Những “khoảng trống” trong năng lực quản lý nhà nước

05/05/2011 06:27

Năm 2010, cứ 7 ngày có một người chết vì ngộ độc thực phẩm, theo thống kê của chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Những “khoảng trống” trong năng lực quản lý nhà nước

Năm 2010, cứ 7 ngày có một người chết vì ngộ độc thực phẩm, theo thống kê của chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Việc “ôm đồm” ở các bộ dẫn tới nhiều nhiệm vụ bị… “bỏ quên”.

Tính mạng người dân đang trông cả vào công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này, được giao cho các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương. Nhiều đầu mối là vậy nhưng không bộ nào đứng ra làm chủ chốt. Hệ lụy là tình trạng ngộ độc thực phẩm năm rồi đã xấu hơn trước đó.

Chỉ rõ nhiều bất hợp lý ngay trong chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ông Lê Viết Thái, Trưởng ban Thể chế kinh tế (Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương – CIEM), cho rằng, thực trạng quản lý nhà nước ở cấp bộ hiện nay còn tồn tại nhiều khoảng trống.

“Chức năng của hầu hết các bộ đều rất chung chung, thiếu rõ ràng”, ông rút ra kết luận đầu tiên. Trong nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các bộ hiện nay đều có một dòng giống nhau: “thực hiện chức năng quản lý nhà nước về…”, rồi gắn với lĩnh vực được giao của bộ.

“Khái niệm này rất chung chung, nếu cho mỗi người giải thích về ý nghĩa cụm từ này thì tôi dám chắc sẽ thu được không dưới 100 ý kiến khác nhau”, ông Thái nêu vấn đề. Và hệ quả từ chức năng thiếu rõ ràng đã dẫn đến sự trùng lắp, cắt khúc nhưng đồng thời cũng bị… bỏ trống.

Nếu ví dụ về trường hợp quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản, thuộc ba bộ Công Thương, Tài nguyên Môi trường và Xây dựng, ông chỉ rõ, trong khi Bộ Công Thương phụ trách chung về khoáng sản, Bộ Xây dựng thì liên quan đến phần khoáng sản là vật liệu xây dựng, đồng thời là Bộ Tài nguyên Môi trường cũng “có phần” trong các vấn đề về môi trường hoạt động khai thác khoáng sản.

Chưa tính đến vai trò các địa phương, chỉ riêng ở cấp bộ đã có tình trạng cắt khúc, trùng lắp. Ông Thái nhìn nhận: “Tình trạng trùng lắp, cắt khúc về chức năng quản lý nhà nước dẫn tới khi có sự cố xảy ra, bộ này đổ cho bộ nọ”.

Không khó để chứng minh luận điểm này của ông Thái khi các vi phạm về khai thác khoáng sản dẫn tới chết người, hay các trường hợp ngộ độc thực phẩm như nói trên diễn ra không ít. Nhiều bài học, mãi đến gần đây vẫn chưa được đúc rút thành những quy trình kiểm soát tốt hơn, phản ánh trong chức năng của các bộ.

Nhưng cùng lúc lại xuất hiện tình trạng bị bỏ trống trong chức năng quản lý nhà nước ở cấp bộ. Một ví dụ dễ thấy là trường hợp quản lý nhà nước về thực phẩm chức năng, dòng sản phẩm hoàn toàn có thể gây ngộ độc, thậm chí nguy hại tính mạng con người.

Chức năng quản lý nhà nước về sản xuất thực phẩm chức năng được giao cho Bộ Công Thương, quản lý chất lượng sản phẩm lại thuộc Bộ Y tế. Lâu nay, quy định cụ thể thế nào là thực phẩm chức năng, là dược phẩm vẫn chưa rõ, dù đã có những tranh chấp liên quan đến việc phân định này.

“Rõ ràng, việc bỏ trống chức năng quản lý nhà nước đang ảnh hưởng đến lợi ích của xã hội”, ông Thái bình luận.

Nghiên cứu của ông Thái cũng cho thấy ở nhiều bộ, việc phân công nhiệm vụ rất ôm đồm. Do quản lý nhà nước chuyển từ thời kế hoạch hóa tập trung, nhà nước lo từ cái kim, sợi chi đến những chuyện cao siêu nhất, sang cơ chế thị trường, nhưng nhiệm vụ các bộ chưa có thay đổi thích ứng.

Nêu ví dụ về trường hợp ở một ủy ban nọ, ông Thái cho rằng cơ quan này có quá nhiều nhiệm vụ trùng với nhiều bộ khác, như giáo dục thì chồng lên nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xóa đói giảm nghèo thì “kênh” với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội…

“Tôi không biết những nhiệm vụ này được thực hiện như thế nào đến nay. Chia sẻ cùng nhiệm vụ như vậy tức là nếu các bộ kia làm thực sự tốt thì sự tồn tại của ủy ban này cần được làm rõ”, ông Thái nêu quan điểm.

Hay có những nhiệm vụ đã “lạc hậu” so với tình hình hiện nay, không còn phù hợp với thực tế, chẳng hạn như việc Bộ Công Thương vẫn cung cấp định mức kỹ thuật cho việc sản xuất ra các sản phẩm của nền kinh tế.

“Trong nền kinh tế thị trường thì không ai quan tâm doanh nghiệp tốn bao nhiêu lao động, hay bao nhiêu nguyên liệu để đưa ra một sản phẩm vì bản thân thị trường sẽ điều tiết việc này”, ông Thái nêu thêm dẫn chứng.

Vị chuyên gia từ CIEM cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc “ôm đồm” ở các bộ ẫn tới nhiều nhiệm vụ bị… “bỏ quên”; nhiệm vụ hạn chế thì dẫn tới xin cho, cơ hội; ôm đồm nhiệm vụ cũng khiến bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả.

Trong khi đó, ông Thái cho biết tổng chức năng, nhiệm vụ của các bộ hiện nay, nếu in ra phải cỡ 100 trang giấy, chưa kể mỗi bộ cũng quy định chức năng, nhiệm vụ cho các cục, vụ, viện khoảng chừng 4-5 chục trang khác

Kết luận từ nghiên cứu về năng lực quản lý nhà nước, ông Thái cho rằng, khi chức năng, nhiệm vụ của các bộ vẫn còn vô khối như thế sẽ không giảm được đầu mối. “Nếu không quy hoạch lại, thu gọn nhiệm vụ hiện nay thì không thể giảm được biên chế”, ông nói rõ.

* Các bạn có đồng tình với nhận định của tác giả bài viết. Mời các bạn tham gia gửi ý kiến phản hồi dưới đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những “khoảng trống” trong năng lực quản lý nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO