Nông nghiệp Việt Nam: "Lạm phát" những cuộc giải cứu

THIÊN YẾT| 25/04/2017 01:53

Sau "chiến dịch giải cứu chuối" ở Đồng Nai và "giải cứu dưa hấu" ở Quảng Ngãi, dư luận lại đang xôn xao với việc "giải cứu" ngành chăn nuôi lợn.

Nông nghiệp Việt Nam:

Để cụm từ "giải cứu" tránh rơi vào tình trạng sử dụng "lạm phát" như thời gian gần đây thì việc dự báo cung cầu, quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng đề án phát triển ngành đều rất quan trọng.

Sau "chiến dịch giải cứu chuối" ở Đồng Nai và "giải cứu dưa hấu" ở Quảng Ngãi, dư luận lại đang xôn xao với việc "giải cứu" ngành chăn nuôi lợn, do giá lợn hơi sụt giảm ở mức kỷ lục, chỉ còn 25.000đ/kg.

Trước thực trạng ấy, ngày 24/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) đã tổ chức cuộc họp khẩn để kêu gọi các doanh nghiệp, các hiệp hội sản xuất thức ăn chăn nuôi cùng hỗ trợ để "cứu người nuôi lợn" trong giai đoạn khó khăn này và tìm giải pháp phát triển ngành chăn nuôi bền vững. 

Theo Bộ NNPTNN, trong tổ chức sản xuất hiện nay, quy mô trang trại lợn vừa và lớn mới chiếm 45% tổng đàn nuôi, 55% vẫn ở quy mô hộ nhỏ lẻ. Hiện có khoảng 3 triệu hộ nhỏ lẻ tham gia nuôi lợn. Nguyên nhân dẫn đến giá thành đầu vào cao và rất khó kiểm soát theo chuỗi bởi các khâu đều tách rời, dẫn đến khi thị trường có rủi ro như hiện tại (đầu ra sụt giảm mạnh), gây nhiều thiệt thòi cho người sản xuất nhỏ.

Link bài viết

Từ "giải cứu" từ lâu đã trở nên quen thuộc trong kinh doanh ở Việt Nam, từ "giải cứu nông sản" cho đến "giải cứu bất động sản". Việc phải "giải cứu chuối" ở Đồng Nai diễn ra giữa quý I vừa rồi là do năm 2016, khi giá chuối tăng cao, nhiều nông dân đổ xô trồng chuối làm cho diện tích tăng không kiểm soát nổi và vì phụ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc nên khi đầu ra ở thị trường này bị tắc đã dẫn đến tình trạng chuối chín rục trong vườn không ai mua. Và hàng loạt cuộc "giải cứu" đã diễn ra.

Không riêng về trái chuối mà hiện nay, việc xuất khẩu rau quả, thậm chí gạo, các doanh nghiệp đều hướng đến thị trường Trung Quốc. Theo Tổng cục Hải quan, trong quý I - 2017, xuất khẩu gạo đạt 1,29 triệu tấn, kim ngạch 565,2 triệu USD và Trung Quốc vẫn là thị trường hàng đầu, chiếm trên 40% cả về lượng lẫn giá trị.

Trong khi với mặt hàng rau quả, tính đến 15/4, tổng giá trị xuất khẩu đạt 857 triệu USD, Trung Quốc chiếm đến hơn 70% kim ngạch. Việc quá phụ thuộc vào một thị trường phần nào giải thích cho tình trạng đầu ra dễ bị ách tắc.

Nhưng việc nuôi con gì, trồng cây gì, xuất khẩu đi đâu không đơn thuần là trách nhiệm của nông dân hay doanh nghiệp (thu mua, sản xuất, chế biến), nó còn là quy hoạch, định hướng, khuyến cáo hay hỗ trợ tìm kiếm thị trường từ các cơ quan xúc tiến thương mại, các bộ, ngành liên quan.

Bài học từ Campuchia cho thấy, dù đi sau và sản lượng không thể sánh với Việt Nam nhưng trong xuất khẩu hiện nay, gạo của nước này đã "chinh phục" được những thị trường Âu, Mỹ vốn đòi hỏi cao về chất lượng. Bằng cách nào Campuchia có thể đi nhanh như thế?

Về vấn đề này, theo GS-TS. Võ Tòng Xuân, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC, thuộc WB) đã theo sát quy trình xây dựng ngành gạo của Campuchia, từ khâu chọn giống, tập huấn cho nông dân trồng lúa đúng theo kỹ thuật Global Gap, đến việc xây dựng thương hiệu, từ đó có kế hoạch cho vay.

Song song đó, WB đã đề xuất với Chính phủ Campuchia chọn một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lúa gạo để tập huấn về mặt kỹ thuật, cho vay tiền xây dựng 8 nhà máy sản xuất giống lúa tốt, chế biến thành phẩm và đóng gói. IFC đã hỗ trợ kinh phí đưa chủ nhân của 8 nhà máy này đến nhiều nơi trên thế giới để giới thiệu thương hiệu gạo Campuchia qua việc tổ chức những gian hàng gạo tại các hội chợ nông sản quốc tế.

Để tránh phải rơi vào tình trạng "giải cứu" đang "lạm phát" như thời gian gần đây thì việc dự báo cung cầu, quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng đề án phát triển ngành đều rất quan trọng. Việc tiếp cận thông tin thị trường nhanh, đầy đủ và chính xác cũng là một trong những giải pháp để dần đưa ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nông nghiệp Việt Nam: "Lạm phát" những cuộc giải cứu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO