Ngày 5/10/2019 vừa qua, tại sàn đấu giá Sotheby’s ở Trung tâm Triển lãm Hồng Kông, tác phẩm hội họa Phụ nữ của Sanyu (1901-1966), họa sĩ người Hoa sống và sáng tác tại Pháp, đã được bán với giá gõ búa 25,2 triệu USD. Cũng tại sàn Sotheby’s trong ngày 5/10/2019, bức tranh Giấu dao sau lưng của nghệ sĩ đương đại Nhật Bản Nara Yoshitomo, 59 tuổi, đã được bán với giá khó tin: 25 triệu USD. Ngay sau đó, ngày 6/10/2019 tại sàn đấu giá Poly, tác phẩm điêu khắc - sắp đặt tổng hợp Không là gì cả ngoại trừ nhà xanh (Not Everything But/Green House) của Nara Yoshitomo được bán với giá chốt 40,1 triệu HKD (tương đương 5,12 triệu USD).
Bên trong tác phẩm Không là gì cả ngoại trừ nhà xanh |
Bức sơn dầu phụ nữ khỏa thân nằm của Sanyu có kích thước vào loại lớn nhất trong số tranh khỏa thân của ông: 122,5x135cm, trong khi tác phẩm hội họa của Nara Yoshitomo có kích thước 213x213cm; còn Không là gì cả ngoại trừ nhà xanh, kích thước 320x320x670cm là một ngôi nhà gỗ phủ acrylic, bên trong chứa 575 món đồ chơi trẻ em các loại, cùng một bức tranh khổ 145,8x126,5cm.
Kỷ lục giá tranh trước đây của Sanyu thuộc về bức Năm cô gái khỏa thân, được bán với giá 16 triệu USD tại nhà đấu giá quốc tế Ravenel ở Đài Loan năm 2011, khi đó bức tranh thuộc về nhà sưu tập Pierre Chen và vào ngày 17/10/2019, sàn Sotheby’s ở Hồng Kông loan báo tác phẩm Năm cô gái khỏa thân sẽ được đưa lên sàn vào ngày 23/11/2019 với giá khởi điểm lên đến 33 triệu USD!
Năm cô gái khỏa thân của Sanyu: giá khởi điểm 33 triệu USD |
Với bức tranh Giấu dao sau lưng, Nara Yoshitomo trở thành tác giả Nhật có tranh cao giá nhất từ trước tới nay. Đáng ngạc nhiên, bức tranh siêu phẳng (superflat) này trông như tranh hoạt hình, thể hiện một bé gái tóc ngắn, trong chiếc áo đầm màu đỏ, cổ cánh sen, vẻ mặt trông giận dữ như muốn đe dọa người xem tranh muốn bước đến gần. Yoshitomo vẽ bức này năm 2000, sau mười năm sống ở Đức mới trở về quê nhà. Trước đó, tranh của ông dù có giá không thấp nhưng chưa bao giờ đạt tới mức bảy con số. Kỷ lục gần nhất của tranh Nara Yoshitomo thuộc về bức Mèo (Đêm không ngủ) được bán với giá 4,45 triệu USD vào năm 1999 tại nhà Christie’s Hồng Kông. Hai năm gần đây, năm bức khác của ông cũng đều được bán ở thị trường Hồng Kông với giá 3,1-3,4 triệu USD. Với khoảng 40 triển lãm cá nhân từ năm 1984, Nara Yoshitomo đã có tác phẩm trong sưu tập của các bảo tàng lớn như MoMA (Museum of Modern Art) ở New York và MoCA (Museum of Contemporary Art) ở Los Angeles, cũng như trong nhiều sưu tập tư nhân danh tiếng.
