái, không có phí chuyên chở, bảo quản...
Tôi để ý thấy chủ vườn không hề lo bị hao hụt hay hư hại nông sản, vì trẻ con được giáo dục ý thức tôn trọng thành quả lao động của người khác từ rất sớm, chúng cẩn thận hái quả, đi đứng thận trọng để không làm gãy dập bất cứ thứ gì. Khách hàng thì vừa sướng tay sướng mắt, được xả stress, lại còn có chỗ cho bọn trẻ vừa chơi vừa học hỏi lúc nghỉ Hè, rồi được mua hàng giá rẻ, tươi ngon, nói chung cả người lớn lẫn trẻ con đều hỉ hả.
Ngay bên cạnh nông trại còn có một cái chợ bán các thứ tự trồng và tự làm trong vùng, lúc nào cũng có một hàng dài người xếp hàng chờ mua phô mai, sữa nguyên kem, bơ tươi, kem tươi của các bà nội trợ làm theo công thức truyền thống...
Phía trước cửa, chủ nông trại còn tranh thủ dụ con nít và cha mẹ chúng bằng mấy con bò gỗ trên mình mang vài câu hỏi trắc nghiệm, chẳng hạn như: "Bạn nghĩ mỗi ngày một con bò uống bao nhiêu lít nước? - Chọn 1 trong 3 đáp án: 20, 50, 70 lít". Bọn trẻ gỡ cái bảng gỗ che câu trả lời ra xem mình trả lời đúng hay sai rồi cười như nắc nẻ.
Trải qua một buổi chiều ở nông trại, tôi càng thấy thắt lòng nhớ thương con mình đang nghỉ Hè ở thành phố chỗ nào cũng đông nghịt người và xe, không có chỗ chạy nhảy, chơi đùa; nhớ cô bạn giáo viên cố gắng dạy học trò con bò không phải là con chó to; nhớ ông bác ở quê Quảng Nam quanh năm ta thán "được mùa mất giá, được giá mất mùa", và phải vắt óc nghĩ cách đối phó với thương lái ép giá; nhớ những xe dưa hấu hư đổ đống ở cửa khẩu Trung Quốc vì đọng hàng dội chợ; nhớ mấy cánh đồng lớn ven thành phố đã bị san lấp, phân lô làm dự án rồi để cỏ dại mọc tràn lan vì bất động sản đóng băng; nhớ cả mấy cái "mô hình nông nghiệp sinh thái đô thị”, "phong trào xây dựng nông thôn mới" không biết đến bao giờ mới giúp nông dân Việt bớt khổ.
Mỗi lần xuất ngoại, được "mục sở thị” những mô hình mang lại hạnh phúc cho người dân nước sở tại, trong tôi lại cháy bỏng ước mơ giá như dân xứ mình cũng có được "hạnh phúc giản đơn" như vậy...
Tôi nhớ mô hình thăm vườn cây ăn trái, được hái trái ăn thỏa thích tại chỗ và trả tiền khi mua về từng có ở Lái Thiêu, nhưng sau này không còn tồn tại cũng do sự tính toán của con người.
Ở miền Trung quê tôi cũng có mấy mô hình làng nghề trồng rau, dệt vải, nuôi tằm, nhưng các chủ đầu tư không quan tâm đến khách hàng trẻ em nghỉ Hè thèm có chỗ chơi đùa gần gũi với thiên nhiên và còn được "mắt thấy tai nghe" những lý thuyết được học ở trường lớp, mà họ chỉ nhắm vào khách du lịch nước ngoài, và đa số dịch vụ đều khá cao cấp nên các em không thể với tới.
Không có việc gì khó, chỉ cần có tấm lòng yêu trẻ, liệu có "lực bất tòng tâm"?