Tôi đi học ở Toulouse, thành phố ở phía Nam nước Pháp, thủ phủ vùng Midi-Pyrénées. Tôi cũng hay lên Paris, lúc thì đi chơi, lúc thì đi công việc. Thường tôi hay chọn đi tàu đêm vì rẻ hơn đi ban ngày. Tàu đến Paris lúc sáng sớm và luôn dừng tại ga Austerlitz. Còn nếu đi ban ngày, ngoài ga Austerlitz, tàu còn có thể dừng tại ga Montparnasse.
Thể lệ cuộc thi viết: "Nhật ký lữ hành"
Lúc này đang là giữa mùa Đông nên đã 7g sáng mà trời vẫn còn tối lắm, và rất lạnh. Đợi đến gần 8g chúng tôi xuống bến tàu điện ngầm mua vé Paris visit. Với cái vé này, chúng tôi có thể sử dụng bất kỳ phương tiện giao thông công cộng nào ở Paris trong vòng hai ngày, không giới hạn số lần đi. Ngoài ra, có thể mua vé sử dụng một ngày, ba ngày hay năm ngày.
Bắt metro đến một bến gần Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris), chúng tôi thả bộ một lát là đã nhìn thấy dòng sông Seine và nhà thờ. Giờ này nhà thờ vẫn chưa mở cửa. Mặc dù trời khá lạnh, nhưng chúng tôi vẫn quyết định ra ngồi bên bờ sông ngắm cảnh.
Hầu như mỗi thành phố của nước Pháp đều có một nhà thờ tên là Notre-Dame (Đức Bà). Notre-Dame de Paris không phải là nhà thờ lớn nhất nước Pháp, nhưng chắc chắn nó được thế giới biết đến nhiều nhất. Nhà thờ này cùng với tháp Eiffel, bảo tàng Louvre, Khải Hoàn Môn... được xem là những biểu tượng đặc trưng của kinh đô Paris hoa lệ, là niềm kiêu hãnh của người dân Pháp.
Notre-Dame de Paris là một kiệt tác kiến trúc theo trường phái Gothique. Năm 1163, giám mục Maurice de Sully đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ, bắt đầu một dự án táo bạo kéo dài đến gần 200 năm, cộng thêm rất nhiều thay đổi, tu sửa trong những thế kỷ về sau.
Mặt phía tây của nhà thờ có lẽ là hình ảnh quen thuộc nhất đối với du khách. Nhìn từ xa, nó tương đối đơn giản nhưng không kém phần hùng vĩ, có thể dễ dàng chia làm ba phần theo chiều dọc cũng như chiều ngang, với tỷ lệ rất hài hòa.
Cửa sổ hoa hồng (rosace) của nhà thờ. |
Bốn cột chống to lớn, cao đến đỉnh hai tháp chuông, vươn thẳng lên nền trời xanh, trong khi hai tầng nhà nằm ngang lại có vẻ như đè nén nhà thờ xuống đất. Đường nét của mặt này chủ yếu là hình vuông và hình tròn.
Hình vuông thể hiện một không gian bị giới hạn, đó là thế giới của chúng ta. Còn hình tròn lại là cái vô hạn, không có khởi đầu và kết thúc, tượng trưng cho thế giới của Chúa. Những thiết kế hình tròn nằm bên trong những thiết kế hình vuông, như muốn ngụ ý thế giới của Chúa đã xâm nhập vào thế giới của chúng ta.
Ở trung tâm mặt đứng này là một cửa sổ hoa hồng có đường kính 9,6m, với tượng Đức Mẹ đang ôm đứa trẻ ở giữa hai thiên thần. Đầu của tượng Đức Mẹ nằm đúng ngay tâm của cửa sổ hoa hồng. Ngay bên dưới cửa sổ là dãy 28 bức tượng các vị vua đại diện cho 28 triều đại các vua Juda trước Chúa.
Mặt đứng phía tây có ba cổng vào. Cổng Le Portail du Jugement Dernier (Buổi phán xét cuối cùng) là cổng chính, nằm ở giữa, được trang trí bằng những bức tượng và hình chạm trổ, điêu khắc kỳ công, tỉ mỉ. Trong đó nổi bật lên bức tranh điêu khắc tái hiện khung cảnh buổi phán xét cuối cùng của Chúa.
