Nhớ một miền sông nước Sài Gòn xưa

MINH CÚC| 01/02/2017 06:27

Sài Gòn kênh rạch vắt ngang vắt dọc, cho nên các cây cầu cũng từ đó mà giăng khắp chốn. Nghe ông bà kể lại, thuở xưa cầu chưa nhiều, Sài Gòn ghe xuồng tấp nập, bến đò cũng nhiều vô số. Tới nay, vẫn còn những bến đò với những cái tên gợi nhớ như bến Cát, bến Bình Đông, rạch Bắp, rạch Lá, bến Đá, bến Cây Me, bến Gỗ...

Nhớ một miền sông nước Sài Gòn xưa

Sài Gòn kênh rạch vắt ngang vắt dọc, cho nên các cây cầu cũng từ đó mà giăng khắp chốn. Nghe ông bà kể lại, thuở xưa cầu chưa nhiều, Sài Gòn ghe xuồng tấp nập, bến đò cũng nhiều vô số. Tới nay, vẫn còn những bến đò với những cái tên gợi nhớ như bến Cát, bến Bình Đông, rạch Bắp, rạch Lá, bến Đá, bến Cây Me, bến Gỗ...

Đọc E-paper

Thuở ghe xuồng tấp nập đó, từ tờ mờ sáng, ông Hai Gừng đã dậy thiệt sớm, lục đục nấu cơm, ép mo cau, giắt bên hông đem đi ăn dọc đường. Ông Hai Gừng chèo ghe từ An Phú Đông (quận 12 bây giờ) xuống tới rạch Hàng Bàng (khu Phạm Đình Hổ, quận 6 bây giờ) thả lưới, câu cá.

Trong những chuyến mưu sinh xuôi ngược sông nước đó, ông Hai Gừng làm bạn với ông Mười Hơn bán đường đậu trên con rạch Hàng Bàng. Tâm đầu ý hợp, hai ông bàn chuyện làm sui gia.

Xuôi dòng duyên nợ

Ông Hai Gừng nói: "Tui có đứa con gái thứ sáu năm nay đã hai mươi tuổi mà chưa có đám nào tới hỏi".

Ông Mười Hơn tiếp lời: "Tui có thằng con trai lớn cũng trạc tuổi. Nó chỉ cắm đầu làm ăn phụ gia đình thôi. Vậy tụi mình mần sui đi".

Vậy là, dì dượng tôi nên duyên từ đó.

Sau đám cưới, dì Sáu tôi từ An Phú Đông lên khu Chợ Lớn làm dâu. Dượng Sáu làm tài xế xe tải, còn dì Sáu mở tiệm bán cơm tấm tại nhà. Cơm tấm, sườn nướng của dì ngon nổi tiếng ở khắp khu Phan Văn Khỏe (bên hông chợ Bình Tây). Nghỉ hè, thỉnh thoảng tôi qua phụ dì bán cơm.

Phía sau nhà dì là con rạch Hàng Bàng, gió thổi vô nhà mát rượi. Chiều chiều, tôi và nhỏ em họ tản bộ lên cầu Phạm Đình Hổ mua yaourt. Hai đứa ra sau nhà ăn yaourt, nói đủ thứ chuyện trên đời, ngắm ghe xuồng lạch tạch chạy qua. Thỉnh thoảng, có đám lục bình trôi ngang, trên có mấy chùm bông tim tím, hai đứa lấy sào kéo vô ngắt bông chơi.

Nơi ghe xuồng buôn bán nhộn nhịp nhất phải kể đến bến Bình Đông (quận 8) bên dòng kênh Tàu Hủ.

Hồi học đại học, khoảng năm 1996, tôi có người bạn chung lớp tên Thủy. Ba má Thủy ở Bến Tre sống bằng nghề nông. Cứ cách tuần là ba má Thủy chở trái cây lên Sài Gòn bán. Mỗi lần như thế, Thủy lại rủ tôi ra bến Bình Đông để nhận đồ "tiếp tế” của ba má. Chiếc ghe của ba má Thủy không lớn lắm, chất đủ loại trái cây thu hoạch từ vườn nhà. Nhìn cảnh gia đình Thủy mừng rỡ quây quần bên nhau trên chiếc ghe thấy thật đầm ấm.

Ảnh: Minh Các

Mỗi khi Tết sắp tới, bến Bình Đông nhộn nhịp hơn hẳn. Đây có lẽ là thời điểm đẹp nhất trong năm ở bến Bình Đông. Không hẹn mà nên, cứ giáp Tết là thương lái lại chở mai, tắc, cây kiểng lên bán. Các loại cây chưng Tết bán ở Bến Bình Đông khá rẻ, nên năm nào cả xóm tôi cũng rủ nhau đi mua mai, mua tắc về chưng.