Giấu dao sau lưng của Nara Yoshitomo: 25 triệu USD |
Khác hẳn với Nara Yoshitomo, Sanyu là một huyền thoại của mỹ thuật châu Á, đồng thời là tên tuổi lớn trong lịch sử mỹ thuật phương Tây. Như nhiều họa sĩ Trung Hoa kiệt xuất khác, Sanyu sống phiêu bạt từ thời trẻ ở châu Âu, chủ yếu tại Paris. Những năm 1920, ông đến “Kinh đô ánh sáng” với các sinh viên mỹ thuật cùng thời, sau này đều trở thành nhà danh họa như Từ Bi Hồng (Xu Beihong), Ngô Đại Vũ (Wu Dayu), Lâm Phong (Lin Fengmian)... Họ đã cùng nhau viết nên một trang sáng chói về các họa sĩ Trung Hoa sống và vẽ tại Pháp. Những năm 1940-1950, Sanyu trở thành thủ lĩnh của các tên tuổi như Ngô Quan Trung (Wu Guanzhong), Trương Đại Thiên (Zhang Daqian) và Zao Wou-Ki (1913-2013, họa sĩ có tranh giá cao nhất tại Hồng Kông: bức Tháng Sáu - Tháng Mười 1985 của ông, dài 12m được bán với giá 65 triệu USD tại nhà Sotheby’s vào tháng 10/2018). Tháng 12/1965, Sanyu có triển lãm cá nhân cuối cùng của ông tại Paris, trong đó có bức tranh khỏa thân (vừa được bán với giá 25,2 triệu USD) nhưng chỉ vài tháng sau, ông mất vì một tai nạn nên tác phẩm đó cũng là bức tranh cuối cùng ông sáng tác. Tranh phụ nữ khỏa thân là một chủ đề lớn trong sự nghiệp nghệ thuật của Sanyu.
Trở lại với tình hình đầy biến động trong thời gian này tại Hồng Kông, theo bà Nynke van der Ven của gallery Vanderven Oriental Art (Hà Lan), dù khách mua tranh và giới sưu tập có giảm nhưng “chẳng phải là thời kỳ xám xịt” bởi những người đến lãnh thổ này để săn tìm tác phẩm nghệ thuật vẫn “rất tập trung và hào hứng” và “có được kiệt tác là cả một tài sản”. Tuy nhiên, cũng có những người lo lắng trước tình trạng bất ổn chưa có dấu hiệu giảm bớt, như lời ông Kelvin Yang - Giám đốc điều hành Galerie du Monde (Pháp): “Chúng tôi chưa bán được gì cả. Thật là một giai đoạn hết sức khó khăn đối với Hồng Kông, để tổ chức được hội chợ nghệ thuật tại đây giống như một phép lạ!”.
Nara Yoshitomo ở Yokohama năm 2012 |
“Tình hình có thể tồi tệ hơn” theo quan sát của ông Andy Hei - người sáng lập cũng là giám đốc hai hội chợ nghệ thuật song song Fine Art Asia và Ink Asia; nhưng ông vẫn lạc quan: “Lịch sử là một bảo tàng đẹp đẽ. Với tư cách một cá thể, những gì chúng tôi có thể làm bây giờ là tiếp tục duy trì hoạt động. Đây không phải là dấu chấm hết, không phải là ngày tận thế của thế giới nghệ thuật ở Hồng Kông”. Fine Art Asia và Ink Asia, theo khẳng định của ông Andy Hei sẽ vẫn diễn ra trong năm tới vì các nhà sưu tập có máu mặt ở Trung Quốc sẽ vẫn đến Hồng Kông để săn tìm tác phẩm quý hiếm. Hei cho biết, ở hai hội chợ, an ninh sẽ được tăng cường thêm 10% so với năm trước, đội ngũ của ông đã được tập dượt kỹ cho công tác tổ chức sẽ diễn ra tại Trung tâm Triển lãm Hồng Kông; đó cũng sẽ là nơi sẽ diễn ra Hội chợ nghệ thuật lừng danh Art Basel 2020, dự kiến tổ chức từ ngày 19/3 đến 21/3 năm sau. Tuy nhiên, với những bất trắc khó lường trước, rất có thể sự kiện này sẽ phải chuyển đến Singapore, bởi các nhà sưu tập đến từ Trung Quốc sẽ là mục tiêu chính mà Art Basel Hong Kong 2020 nhắm đến.