Bên trái là cổng Le portail de la Vierge (Đức Mẹ Đồng Trinh), với bức tranh điêu khắc kể lại cái chết của Đức Mẹ. Bên phải là cổng Le portail Sainte-Anne, được dành cho thánh Anne, mẹ của Đức Mẹ Đồng Trinh.
Sau khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp phía bên ngoài nhà thờ và giáo đường bên trong, du khách còn có thể leo lên đỉnh tháp chuông ở phía nam. Tham quan đỉnh tháp nhà thờ thì không miễn phí như tham quan các gian giữa giáo đường, tuy nhiên, tôi thấy thú vị hơn rất nhiều, vả lại vé cũng không đắt lắm. Nếu là sinh viên, bạn chỉ tốn khoảng 4 euro.
Điểm cao nhất của Notre-Dame de Paris là 96m, nhưng nếu chỉ tính tới đỉnh tháp chuông thì là 69m. Tổng cộng có 422 bậc thang. Leo đến bậc thang thứ 387, tôi tới được ban công nơi nhà thờ được tách làm hai tòa tháp bắc và nam. Từ vị trí này tôi có thể thoải mái quan sát những bức tượng chimère. Chimère là quái thú không có thật, lai tạp giữa các loài thú, hoặc đôi khi là nửa người nửa thú.
Những bức tượng chimère được đặt trên các góc của lan can nhà thờ, chỉ để trang trí hoặc có thể mang ý nghĩa tôn giáo nào đấy. Nổi tiếng nhất trong số các bức tượng chimère ở đây có lẽ phải kể đến “la stryge”, sinh vật với đôi cánh của loài chim trên lưng, nhưng lại có cánh tay con người; đôi bàn tay đang chống cằm và mắt nhìn xa xăm như đang mải mê chiêm ngưỡng Paris, dõi theo sự đổi thay từng ngày, từng giờ của thủ đô hoa lệ. Paris hoa lệ, hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo.
Tượng Chimere nhìn xuống Paris |
Tiếp tục leo lên những bậc thang dẫn lên cao bên trong tháp chuông phía Nam, tôi bắt gặp một cái chuông nhà thờ thật lớn. Trong tiếng Pháp, người ta dùng từ la cloche để gọi chuông nhà thờ, và một cái cloche thật lớn thì được gọi là le bourdon. Cái chuông trước mặt chúng tôi là một bourdon có tên Emmanuel, nặng hơn 13 tấn.
Trước đây Notre-Dame de Paris có tới 20 cloche, trong số đó có hai bourdon, nhưng tất cả đã bị những người làm cách mạng phá hủy vào năm 1792. Ngày nay nhà thờ còn lại 11 cloche. Le bourdon Emmanuel chỉ được rung lên vào những thời khắc thật quan trọng.
Trên dải băng-rôn đỏ treo bên cái chuông Emmanuel, giới thiệu về những cái cloche của nhà thờ, chúng tôi thấy hình vẽ một người đàn ông lưng gù, đang cố gắng ôm lấy cái chuông lớn và ráng sức đẩy cho nó kêu. Con người kỳ lạ đó chính là anh chàng Quasimodo trong tác phẩm Thằng gù Nhà thờ Đức Bà của đại văn hào Victor Hugo.
Rời khỏi cái chuông lớn Emmanuel, tôi tiếp tục leo lên cao nữa, tới tận đỉnh tháp. Đứng ở đây tôi có một tầm nhìn tuyệt vời trải khắp Paris và ngắm nhìn dòng người nhỏ xíu như những đàn kiến đang hối hả chuyển động bên dưới. Chúng tôi chỉ được phép đứng trên ban công của tháp năm phút là phải xuống, vì có khá đông du khách đang chờ tới lượt leo lên, bởi diện tích trên này khá chật hẹp.
Tạm biệt Notre-Dame, chắc chắn tôi sẽ quay lại và có lẽ tôi phải đọc tác phẩm Thằng gù Nhà thờ Đức Bà để có thể hiểu thêm nhiều nét thú vị của nhà thờ và một giai đoạn lịch sử đầy biến động gắn liền với nó.