Từ ngày được quy hoạch thành chợ hoa Tết, hoa, cây cảnh đổ về bến Bình Đông phong phú hơn. Cứ từ khoảng 23 - 24 tháng Chạp là nơi đây rực rỡ một cảnh sắc trên bến dưới thuyền hoa tươi khoe sắc thắm. Từ trên cầu Chà Và nhìn xuống, một không gian mua bán tấp nập, thuyền hoa rực rỡ, cây trái đầy ắp khiến lòng người không khỏi xuyến xao.

Đến chợ hoa bến Bình Đông những ngày giáp Tết, có thể gặp được nhiều người, nhất là người lớn tuổi, đi chợ hoa có khi không phải để mua hoa mà để nhìn ngắm, tận hưởng và hồi tưởng lại một thời tấp nập ở nơi đây...

Đìu hiu thuyền xưa bến cũ

Thời gian qua mau, cứ mỗi lần tôi tới nhà dì Sáu chơi lại thấy nhà dì và nhà phía bên kia rạch xích gần nhau hơn. Thì ra, mỗi năm người ta lại cơi nới gian nhà sau, lấn ra thêm một chút. Dần dần, con rạch trong xanh ngày nào giờ ngập ngụa rác, nước đen thui, tối đến muỗi bay vù vù. Thỉnh thoảng cũng có các đội môi trường đô thị đến vớt rác, dọn sạch lòng rạch, nhưng không cải thiện được bao nhiêu. Vì hễ cứ có rác là người dân ở đó tiện tay quăng xuống rạch.

Trải qua nhiều thăng trầm, Bến Bình Đông giờ cũng thưa thớt ghe xuồng, tiếng gọi đò í ới như ngày xưa lại càng hiếm.

Một buổi sáng ở bến Bình Đông, dòng nước đen, sủi bọt lăn tăn hiện rõ mồn một dưới nắng ban mai. Có vài chiếc tàu, ghe chở cây kiểng, trái cây neo lại bên bờ. Dưới lòng kênh, một người đàn ông lam lũ, ngồi trên chiếc ghe nhỏ xíu đang cặm cụi vớt từng miếng nylon, vỏ chai nhựa. Ông rửa những miếng nylon, chai nhựa bằng nước kênh, giũ cho ráo rồi để lên ghe. Thỉnh thoảng có một chiếc xuồng máy đuôi tôm chạy qua lạch tạch, nước bắn tung tóe phía sau.

Còn buổi tối, bến Bình Đông có vẻ nhộn nhịp hơn dưới ánh đèn vàng của xe cộ qua lại. Ở phía cầu Ngang số 2 có cái sân chơi cho thiếu nhi rộn ràng tiếng nhạc xập xình. Vài quán cà phê tận dụng lối đi ven kênh bày bàn ghế ra nhưng khách cũng khá thưa vắng.

>>"Sài Gòn trên xứ sở chùa Tháp"

Các dãy nhà của người Hoa bên bờ kênh được xây từ đầu thế kỷ XX giờ đây đã nhuốm màu thời gian, đứng trầm mặc bên dòng kênh đen. Những cái tên như sơn Á Đông, bột mì Bình Đông... vẫn còn nơi ấy như để thỏa lòng cố nhân.

Hoạt động nạo vét kênh Tàu Hủ và các con kênh khác của TP.HCM đã được thực hiện từ năm 2001. Đến nay, con kênh Tàu Hủ chỉ có "bộ mặt" khang trang hơn xưa một chút. Nhưng nước vẫn đen, rác vẫn còn, thỉnh thoảng dòng kênh lại nổi bọt trắng do chất thải từ các nhà máy, cơ sở sản xuất ở gần đó. Dọc theo bến Bình Đông, các hàng rào sắt được dựng lên nhìn khang trang hơn. Chỉ còn một đoạn khoảng 600m thuộc khu vực phường 13, quận 8 là không có hàng rào. Tại khoảng trống này vẫn còn neo đậu lác đác vài chiếc ghe chở trái cây, cây kiểng. Dọc trên bến vẫn còn vài sạp bán dừa, chuối...

Vậy đó, một bến Bình Đông đìu hiu như đời người tới tuổi xế chiều. Dù có con đường Võ Văn Kiệt hoành tráng chạy ngang, nhưng hai bên bờ vẫn tồn tại những căn nhà lụp xụp, khác hẳn với vẻ xa hoa, đẹp đẽ của nhiều tòa nhà cao tầng như bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Nhưng, những mái nhà cũ kỹ, những cảnh buôn bán tựa ở thôn quê - bình dân, chất phác đến lạ kỳ giữa Sài Gòn đã giúp những người trót thương, trót nhớ một miền sông nước Sài Gòn xưa cảm thấy như được an ủi phần nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhớ một miền sông nước Sài Gòn xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO